Dominique Wolton: “Đức Phanxicô là người của toàn cầu hóa”

195

lepetitjournal.com, Charbel Moussalem, 2017-11-06

Nhân dịp Hội chợ Sách tiếng Pháp Beyrouth 2017, nhà xã hội học người Pháp giới thiệu quyển sách Chính trị và Xã hội, một quyển sách trao đổi với Đức Phanxicô, được Nhà xuất bản Observatoire phát hành.

Trang báo Tiểu nhật báo Bê-rút (lepetitjournal.com/Beyrouth): Xin ông cho biết các lý do thúc đẩy ông thực hiện quyển sách này?

Dominique Wolton: Trước hết tôi rất ngạc nhiên khi các hồng y bầu một giáo hoàng Dòng Tên, lại đến từ Châu Mỹ La Tinh. Tôi cũng rất ngạc nhiên thấy ngài xử lý rất giỏi dụng cụ truyền thông. Làm thế nào một người lại có thể nói với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc? Từ đó tôi mới có ý tưởng đề nghị ngài đối thoại về các vấn đề chính trị và xã hội mà tôi thấy ngài khác với các vị tiền nhiệm của ngài.

Làm thế nào ông liên hệ được với Đức Giáo hoàng?

Tôi chỉ gởi thư qua bưu điện, kèm bố cục quyển sách mà tôi mong muốn thực hiện. Tôi ngạc nhiên hết sức, một, hai tháng sau tôi nhận thư trả lời của Vatican, họ cho tôi cuộc hẹn vào ngày đó, giờ đó. 

Ông mô tả nhân cách của ngài như thế nào?

Đó là một người cực kỳ đơn giản, không tỏ ra uy quyền và thích hài hước. Cùng một lúc, tôi thấy ngài là một nhân vật phức tạp, phức tạp vì di sản gia đình và quá trình của ngài. Đó là một người di dân Ý, lập nghiệp ở Châu Mỹ La Tinh, một châu lục bị nước Mỹ khai thác tận cùng, một người biết thế nào là chính thể độc tài quân sự. Khi còn làm hồng y, ngài không bao giờ mặc phẩm phục hồng y. Đó là một người rất gần với người nghèo, ngài không thích người giàu và nói chuyện được với một số lượng người thật lớn: đó là con người của toàn cầu hóa.

Trong các cuộc nói chuyện với ngài, tôi lúc nào cũng lo âu và rụt rè, nhưng tôi cũng thấy ngài cực kỳ đơn sơ, hoàn toàn đơn sơ, tôi chưa từng thấy. Ngài thổ lộ tận tình. Quyển sách này là thành quả của một cuộc gặp gỡ tri thức và nhân bản. Các buổi nói chuyện ở Nhà Thánh Marta, một nơi ở rất khiêm tốn. Tôi nghĩ giáo hoàng chấp nhận cuộc trao đổi vì ngài làm việc với một nhà trí thức Pháp, khoan dung, theo thuyết bất khả tri, không phải là người Ý, không phải là ký giả cũng không phải là linh mục.

Ông nghĩ gì về nghệ thuật truyền thông của Đức Phanxicô?

Ngài có một nghệ thuật truyền thông theo trực giác. Ngài không có chiến thuật truyền thông. Đó là người thương giáo dân và người bình thường. Ngài không nói chuyện như một tu sĩ, nhưng như một giáo dân. Vì thế ngài nói chuyện được với cả người vô thần, với cả người theo thuyết bất khả tri.

Trong quyển sách, giáo hoàng và cả ông, cả hai chủ trương một kỹ thuật truyền thông mở ra với người khác, liệu có thể được với thời buổi toàn cầu hóa bừa bãi này?

Tôi nghĩ được. Giáo hoàng cũng nghĩ như tôi: ngài cho rằng, truyền thông là nói chuyện, là chạm đến, là cảm nhận… những chuyện quan trọng hơn là ngồi hàng giờ trước máy tính. Thế hệ trẻ hoàn toàn bị ám ảnh bởi truyền thông, nhưng tôi nghĩ chúng sẽ là những người đầu tiên thoát ra. Đức Phanxicô là người cực kỳ đơn giản, người không tỏ ra uy quyền và thích hài hước 

Được dân chúng mến chuộng, ngài có thể nào dập tắt được cơn khủng hoảng kitô giáo ở Âu châu không?

Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một sự phục hồi đức tin, một sự quay trở lại với đời sống tâm linh. Tôn giáo sẽ đến hoặc không đến. Sai lầm của Âu châu là nghĩ rằng vấn đề tôn giáo đã ở đàng sau họ. Nhưng sự phát triển toàn cầu hóa đi song song với sự phát triển tôn giáo. Toàn cầu hóa ở trong sự mất trật tự sẽ nảy sinh ra việc quay trở về với các tôn giáo và các bản sắc quốc gia. Người ta nói về sự quay trở về với tôn giáo nhưng tôn giáo luôn ở đó. Với những chuyện này, tôi chống lại ý tưởng hơi ngớ ngẩn, cho rằng các tôn giáo là yếu tố của thù hận. 

Ông nghĩ gì về tính hiện đại và các hậu quả của nó?

Vấn đề xung đột giữa truyền thống và hiện đại chiếm một chỗ quan trọng trong quyển sách. Hiện đại giúp đi ra khỏi truyền thống, nhưng nó lại trở thành một ý tưởng. Tôi nghĩ chúng ta cần cả hiện đại lẫn truyền thống. 

Đức Giáo hoàng nghĩ gì về vấn đề các tín hữu Trung Đông?

Ngài quan tâm đến vấn đề này rất nhiều. Ngài luôn nghĩ đến đối thoại giữa các tôn giáo.

Còn ông, ông nghĩ gì?

Vấn đề tín hữu Trung đông đã xảy ra cách đây mười lăm năm mà không ai để ý, nhưng tôi nghĩ, với các chiến tranh ở Trung Đông, người ta sẽ ý thức và sẽ để ý nhiều hơn về các vấn đề này. 

Đâu là quan điểm của Đức Phanxicô về vấn đề người tị nạn?

Đó là một ám ảnh của ngài, ngài sẽ không bao giờ buông. Đối với ngài, Âu châu và các nước giàu phản bội với chính các giá trị của mình khi ruồng bỏ người tị nạn, trong khi cũng chính các nước này bán vũ khí, gây chiến tranh và làm mất ổn định xã hội. Nhưng ngược lại, khi những người tị nạn chính trị hoặc kinh tế này đến bằng đường biển thì họ lại ruồng bỏ những người này.

Ông có cùng chia sẻ với quan điểm của Đức Giáo hoàng về người tị nạn không?

Đương nhiên là có, nước Liban đón nhận một triệu người Syria và xứ của họ không có nội chiến. Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức là nạn nhân cho các tấn công về đường lối chính trị ủng hộ người tị nạn của bà. Các đối thủ của bà cho rằng bà đón nhận người tị nạn vì các lý do nhân khẩu, trong khi trên thực tế, bà đon nhận vì các xác tín kitô giáo của bà.

Marta An Nguyễn dịch