Những điều chúng ta hiểu sai về tự tử

749

Những điều chúng ta hiểu sai về tự tử

Ronald Rolheiser, 2012-07-08

Hàng năm tôi đều viết một bài về tự tử vì có quá nhiều người phải sống trong nỗi đau mất mát một người thân yêu theo cách đó. Hiếm có tuần nào mà tôi không nhận được một bức thư tay, một thư điện tử hay một cuộc điện thoại từ một người nào đó vừa mới mất một người thân vì họ tự tử. Trong gần như mọi trường hợp, có một nỗi buồn bã kèm theo là thật sự chẳng có mấy tài liệu gì, dù là tôn giáo hay thế tục, để giúp an ủi những người ở lại đầy đau thương mất mát đó. Một người bạn của tôi, người mà suốt trong những năm dài tối tăm phải tìm cách sống vượt lên nỗi đau mất người chồng do tự tử, một ngày nọ dự định viết một quyển sách để cố gắng an ủi những người ở lại đầy đau thương. Có một nhu cầu ghê gớm đối với chỉ một quyển sách như vậy.

Khi một người gần gũi với chúng ta chết vì tự tử, chúng ta sống với một nỗi đau chứa nhiều hoang mang (“Tại sao?), tội lỗi (chúng ta hẳn vẫn có thể làm được điều gì?”), hiểu lầm (“Đây là dạng tuyệt vọng tột bậc”) và – nếu chúng ta có tín ngưỡng – cả những nỗi ray rứt tôn giáo sâu sắc (“Làm thế nào mà Chúa lại đối xử như vậy với một người như thế? Số mệnh vĩnh cửu của người đó sẽ ra sao”)

Cần nói điều gì về chuyện tự tử? với rủi ro là lặp lại những gì tôi đã viết năm này sang năm khác:

Trước hết, đó là một căn bệnh, một chuyện mà trong hầu hết trường hợp đã đem một người ra khỏi cuộc đời này trái với ý muốn của người đó, căn bệnh về cảm xúc tương đương với bệnh ung thư, một cơn đột quỵ, hay một cơn đau tim. Thứ hai là, chúng ta, những người thân yêu còn ở lại, không nên dành thời gian và năng lượng không đáng để đoán mò xem mình đã hắt hủi người đó ra sao, chúng ta hẳn đã nên để ý điều gì, và điều gì chúng ta hẳn vẫn có thể làm được để ngăn chặn việc tự tử đó. Tự tử là một căn bệnh, và cũng như những căn bệnh thân thể thuần túy, chúng ta yêu thương một người nhưng vẫn không thể cứu người đó khỏi chết. Chúa cũng yêu thương người này, và giống chúng ta, Người cũng không thể can thiệp vào tự do của người đó. Cuối cùng, chúng ta không nên quá lo lắng về chuyện làm thế nào Chúa gặp được người thân yêu của ta ở bên kia thế giới. Tình thương yêu của Chúa, khác với tình thương yêu của chúng ta, có thể đi qua những cánh cửa khóa chặt, đi xuống địa ngục, và thở những hơi thở an bình ở những nơi chúng ta không thể. Phần lớn những người chết do tự tử sẽ thức dậy ở phía bên kia và thấy Đức Ki-tô đang đứng bên trong căn phòng khóa kín của họ, bên trong trái tim hỗn loạn của họ, thở ra hơi thở bình an và nhẹ nhàng nói: “Cầu mong con yên nghỉ!”

Nhưng mỗi năm tôi cũng nhận rất nhiều thư phê phán nói rằng tôi đang coi nhẹ vấn đề tự tử bằng cách giảm nhẹ mức độ cấm kỵ tối hậu của nó và do đó khiến cho người ta dễ dàng thực hiện chuyện đó hơn: Chẳng phải bản thân G.K. Chesterton đã từng nói, khi giết chính mình, anh đã lăng nhục từng bông hoa một trên trái đất này? Thế thì chuyện này là sao?

Chesterton nói đúng, khi tự tử thật sự là một hành động tuyệt vọng trong đó một người tự giết mình. Nhưng trong hầu hết các trường hợp tự tử, tôi ngờ rằng điều đó không đúng bởi vì có một sự khác biệt lớn lao giữa chuyện là nạn nhân của tự tử và chuyện giết bản thân mình.

Trong tự tử, một người, do bệnh tật theo bất cứ kiểu gì, bị đem ra khỏi cuộc đời ngoài ý muốn của người đó. Nhiều người trong chúng ta đã biết những người thân yêu chết vì tự tử và chúng ta biết rằng trong gần như mọi trường hợp, người đó là phản đề của kẻ ích kỷ, kẻ tự yêu bản thân mình, kẻ quá mức kiêu ngạo, chai lì, người không chịu thay đổi và từ chối chấp nhận vị trí của mình trong một tình trạng hèn kém và đổ vỡ, vì tự hào. Thường là ngược lại. Người chết bằng tự tử đó có các vấn đề độc hại như ung thư bởi vì người đó quá nhạy cảm, quá tổn thương, quá non nớt, và đã mang đầy thương tích đến nỗi không thể có được độ gan lì cần thiết để chịu được nhiều cú đấm của cuộc đời. Tôi nhớ một lời nhận xét mà một lần tôi nghe thấy trong một lễ tang. Chúng tôi vừa chôn cất một chàng trai, một người đã tự tử do chịu đựng quá sức bệnh trầm cảm. Vị linh mục đã thuyết giảng rất tệ, ám chỉ rằng vụ tự tử này cách nào đó là lỗi lầm của riêng chàng trai, và tự tử bao giờ cũng là hành động tuyệt vọng tột bậc. Trong buổi tiếp tân theo sau đó, một người hàng xóm của chàng trai đã đứng lên và bày tỏ bất mãn với lời thuyết giảng của vị linh mục: “Có rất nhiều người trên thế giới này cần phải tự giết mình, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ làm vậy! Nhưng người con trai này là người cuối cùng trên thế giới phải giết mình; anh là người nhạy cảm nhất tôi từng gặp!” Quá đúng.

Giết mình là chuyện khác. Đó là cách mà một số kẻ như Hitler ra khỏi cuộc đời này. Trên thực tế, Hitler đúng là đã giết bản thân mình. Trong trường hợp như vậy, người đó không phải là quá nhạy cảm, quá khiêm tốn, quá mang nhiều thương tích đến nỗi không chạm đến được những người khác và được người khác chạm đến. Mà là trái lại. Người đó quá tự hào đến nỗi không thể chấp nhận vị trí của mình trong một thế giới mà rốt cuộc đòi hỏi sự khiêm cung từ tất cả mọi người.

Có một khoảng cách xa vô tận giữa một hành động thực hiện vì yếu đuối và một hành động thực hiện vì sức mạnh. Cũng vậy, có một sự phân biệt tuyệt đối rõ ràng giữa chuyện quá tổn thương đến nỗi không thể tiếp tục tiếp xúc cuộc đời với chuyện quá tự hào không thể tiếp tục chấp nhận vị trí của mình trong cuộc đời đó. Chỉ hành động sau mới phạm đến đạo đức, lăng nhục các bông hoa, và thách thức lòng lành của Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch