Hồng y Stanislas Dziwisz: “Ngài làm cho người khác muốn bắt chước ngài”
Le Figaro, Jean-Marie Guénois, 30-4-2011
Chúa nhật 1-5-2011, tại Rôma, Đức Bênêđictô XVI phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô II. Phóng viên báo Le Figaro Magazine gặp Hồng y Dziwisz tại Cracovie, ngài là thư ký riêng của Đức Gioan-Phaolô II trên bốn mươi năm. Chúng tôi ghi lại cảm tình của một vài trong số hàng triệu người Ba Lan mà đối với họ, việc phong chân phước cho giáo hoàng «của họ» không chỉ là một mà là hai sự kiện lịch sử. Tại Pháp, giáo dân Công giáo «thế hệ Gioan-Phaolô II» nói cho chúng tôi biết vì sao họ coi trọng Giáo hoàng đến thế. Vì ngài thương đất nước họ, ngài viếng thăm nước Pháp bảy lần: những lần viếng thăm này, từ 1980 đến 2004 đã cuốn hút hàng trăm ngàn người Pháp. Hồng y Stanislas Dziwisz, bây giờ là tổng giám mục Cracovie, là cộng sự viên thân tín nhất của Đức Gioan-Phaolô II. Hồng y rất hiếm khi trả lời phỏng vấn, ngài đã kể lại các kỷ niệm của ngài cho chúng tôi nghe.
Le Figaro Magazine – Chúa nhật 1-5 nhân dịp lễ phong chân phước Đức Gioan-Phaolô II, hồng y sẽ thấy bức chân dung khổng lồ của Đức Gioan-Phaolô II ở Quảng trường Thánh Phêrô. Hồng y sẽ nghĩ gì lúc đó?
Hồng y Stanislas Dziwisz – Tôi đã sống nhiều năm với ngài. Đối với tôi, ngài như người cha. Tôi phục vụ ngài như một người cha. Tôi chưa bao giờ cảm nhận ngài là một người bạn. Đối với ngài, tôi luôn có một lòng quý mến thâm sâu, một lòng tôn kính cao cả… một lòng kính trọng vô bờ. Dĩ nhiên là giữa chúng tôi có mối giây liên hệ sâu đậm và thân tình. Sau khi ngài chết, tôi cảm thấy thiếu ngài rất nhiều dù về mặt thiêng liêng, tôi lúc nào cũng cảm thấy gần ngài: tôi luôn luôn cảm nhận sự giúp đỡ của ngài. Trong cuộc sống trên trần thế của ngài, tôi lúc nào cũng nhìn ngài như người của Chúa.
Đức Gioan-Phaolô II có nghĩ mình là một vị thánh?
Không! Ngài luôn cư xử như một người bình thường, nhưng một người có đức tin sâu đậm và muốn sống theo những gì mình giảng dạy. Ngài là người mà trong đời sống riêng như thế nào thì ngoài công chúng cũng y như vậy.
Nếu Hồng y chỉ giữ một kỷ niệm trong suốt bốn mươi mốt năm phục vụ ngài thì Hồng y sẽ giữ kỷ niệm nào?
Hình ảnh tôi giữ trong tâm trí là hình ảnh ngài quỳ gối cầu nguyện trước mặt Chúa.
Những người thân cận của ngài, hồng y là một trong số đó, họ nói có khi giáo hoàng cầu nguyện trọn đêm ở Cracovie và ở Rôma?
Có, và những gì ngài làm, ngài làm với Chúa. Đối với ngài, cầu nguyện là nguồn sống, là sức mạnh. Cầu nguyện cảm hứng cho tất cả những gì ngài làm. Nhất là trong những lúc khó khăn nhất và trong những cơn thử thách lớn, như khi bị ám sát, ngài đã bị đau rất nhiều. Và hơn nữa, vào cuối đời, khi ngài không còn sức khỏe, không còn sức lực.
Việc phong chân phước sẽ mang lại gì thêm?
Việc phong chân phước sẽ giúp hiểu ngài nhiều hơn. Tất cả những gì ngài dạy, thì ngài đều sống và cho chúng ta thấy qua cuộc sống của ngài. Do hiểu biết ngài hơn chúng ta cũng sẽ hoàn thành tốt hơn mục tiêu cuối cùng của mình. Việc phong chân phước cho ngài sẽ là gương mẫu cho con đường riêng của chúng ta đến với Chúa.
Nếu Hồng y phải chọn một sứ điệp trong sự nghiệp giảng dạy của ngài thì đó là sứ điệp gì?
Đừng sợ để trở nên thánh! Đừng sợ để trở nên thánh trong đời sống của bạn, ngay từ bây giờ!
Nhưng đối với mọi người (hoặc bất cứ ai), nên thánh không phải là chuyện trong tầm tay…
Vì vậy, đời sống của Đức Gioan-Phaolô II, sự thăng tiến của ngài là một thách thức cho chúng ta! Thách thức nhưng cũng là chỉ dẫn con đường phải theo. Con đường này là con đường của lòng thương xót. Người ta thường khó tin chuyện này nhưng Thiên Chúa là Tình yêu đầy lòng thương xót. Đó là hướng đi suốt trọn đời của Đức Gioan-Phaolô II.
Hồng y đã sống gần một vị thánh. Sự việc này đã làm thay đổi điều gì nơi bản thân Hồng y?
Tôi không xem ngài như một vị thánh. Tôi nhìn ngài như một người hoàn hảo khiến người ta muốn bắt chước, dù điều này không phải là dễ! Đời sống thiêng liêng của ngài là đáng khâm phục nhất! Không nói đến các tài năng nhân bản của ngài. Đó là một con người rất nhiều tài năng: văn sĩ, thi sĩ, người biết thưởng thức nghệ thuật nhưng nhất là người giống và theo hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài nhạy bén với Lời Chúa. Ngài luôn tìm nhìn mọi sự qua sự hiện diện của Chúa.
Và từ bây giờ, vì ngài đã chính thức thành chân phước Gioan-Phaolô II?
Thật khó để diễn tả, nhưng tôi nhìn ngài một cách khác. Chữ kính trọng trở thành quá yếu. Tôi biết Đức Gioan-Phaolô II bây giờ ở bên cạnh Chúa. Điều này làm tôi kinh ngạc. Tôi khó để lượng định xác quyết này. Thật là một niềm vui khó tả. Từ nay tôi còn thấy ngài như một người cha ở rất gần. Một người cha với cùng một sức mạnh tình thương không bao giờ dứt và tôi luôn có thể và sẽ mãi mãi có thể cậy trông trên tình thương này.
Giáo hội đã dự trù phong thánh cho ngài. Hồng y nghĩ sao?
Chúng ta có một lòng tin tưởng lớn và hy vọng Chúa sẽ cho chúng ta ân phúc này để ngài được phong thánh nhanh chóng. Phải cần có một phép lạ khác được công nhận để việc phong thánh được quyết định. Nhưng tôi có thể nói với ông, khi ngài còn sống và từ khi ngài chết, có rất nhiều dấu hiệu của Chúa theo kiểu này! Hy vọng giờ đây Thiên Chúa sẽ cho chúng ta đặc ân này. Mọi người có thể xin ơn Chúa qua lời cầu bàu của Đức Gioan-Phaolô II cho các vấn đề trong cuộc sống, với lòng tin tưởng và cậy trông vào sức mạnh lời cầu bàu của ngài.
Hồng y có thể cho chúng tôi một lượng định về các phép lạ hay các dấu chỉ lạ lùng mà Hồng y đã ghi nhận?
Tôi không thể cho các con số. Và tôi cũng không nói đến phép lạ. Nhưng tôi có thể nói có rất nhiều, rất nhiều ơn mà đôi khi người ta có thể gọi đó là phép lạ. Chúng tôi nhận vô số thư từ tại Cracovie và tại Rôma, những lá thư này cho biết họ nhận được ơn của Đức Gioan-Phaolô II, các ơn chữa lành, các ơn thiêng liêng.
Còn chính Hồng y, Hồng y có nói chuyện với ngài qua cầu nguyện?
Tôi nói chuyện với ngài cách thiêng liêng trong nhiều dịp khác nhau. Tôi xin ngài cầu bàu. Và tôi khuyến khích người khác cầu nguyện với ngài, vì tôi rất tin vào lời cầu nguyện của ngài trước mặt Chúa. Trong cuộc sống của ngài trên trần thế, ngài thật sự thương yêu mọi người và tôi nghĩ bây giờ, ngài còn thương yêu hơn nữa.
Hồng y có giữ các thánh tích của ngài?
Chúng tôi còn giữ một ít vết máu mà các bác sĩ lấy vào những giờ cuối của ngài để xem bệnh của ngài họ có thể làm được gì thêm không. Những giọt này được giữ trong một ve nhỏ bằng thủy tinh mà sẽ được đặt trong hòm thánh tích ở Trung tâm Gioan-Phaolô II do chúng tôi xây ở Cracovie, trên miếng đất của nhà máy Solvay; khi còn trẻ ngài làm việc ở đó, gần thánh địa Lòng Chúa Thương Xót, nơi chôn cất thánh nữ tu Faustina. Hồi đầu thế kỷ 20, nữ tu này có những mặc khải của Chúa Kitô về lòng thương xót của Chúa và đã để lại dấu ấn trên con đường tu đức của Đức Gioan-Phaolô II. Ở Trung tâm này, giáo dân có thể đào sâu sứ điệp và di sản ngài để lại cũng như nhân cách của ngài. Chúng tôi muốn tiếp tục các hoạt động của ngài trong lãnh vực gia đình, mục vụ cho giới trẻ, vấn đề đại kết, bảo vệ sự sống. Giáo dân có thể đến đây để gặp nhau, cầu nguyện, suy niệm, cử hành nghi thức. Và cũng có thể tổ chức các buổi tĩnh tâm, hội thảo, hội nghị. Tôi cũng rất ngạc nhiên thấy những người không phải là Kitô hữu, những người theo đạo Do Thái hay các đạo khác hoặc không có đạo, muốn tìm hiểu ngài nhiều hơn. Họ quan tâm đến cuộc sống của ngài, đến con đường tu đức của ngài. Giáo hoàng này không bị lãng quên và sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ngài vượt mọi biên giới, mọi bức tường, ngài là của tất cả mọi người.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Con là đá. Đức Gioan-Phaolô II đứng đầu Giáo hội Công giáo từ năm 1978 đến năm 2005. Một trong những thời gian dài nhất của các triều giáo hoàng.
Tình bằng hữu. Hồng y Dziwisz tháp tùng Đức Gioan-Phaolô II từ năm 1964 đến năm ngài mất, 2005. (Grzegorz Galazka)