Tân Phúc Âm Hóa

511

Tân Phúc Âm Hóa

Ronald Rolheiser, 2012-05-13

Gần đây có một cách diễn đạt mới trong vựng từ thần học và giáo hội của chúng ta. Ngày nay người ta nói nhiều tới quá trình Tân Phúc Âm Hóa (New Evangelization). Thật ra Đức Giáo hoàng đã triệu tập một Đại hội trong vòng một tháng ở Rome trong năm nay để cố gắng vạch ra một tầm nhìn và chiến lược rõ ràng cho nỗ lực đó.

Tân Phúc Âm Hóa nghĩa là gì? Nói nôm na, hàng triệu người, đặc biệt ở thế giới Phương Tây, về danh nghĩa là Ki-tô hữu, xuất thân từ nền tảng Ki-tô, quen thuộc với Ki-tô giáo, tin rằng họ biết và hiểu Ki-tô giáo, nhưng giờ không còn thực hành đức tin đó một cách ý nghĩa nữa. Họ đã nghe nói tới Chúa Kitô và Phúc âm, thậm chí có thể tự đánh giá mình cao hơn thực tế về mặt đức tin, rằng họ biết và hiểu ý nghĩa những điều đó. Bất kể họ thế nào đi nữa. Cho dù họ có những khiếm khuyết gì đi nữa trong việc hiểu một đức tin mà họ không còn thực tập, họ vẫn cho rằng mình đã được phúc âm hóa, và việc họ không thực tập nữa là một quyết định đã được xem xét kỹ. Thái độ của họ đối với Ki-tô giáo về căn bản là: Tôi biết nó là gì rồi. Tôi đã thử thực tập rồi. Và nó không phải dành cho tôi!

Và thế là bây giờ chẳng còn nghĩa lý gì để nói về chuyện cố gắng truyền bá Phúc âm cho những người như vậy theo cùng cái cách mà chúng ta ngụ ý khi nói về việc đem Phúc âm đến với một người nào đó lần đầu tiên. Chính xác hơn, đó là truyền bá Phúc âm mới, một nỗ lực đem Phúc âm đến với những người và với một nền văn hóa chủ yếu đã được định hình bởi Phúc âm, theo một nghĩa nào đó đã quen thuộc quá mức với nó, nhưng thật ra chưa thật sự xem xét nó kỹ. Tân Phúc Âm Hóa cố gắng đưa Phúc âm đến với những người vốn đã là Ki-tô hữu nhưng giờ đây không còn thực hành như những Ki-tô hữu nữa.

Làm như thế nào đây? Làm thế nào để Phúc âm được tươi mới nơi những người đã thấy nó cũ mèm? Làm sao chúng ta, như G. K. Chesterton nói, giúp người ta nhìn vào những điều quen thuộc cho tới khi trông nó lại mới mẻ? Làm thế nào chúng ta cố gắng Ki-tô hữu hóa một người vốn đã là Ki-tô hữu?

Chẳng có câu trả lời đơn giản nào. Như thể chúng ta chưa cố gắng làm điều đó trong hơn một thế hệ qua. Những bậc phụ huynh băn khoăn đã và đang cố gắng làm điều đó với con cái mình. Những vị mục sư băn khoăn đã và đang cố gắng làm điều đó với giáo dân của mình. Những vị giám mục băn khoăn đã và đang cố gắng làm điều đó với các giáo phận của mình. Những tác giả thiêng liêng băn khoăn, kể cả tác giả bài này, đã và đang cố gắng làm điều đó với độc giả của mình. Và một Giáo hội băn khoăn xét như một tổng thể đã và đang cố gắng làm điều đó với cả thế giới. Liệu chúng ta có thể làm thêm được gì nữa?

Quan điểm của tôi là chúng ta đã bắt tay vào một nỗ lực gắng gỏi bơi ngược dòng dài lâu, một nỗ lực đòi hỏi đức tin vào sức mạnh và chân lý của những gì chúng ta tin tưởng và một lòng kiên nhẫn cam go, dài lâu. Chúa Kitô, đức tin, và nhà thờ sẽ tiếp tục tồn tại. Luôn luôn như vậy. Cuối cùng, hòn đá luôn luôn sẽ lăn khỏi hầm mộ và Chúa Kitô luôn luôn sẽ sống lại, nhưng chúng ta cũng phải làm phần việc của mình. Những phần việc đó là gì?

Tôi tin là tầm nhìn mà chúng ta cần khi cố gắng vươn ra Phúc âm hóa những người vốn đã được truyền bá Phúc âm cần bao gồm những nguyên tắc này:

  1. Chúng ta cần phải gọi tên rõ ràng nhiệm vụ này, thừa nhận tính cấp bách của nó, và đặt bản thân chúng ta vào trung tâm của mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu: Đi khắp thế giới và tuyển các môn đồ.
  1. Chúng ta cần nỗ lực thổi bùng lên lại ngọn lửa tưởng tượng lãng mạn về đức tin của mình. Gần đây chúng ta đã quạt giỏi hơn ngọn lửa trong sức tưởng tượng thần học của mình, nhưng vẫn còn quá sức chật vật trong việc làm cho người khác khác phải lòng đức tin của chúng ta.
  1. Chúng ta cần nhấn mạnh cả lối dạy theo hỏi đáp lẫn thần học. Cần tập trung vào cả những người đang cố gắng học những yếu chỉ trong đức tin của họ lẫn những người đang cố gắng tìm ra ý nghĩa về mặt trí thức của đức tin của họ.
  1. Chúng ta cần nhiều cách tiếp cận khác nhau. Không có cách tiếp cận duy nhất nào đến được với tất cả mọi người. Người ta chỉ đi tới chỗ nào họ tìm thấy thức ăn phù hợp.
  1. Chúng ta cần hấp dẫn chất lý tưởng hóa của con người, đặc biệt là giới trẻ. Cần thu phục nhân tâm bằng cách gắn Phúc âm với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong họ, để vẻ đẹp của Phúc âm trò chuyện với vẻ đẹp bên trong của con người.
  1. Chúng ta cần Phúc âm hóa vượt lên trên bất kỳ ý thức hệ của bên tả hay bên hữu nào. Cần vượt thoát khỏi những phạm trù tự do và bảo thủ để vươn tới những phạm trù yêu thương, cái đẹp và chân lý.
  1. Chúng ta cần duy trì cách tiếp cận “Thiên Chúa giáo” rộng rãi. Không phải chúng ta gắng đưa người ta gia nhập một nhóm bè phái, theo chủ nghĩa thuần túy, còm cõi, ít ỏi, mà là bước vào một ngôi nhà với nhiều căn phòng.
  1. Chúng ta cần rao giảng cả tự do của Phúc âm lẫn lời mời gọi của Phúc âm về sự trưởng thành. Chúng ta cần cưỡng lại cám dỗ rao giảng Phúc âm kiểu đe dọa hay hạ thấp người khác, kể cả khi chúng ta giảng Phúc âm kiểu yêu cầu một sự tuân phục tự do và chính chắn.
  1. Ngày nay, trong một thời đại của bất ổn và những phản bội xảy ra quá thường xuyên, chúng ta cần phải là một bằng chứng đặc biệt cho lòng trung thành.
  1. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tập trung vào những chuyện thiết yếu – lòng kính trọng, từ thiện và biết ơn. Chính nghĩa không bao giờ biện minh được cho sự bất kính.

Chúng ta cần nỗ lực để thu phục những trái tim, chứ không phải làm chúng chai sạn.

J.B. Thái Hòa dịch