Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, mới đầu cuộc gặp của Đức Phanxicô với lãnh đạo lực lượng quân đội dự trù vào ngày 30 tháng 11-2017, nhưng cuối cùng Đức Phanxicô đã gặp đại tướng Min Aung Hlaing ngày 27 tháng 11 tại Rangoun, ngay ngày đầu tiên ngài đến Miến Điện.
Theo chương trình chuyến tông du của Đức Giáo hoàng thì không có cuộc gặp với các lực lượng quân đội Miến Điện, nhưng theo lời xin của hồng y Charles Bo, giờ chót Đức Phanxicô đã chấp nhận có cuộc gặp này.
Đại tướng Min Aung Hlaing đến Tòa giám mục Rangoun lúc 17 h 55, đi cùng với ông là phái đoàn nhỏ các tướng có trách nhiệm trong nhiều vùng quân sự khác nhau. Không một nhà báo nào có mặt trong cuộc gặp này. Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh giải thích cho các ký giả biết, cuộc “gặp xã giao” diễn ra vào khoảng mười lăm phút, Đức Thánh Cha nói đến “trách nhiệm lớn của các nhà cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp này.”
Liên Hiệp Quốc lên án người trách nhiệm quân đội đã có hành vi thanh trừng chủng tộc đối với người Rohingya, một sắc dân thiểu số có đại đa số người dân là người hồi giáo và họ bị xem là tiện dân bị ruồng bỏ ở Miến Điện. Hiện nay có gần 900’000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh, trong đó có 600’000 người tị nạn trong những tháng gần đây.
Không thể lẫn tránh các lực lượng quân đội
Liên Hiệp Quốc lên án các lực lượng quân đội vũ trang Miến Điện là thanh trừng chủng tộc đối với người Rohingya ở tiểu bang miền Tây Rakhine, với “ý hướng không những đẩy dân chúng ra khỏi Miến Điện mà còn ngăn không cho họ trở về quê hương mình”. Các vụ tấn công tàn bạo này được tổ chức, phối hợp một cách có hệ thống làm cho hơn nửa triệu người Rohingya phải rời khỏi Miến Điện.
Theo linh mục Bernardo Cervellera, giám đốc hãng tin Ý AsiaNews, các lực lượng quân đội dùng thảm kịch người Rohingya để làm suy yếu sự lãnh đạo dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, để bà không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong mục đích có thể lật đổ bà dễ dàng người mà họ đã để cho lên nắm chính quyền dân chủ từ năm 2012, sau một thời gian dài nước Miến Điện ở dưới chế độ độc tài.
Linh mục Bernardo Cervellera cho hãng tin I. MEDIA biết, trong chuyến đi này Đức Giáo hoàng gặp lực lượng quân đội vì đó là “quan trọng cho tương lai và hòa giải của Miến Điện, vì một phần lớn nền kinh tế và an ninh quốc gia ở trong tay họ. Chính quân đội khơi lên cuộc khủng hoảng người Rohingya, nhưng điều cần thiết là phải hội nhập họ trong việc canh tân đất nước mà Bộ trưởng Ngoại giao, bà Aung San Suu Kyi đã cổ động”.
Ngoài ra chương trình còn có thêm cuộc gặp của Đức Phanxicô với người Rohingya ngày 1 tháng 12, trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Cuộc gặp này sẽ diễn ra ở Bangladesh, chứ không ở Miến Điện. Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, đây là cuộc gặp “không phải để cầu nguyện, nhưng để làm chứng tá”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch