Truyền thống ki-tô luôn luôn nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu được sinh ra do một trinh nữ. Đấng Thiên sai chỉ được sinh ra từ dạ người đồng trinh. Đương nhiên lý do chính cho sự nhấn mạnh này là để nêu bật Chúa Giêsu không có người cha thế gian và việc Ngài được sinh ra là do Thần Khí.
Nhưng cũng có một nghĩa thứ hai, ít được nói đến trong Thánh Kinh. Thường thường trong nghĩa này, ý tưởng cho rằng Chúa Giêsu sinh từ một trinh nữ vì dục tính là cái gì không tinh khiết, quá phàm tục so với một sự việc thiêng liêng như vậy. Thiêng liêng phải được tách bạch ra khỏi cái gì phàm tục. Không những Chúa Giêsu được sinh ra từ một trinh nữ, vì Người không có cha trần thế, mà Người còn được sinh ra từ trinh nữ vì sự sinh ra này đòi hỏi phải tinh tuyền, mà theo định nghĩa, tinh tuyền là loại trừ dục tính. Khái niệm của chúng ta về đồng trinh sinh hạ đã chịu sự thấm nhuần của lòng mộ đạo, mà với tất cả lý do có thể có, không thể nào chấp nhận dục tính đi với thiêng liêng.
Có cái gì sai ở đây? Vượt ra ngoài sự chê bai cái tốt đẹp do Chúa ban của dục tính, ở đây thiếu một trong những khía cạnh chủ yếu của sự mặc khải trong việc đồng trinh sinh hạ. Có một thách đố mang tính luân lý trong việc đồng trinh sinh hạ, một điều gì đó mời gọi bắt chước hơn là thờ phượng.
Truyền thống kitô nhấn mạnh đến đồng trinh sinh hạ (cũng như nhấn mạnh đến hầm mộ chưa từng chôn ai, nấm mộ trinh khiết đi đôi với tử cung còn trinh) không phải vì truyền thống cho rằng dục tính là không tinh khiết và quá thế tục nên không thể sinh ra một cái gì thiêng liêng.
Ngược lại, ngoài khía cạnh nhấn mạnh Chúa Giêsu không có cha trần thế, truyền thống ki-tô muốn nhấn mạnh đến quả tim và tâm hồn cần có một khoảng không gian linh thiêng để một cái gì đó có tính cách linh thiêng có thể được sinh ra. Vấn đề ở đây không phải là chuyện độc thân thay vì dục tính, nhưng là kiên nhẫn thay vì hấp tấp, tôn trọng thay vì không tôn trọng, chấp nhận sống trong căng thẳng thay vì đầu hàng và bù đắp cho một ước muốn không được đáp ứng. Quả tim tinh khiết sẽ để cho tình yêu đi theo tiếng gọi của nó chứ không lèo lái nó. Quả tim tinh khiết để cho quà tặng là quà tặng chứ không cưỡng bức nó, dù theo cách tinh vi đến đâu đi nữa. Quả tim tinh khiết chấp nhận đau khổ của khiết tịnh thay vì ngủ với cô dâu trước ngày cưới. Rốt cuộc, đó là điều tạo nên khoảng không gian tinh tuyền, là khoảng không gian trong đó Chúa có thể sinh ra.
Cách đây ba mươi năm, trong ý hướng muốn diễn tả điều này, tôi viết một bài thơ có đầu đề là Đồng trinh sinh hạ. Bây giờ tôi mắc cỡ bởi vì lý tưởng của tuổi thanh xuân trong bài thơ này, nhưng, trong những ngày đẹp đẽ của tôi, tôi lại nhận lấy lời khuyên từ những dòng thơ của chàng trai trẻ năm nào:
Đồng trinh sinh hạ
Nghịch lý đời đời, đặc biệt cho cả hai Đấng Cha và Con
Những vị đã kết hợp đặc biệt minh triết con người từ điều kỳ diệu.
Một trinh nữ sinh hạ
Không phải ra một chủng tử vô sinh
Mà là một Đấng Cứu Thế.
Đồng trinh thì liên quan gì tới việc hạ sinh? Không gì cả!
Khi minh triết phí phạm lời lẽ để đi mông lung
tìm một sự thật sẽ không giải thoát chúng ta.
Đồng trinh và không ăn nằm: quả tim chưa trọn đủ và thân xác,
Vật lộn với một vị Chúa không có thịt da
Người không để xác thịt gặp xác thịt
cảm thấy đớn đau, vẫn mong chờ sự trọn đủ
Để tránh hiếm muộn, một tội lỗi thật sự không thể tha thứ chống lại tinh thần của sự sống
Nhưng hiếm muộn đã mang thai lòng khao khát cái tinh thần đã ngủ với Thiên Chúa trong đêm
đã mang thai tinh thần cứu thế – những ai đã kiên nhẫn đợi chờ và thà một mình khóc thầm
hơn là làm hư món quà
vì thiếu kiên nhẫn.
Chỉ dạ của các trinh nữ mới cưu mang được Đấng Cứu Thế
vì chỉ các trinh nữ mới sống một mình trong chờ đợi
chờ đợi một chàng hôn phu
khuya khoắt, đã sau mười một giờ đêm, không còn hy vọng gì.
Không nản lòng, dạ người trinh nữ vẫn chờ đợi
Khước từ tất cả những người tình giả dối và tất cả nôn nóng
cái đòi hỏi xác thịt trên xác thịt và
một Xứ sở thần tiên theo điều kiện của con người
Đấng Cứu Thế chỉ được sinh hạ
từ trong dạ người trinh nữ
từ trong kiên nhẫn của người trinh nữ
cái làm cho
Thiên Chúa là Thiên Chúa
và
tình yêu là quà tặng.
Ronald Rolheiser, OMI
14, tháng mười hai, 1981
Tại sao là dạ người trinh nữ mới sinh ra Đấng Thiên sai? Tại sao có ám ảnh về sự tinh tuyền trong truyền thống ki-tô? Bởi vì, tất cả chúng ta đều quá biết, cuộc sống chúng ta đầy những chuyện không tinh khiết: hấp tấp, không tôn trọng, bất kính, lèo lái, khắc kỷ, vĩ cuồng, và tất cả chúng ta cũng đều biết, trong ma trận đó, không đấng thiên sai có thể được thụ thai.
J.B. Thái Hòa dịch