Được cứu chuộc nhờ sự hy sinh của một người

189

 

Ronald Rolheiser, 2011-03-13

Chúng ta được cứu chuộc nhờ cái chết của Chúa Giê-su! Mọi Ki-tô hữu đều tin điều đó. Đó là nguyên lý trọng tâm đức tin của Ki-tô hữu và là trọng tâm của hầu hết mọi hệ thống biểu tượng Ki-tô. Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá đã vĩnh viễn thay đổi lịch sử. Trên thực tế, chúng ta lấy mốc đó để đo thời gian. Tác động của cái chết này đã ghi dấu trên thế giới tới mức, không lâu sau khi Người chết, thế giới bắt đầu đo thời gian bằng Người. Chúng ta hiện đang ở năm thứ 2011 kể từ sau khi Chúa Giê-su ra đời.

Nhưng làm sao như vậy được? Làm sao cái chết của một người có thể dội lên lịch sử, đi về trước, lùi lại đàng sau theo thời gian, cách nào đó vượt lên trên thời gian, để có tác động tới tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai cùng một lúc, như thể cái chết đó mãi mãi xảy ra ở thời điểm hiện tại? Liệu có phải điều này đơn giản chỉ là một chuyện bí ẩn hay siêu hình trong Thánh Thần mà không phải để cho chúng ta hiểu trong bất kỳ phạm trù thông thường nào của chúng ta?

Tôi tin, quá thường xuyên chúng ta nhận được câu trả lời đơn giản như thế này: Đó là mầu nhiệm. Cứ tin vậy đi. Bạn không cần phải hiểu.

Và trong đó cũng chứa sự thông thái. Việc chúng ta được rửa sạch bằng máu của Chúa như thế nào là điều chúng ta hiểu bằng trực giác nhiều hơn là bằng đầu. Chúng ta biết chân lý của nó, dù không hiểu nó. Trên thực tế chúng ta biết chân lý đó thật sâu sắc đến nỗi chúng ta giao phó toàn bộ cuộc đời mình cho nó. Ngày nay tôi sẽ không là linh mục và sứ vụ viên của Phúc âm nếu tôi không tin chúng ta được cứu chuộc nhờ cái chết của Chúa Giê-su. Nhưng làm sao để giải thích chuyện đó?

Trong cuộc kiếm tìm với tư cách nhà thần học và đơn giản là trong nỗ lực tìm cách hợp nhất đức tin Ki-tô giáo của tôi, tôi đã đi tìm các khái niệm, các lý thuyết tưởng tượng, và một ngôn ngữ để theo đó hiểu được và giải thích điều này: bằng cách nào cái chết của một người cách đây 2000 năm lại có thể là một hành động cứu chuộc chúng ta ngày nay? Một trong những điều giúp cho cuộc tìm kiếm của tôi, đó là lời khuyên từ Edward Schillebeeckx trong cuốn sách gây chấn động của ông về Giê-su như Bí tích của Chúa, chỉ đơn giản nói rằng chúng ta không có siêu hình học gì để theo đó giải thích điều này. C.H. Dodd, mà tôi sẽ trích dẫn sau đây, chỉ đơn giản nói, “Ở đây có nhiều điều hơn mức có thể kể hết dựa trên tầm mức lịch sử hay con người. Chúa ở trong đó.” Một phần của chuyện này là mầu nhiệm.

Nhưng, khi chấp nhận những giới hạn đó, tôi muốn đưa ra ở đây hai đoạn, một của Thomas Keating và một của C.H. Dodd, mà ít nhất đối với tôi là hữu ích trong việc cố gắng hiểu đôi điều mà phần lớn là không thể diễn đạt bằng lời. Cái nhìn sâu sắc của Keating mang tính chất mầu nhiệm và nên thơ nhiều hơn, nhưng gây ấn tượng sâu sắc tuyệt vời; đoạn của Dodd mang tính cách lý luận hiện tượng hơn, nhưng cũng không kém phần hữu ích:

Thomas Keating đưa ra nhận xét đáp lại một câu hỏi: Chúng ta đã bao giờ thật sự hiểu bằng cách nào chúng ta được cứu chuộc nhờ cái chết của Giê-su cách đây hai thiên niên kỷ chưa?

Sách Thánh đưa ra các gương mẫu về những nhân vật đã thật sự có cái nhìn sâu sắc đối với điều này – chẳng hạn Maria vùng Bê-ta-ni, xức dầu thơm cho Chúa Giê-su ở nhà ông Simon, người bị hủi. Khi đập vỡ lọ thạch cao tuyết hoa đựng nước hoa rất đắt tiền và xức cho Chúa Giê-su, và khiến cả căn nhà tràn ngập mùi hương tuyệt diệu đó, dường như cô đã trực cảm điều Chúa Giê-su sẽ làm trên thánh giá. Các nhà chức trách đã sửa soạn để giết người. Điều tượng trưng qua hành động hào hiệp của cô là ý nghĩa sâu sắc nhất về lòng thương khó và cái chết của Chúa Giê-su. Nhiệm thể Chúa Kitô là lọ chứa chất nước hoa quý giá nhất của mọi thời gian, đó là Chúa Thánh thần. Nó sẽ phải bị đập vỡ ra để Chúa Thánh thần mới tuôn đổ ra trên toàn bộ nhân loại – quá khứ, hiện tại và tương lai – với sự hào hiệp vô biên. Chừng nào thân thể đó còn chưa bị đập vỡ trên thánh giá, thì trọn vẹn món quà của Thượng đế nơi Chúa và những khả năng chuyển hóa của nó đối với nhân loại vẫn không thể nào được biết tới hay đoán trước dù xa xăm.

C.H.Dodd miêu tả cái chết của Chúa Giê-su đã dội trong lịch sử như thế nào bằng những câu chữ sau: Ở đây có nhiều điều hơn mức có thể kể hết trên cấp độ lịch sử hay con người. Chúa ở trong đó. Mục đích sáng tạo của Chúa là tiếp tục vĩnh viễn trong thế giới này của Người. Điều đó gặp phải ý chí ương ngạnh của con người. Nếu ở bất kỳ thời điểm nào lịch sử loài ngoài cần trở nên hoàn toàn quy thuận Chúa, hoàn toàn trong sáng trước chương trình hoạch định của Chúa – thì từ thời điểm đó mục đích sáng tạo đó sẽ phát huy tác dụng với sức mạnh chưa từng thấy. Đó chính là những gì sự quy phục hoàn toàn đối với Chúa Giê-su sẽ tạo ra. Trong bản chất con người và lịch sử loài người, con người đã tạo ra một thời điểm hoàn toàn quy thuận đối với ý Chúa, và hoàn toàn trong sáng đối với ý định của Người. Khi chúng ta quay về giây phút đó, nó sẽ trở thành thời đương đại và chúng ta sẽ được mở ngỏ ra với nguồn năng lượng sáng tạo sẽ vĩnh viễn hoạt động để tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa. Sự phục tùng Chúa là sự giải phóng sức mạnh sáng tạo để hoàn thiện đời sống con người. Một quyết định do một con người vĩ đại đưa ra có thể thay đổi mọi mặt của cuộc sống, đối với hiện tại và với tất cả những gì sau đó.

Mọi hành động luân lý của chúng ta đều để lại dấu vết, và đôi khi, nếu hành động luân lý đó tương đương với việc tách nguyên tử thì tác dụng của nó sẽ tiếp tục mãi mãi về sau. Cái chết của Giê-su đã tách nguyên tử luân lý.

J.B. Thái Hòa dịch