Tự do và bảo thủ chúng ta cần cả hai

380

Ronald Rolheiser, 2009-09-06

Nhà đấu tranh quá cố Malcolm X được nuôi dạy  là người Kitô nhưng đến một thời điểm trong cuộc đời, ông theo đạo Hồi. Tuy thế, trong thâm tâm và trong sứ vụ của ông, ông khi nào cũng là người Kitô. Lúc nào ông cũng có quyển kinh Koran và Tân Ước trong người. Ông thấy cần có cả hai. Ông giảng giải điều đó như sau:

Đa số những người mà tôi làm việc cần kỷ luật nghiêm nhặt của Allah cốt để đời sống của họ có quy củ, nhất là đời sống đạo đức và tôn giáo. Sau đó, khi đã có những điều thiết yếu trong tay, sẽ đến lúc họ tìm đến với tình yêu tự do hơn của Đức Giê-su.

Những gì Malcolm X xuất sắc đặt kề nhau ở đây là sự căng thẳng có muôn đời giữa kỷ luật phải theo và tính trưởng thành cá nhân, giữa câu chữ của lề luật và ý nghĩa của nó, giữa người bảo thủ và người tự do. Và ông khẳng định chúng ta cần cả hai: kỷ luật để nghe theo và tính trưởng thành cá nhân, lề luật và ý nghĩa của nó, bảo thủ và tự do.

Buồn thay những tiếng nói như thế này ngày nay đã hiếm đi ở cả hai phía của phạm vi tư tưởng. Người tự do và người bảo thủ, cả trong giáo hội và xã hội, đều có khuynh hướng nói xấu về nhau, ghen ghét lẫn nhau và đều thiếu đi lòng ngưỡng phục, đồng cảm, thấu hiểu, và ngay cả lễ độ với nhau. Mỗi phía đều có chân lý riêng của mình và, không như Malcolm X, không phía nào thấy cần bất kỳ chân lý nào ngoài chân lý của mình. Cho phép tôi lấy một ví dụ:

Trong các giáo hội hôm nay, phái tự do và phái bảo thủ đều sẽ đồng ý rằng không có gì là lý tưởng, cần phải làm một cách khác. Tuy nhiên họ có những cách nhìn khác nhau về cách nhìn vấn đề và cách nó được nói lên.

Phái bảo thủ thường có khuynh hướng chú trọng vào sự thiếu sót của những điều căn bản. Họ thấy, chung chung các thế hệ Ki-tô nổi lên chưa bao giờ mang đặc tính căn bản thiết yếu, thiếu hiểu biết nền tảng về căn tính cấu thành đạo Ki-tô và những gì tạo nên ranh giới riêng về đạo đức và tôn giáo. Vì thế họ nhấn mạnh, đôi lúc gần như không khoan dung, vào bản sắc toàn vẹn, vào những giới hạn riêng và nét khác biệt so với người khác, và vào những quy tắc và kỷ luật, kèm theo sự sốt ruột và (thường) tức giận những ai thách thức quan điểm này của họ.

Ngươc lại, phái tự do chú trọng đến một vài chuyện khác. Khi nhìn vào giáo hội ngày nay, họ thấy rằng chưa bao giờ trong lịch sử 2000 năm của Ki-tô giáo, các tín hữu có trình độ, có học thức, và có óc suy xét thần học như hôm nay. Vì thế, họ nhấn mạnh, thường cũng mạnh mẽ và quyết liệt như phái bảo thủ, nhưng sự biện giải và cái toàn bộ mà họ nhấn mạnh hoàn toàn ngược lại với những giới hạn nghiêm khắc và căn tính toàn vẹn mà phái bảo thủ mong muốn. Phái tự do nhận thấy hàng triệu người đang cảm thấy xa cách với các giáo hội của họ (ví dụ, cộng đoàn đông tín hữu đứng thứ nhì về số lượng ở Hoa Kỳ ngày nay là xuất phát từ các giáo hội Công Giáo La Mã cũ) và họ kết luận những gì cần để các quả tim và thái độ này cảm kích không phải là giáo lý rõ ràng hơn hay ranh giới chặt chẽ hơn, mà là nhấn mạnh lại một cách chính xác vào phúc âm của tình yêu, vòng ôm rộng mở hơn, và tính trưởng thành cá nhân trên các lề luật.

Cả hai đều đúng. Về bản chất những gì chúng ta thấy trong sự căng thẳng giữa người bảo thủ và người tự do trong giáo hội và xã hội hôm nay chính là sự căng thẳng mà Malcolm X đã cố gắng giải quyết cho chính mình bằng cách mang theo kinh Koran và Phúc Âm trong túi. Chúng ta cũng thế cần mang theo bên mình một vài nguyên tắc bảo thủ và một vài nguyên tắc tự do.

Có một nhu cầu cần thiết hôm nay để định nghĩa một cách mạnh mẽ bản sắc và để sắp đặt các ranh giới rõ ràng. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy chúng ta thường thiếu tính trưởng thành cá nhân và nội lực để sống với phúc âm của tình yêu mà không cần đến luật. Để đối diện với những yếu đuối và hoang mang của mình chúng ta cần kỷ luật của lề luật, giáo lý rõ ràng, tính độc nhất và bảo vệ cái mà theo nghĩa gốc của chúng là chủng viện. Tuy nhiên đó không phải là tất cả những gì chúng ta cần. Để sống với đức tin của mình trong một cách mà, cuối cùng, chúng ta tôn trọng tình thương phổ quát của Chúa, tình thương cho từng người và tôn trọng nhân cách riêng của chúng ta, chúng ta cần quả tim rộng mở và một tôn giáo của tự do và tính trưởng thành cá nhân. Chúng ta cần cả người tự do và người bảo thủ.

Tuy nhiên nếu cứ phân ra hai thái cực cả trong giáo hội và xã hội như hiện nay, thì chúng ta sẽ khó đồng cảm, thấu hiểu, tôn trọng, đối xử có văn hóa với nhau được. Mỗi phía đều quá xác tín rằng Thiên Chúa đứng về phía mình, tầm nhìn của mình là quan trọng, ý kiến riêng của mình là đáng kể trong lịch sử, điều đó làm cho họ thấy người kia không thành thật, ngốc nghếch, ích kỷ, nguy hiểm mà lại là người chiến đấu nhân danh Chúa.

Nhưng chân lý đích thửc là chúng ta cần lẫn nhau. Người tự do cần người bảo thủ; người bảo thủ cần người tự do; xã hội và giáo hội cần lẫn nhau. Người bảo thủ có lý khi nhìn vào gốc rễ và họ có lý khi nhận thấy rằng ngày nay gốc rễ chúng ta không còn mạnh mẽ và được nuôi dưỡng. Người tự do có lý khi nhìn vào tính trưởng thành và họ có lý khi nhận thấy chúng ta không có được tính trưởng thành và quả tim rộng mở. Có lẽ, bắt chước như Malcolm X, tất cả chúng ta nên mang theo giáo lý và Phúc Âm thánh Gio-an trong túi và trong tim mình.

J.B. Thái Hòa dịch