Linh mục Lombardi: Tầm quan trọng của dân tộc Trung Hoa đối với Đức Phanxicô

278

Đức Phanxicô gặp các tín hữu hành hương Trung quốc ở Quảng trường Thánh Phêrô, © L’Osservatore Romano

fr.zenit.org, Océane Le Gall, 2017-11-07

Tổng hợp một bài báo của tạp chí Dòng Tên tiếng Ý, Văn minh Công giáo

“Dân tộc Trung Hoa và đất nước lớn lao này chiếm một chỗ quan trọng trong cái nhìn của Đức Phanxicô mở ra với thế giới”, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi giải thích trong một bài báo của tạp chí tiếng Ý Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica, số  4017), có tựa đề: “Tiến đến một Giáo hội trọn vẹn Trung quốc và trọn vẹn công giáo. Con đường được Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô vạch ra”.

Bài tổng hợp viết: “Sự quan tâm của Đức Phanxicô đã được đáp trả: những người công giáo cũng như những người có cái nhìn vượt ra ngoài các biên giới của Trung quốc, những người mang trong lòng họ ước mong của một sự mở ra sâu đậm hơn với thế giới và có các trao đổi tốt nhất với các dân tộc, các văn hóa khác, họ hiểu, họ có ở Rôma một người đối thoại, mà với người này, họ cảm thấy mình được hiểu trong các cố gắng của họ nhằm hội nhập vào gia đình các dân tộc”.

Bài báo nhấn mạnh đến điểm, Đức Phanxicô không phải là người Âu châu: “Dưới mắt người Trung quốc, Đức Phanxicô có lợi điểm hơn các vị tiền nhiệm của ngài. Ngài không phải là người Âu châu, như vậy ngài không thuộc vào châu lục của các dân tộc thực dân. Ngài không tham dự trực tiếp trong sự đối đầu lịch sử với ý thức hệ cộng sản và với các chế độ liên hệ. Ngài là con của những người di dân, đến từ một châu lục khác, bám rễ sâu xa trong một thực tế đại chúng mà ngài liên tục nhắc đến. Ngài là thành viên của một Dòng mà trong quá khứ đã tiếp cận với đất nước Trung Hoa trong một tinh thần tôn trọng và với một khả năng đối thoại phong phú. Trong nhãn quan này, trên quan điểm của người Trung quốc, các sứ điệp nổi bật nhất của giáo hoàng là các sứ điệp nói về tình đoàn kết, trách nhiệm đối với môi sinh, hòa bình và lòng thương xót”.

Bài báo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sứ điệp “đoàn kết” của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô: “Các sứ điệp của giáo hoàng trực tiếp nói lên với tín hữu sự thông hiểu và đoàn kết của Giáo hội hoàn vũ với các khó khăn, các giới hạn hay các áp lực mà các cộng đoàn công giáo Trung quốc đã gặp trong quá khứ cũng như bây giờ. Các giáo hoàng luôn nói lên tinh thần đoàn kết này, cách đây 10 năm, Đức Bênêđictô XVI đã tái khẳng định, một cách trìu mến và sâu đậm trong Bức thư quan trọng ngày 27 tháng 5 năm 2007, mà bây giờ Đức Phanxicô xem là bức thư “nền tảng, thời sự và cần phải đọc lại”. Qua bức thư này, cũng như qua các chuyện khác, Đức Bênêđictô XVI mong muốn chấm dứt sự mô tả không phù hợp về việc cùng tồn tại một “Giáo hội chui” và một “Giáo hội yêu nước” đã làm căng thẳng giữa hai Giáo hội này. Ngài đã làm khi khẳng định chỉ có một Giáo hội công giáo ở Trung quốc. Ngài cũng mong muốn tái lập lại đối thoại giữa Vatican và nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Cuối cùng, bài báo nhấn mạnh đến đường lối liên tục trong các sứ điệp của Đức Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài: “Lời mời gọi của Đức Phanxicô cho một tiến trình mới trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng tóm tắt và chứng tỏ cho thấy sự liên tục trong các sứ điệp của ngài với các vị tiền nhiệm của mình đối với Giáo hội công giáo Trung quốc. Như thế, việc đối thoại lại giữa Tòa Thánh và Trung quốc chỉ có một tham vọng duy nhất là đặt Giáo hội công giáo Trung quốc trong những điều kiện tốt nhất để thực hiện sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của mình, vì lợi ích cho giáo dân theo cách mà Giáo hội có thể trọn vẹn Trung quốc và trọn vẹn công giáo, với sứ điệp tôn giáo và đạo đức, với sự dấn thân hoạt động bác ái và xã hội của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch