fr.zenit.org, 2017, Marina Droujinina, 2017-04-27
Trong chuyến tông du Miến Điện, Đức Phanxicô đã được các tín hữu công giáo tị nạn thuộc dân tộc thiểu số Kachin tặng cây gậy mục tử. Sắc dân thiểu số Kachin là một trong bảy sắc dân thiểu số chính của Miến Điện.
Theo hãng tin Fides cho biết, cây gậy mục tử được tặng trong “hy vọng hòa bình được đem lại cho sắc dân Kachin”, các tín hữu ở đây không thể tham dự Thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế ở Yangoun.
Ông Joseph Myat Soe, một giáo dân trong vùng Kachin giải thích với hãng tin Fides, vì cuộc chiến giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang Kachin, một trong những cuộc xung đột xuất phát từ sắc tộc nên các tín hữu Kachin phải ở trong trại tị nạn ở Winemaw.
Đức giám mục phụ tá của giáo phận Yangon John Saw Han, xác nhận với hãng tin Fides là dù cuộc nội chiến đang xảy ra, dù gặp vấn đề kinh tế, sẽ có khoảng 5 000 tín hữu Công giáo Kachin đến Yangon để gặp Đức Phanxicô và cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất của họ. Đặc biệt, các người trẻ Kachin cố gắng mọi cách để có thể đến Yangon dịp này vì họ hiểu đây là cơ hội duy nhất để nhìn thấy Đức Phanxicô và cầu nguyện với ngài.
Cuộc chiến giữa quân đội độc lập Kachin và quân chính phủ làm cho hàng trăm ngàn người Kachin phải biệt xứ và trú ẩn trong các trại tị nạn. Giáo hội Công giáo địa phương đang trợ giúp cho họ: tại giáo phận Myitkyina có 8 000 người di cư không thể trở về quê quán. Cơ quan Caritas giúp đỡ họ, tìm cơ hội cho họ có đất đai canh tác để có thể tự mưu sinh.
Các giám mục lên án cuộc chiến tương tàn này đã gây nên những mất mát thương đau, trẻ em bị bỏ rơi trong trại tị nạn, nạn buôn người gia tăng, nạn ma túy làm cho người trẻ Kachin bị chết, tài nguyên bị cướp phá.
Cuộc nội chiến giữa quân đội giành độc lập cho Kachin (KIA) và quân đội Miến Điện đã kéo dài từ năm 1965 đến nay. Sau vụ vi phạm ngừng bắn năm 2015, hàng trăm ngàn người Kachin phải vào trong các trại tị nạn để sống. Tháng 9 năm 2016, một cuộc thảo luận để hòa giải với các sắc dân thiểu số được chính quyền Miến Điện tổ chức, nhưng cuộc thảo luận này không có tác động cụ thể cho tình trạng của người Kachin.
Năm vừa qua, các giám mục Miến Điện đã tố cáo có hơn “150 000 người tị nạn sống trong các điều kiện vô cùng khó khăn, họ chờ sự giúp đỡ của quốc tế”.
Các giám mục nhấn mạnh: “Cuộc chiến trường kỳ này đã gây không biết bao nhiêu tàn phá, hy sinh không biết bao nhiêu mạng sống, những người vô tội bị bỏ rơi trong các trại tị nạn, đất đai của họ bị gài mìn, nạn buôn người hoành hành, nạn nghiệp ngập ma túy phá hủy cả một thế hệ trẻ Kachin, các nguồn tài nguyên phong phú như mỏ ngọc thách bị tàn phá. Đó là nguyên do chính của cuộc xung đột”.
Bốn giám mục hiện ở trong vùng kachin. Có khoảng 70 linh mục giúp 70.000 tín hữu ở hai giáo phận: Myitkyina và Banmaw.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch