Ronald Rolheiser, 2009-05-24
Ít có điều gì có sức mạnh bằng một hình ảnh nên thơ. Đất nước nào có nhiều thi sĩ chân tài rồi sẽ giành được chiến thắng bởi vì thi ca có sức mạnh hơn các đạo quân. Một đạo quân chỉ có thể buộc một đất nước hàng phục nhưng một hình ảnh nên thơ có thể thay đổi được cách nhìn của con người.
Đó không phải cường điệu. Thử lấy một ví dụ nhỏ: Cách đây sáu thế kỉ Leonardo da Vinci vẽ bức Bữa Tiệc Ly. Không sử gia nào trên thế giới có thể chắc rằng Bữa Tiệc Ly thật sự của Đức Giêsu có bất cứ chi tiết nào giống với bức vẽ của da Vinci, nhưng tự thân bức Bữa Tiệc Ly đã in dấu sâu đậm trong tâm thức mọi người, đến nỗi ngày nay, chúng ta không thể hình dung ra Bữa Tiệc Ly theo một cách nào khác với những gì da Vinci đã vẽ.
Với suy nghĩ như vậy, tôi muốn làm nổi bật hai hình ảnh trong Phúc Âm thánh Gioan, hai hình ảnh in đậm trong tâm thức chúng ta như bức tranh của da Vinci. Đây là hình ảnh của việc đi tìm tín ngưỡng, chuyến hành hương đích thực, cho ơn gọi tông đồ.
Không giống các Phúc Âm khác, mẹ Maria được thể hiện như một vị tông đồ lý tưởng, Phúc Âm thánh Gioan cho Đức Maria một vai trò khác, đó là vai trò Êva, mẹ của tất cả tạo vật. Tiếp đó Phúc Âm thánh Gioan cho chúng ta hai hình ảnh đầy sức thuyết phục của ơn gọi tông đồ, một nam một nữ: Vị Tông Đồ Được Sủng Ái và Maria Mađalêna.
Vị Tông Đồ Được Sủng Ái, người mà chúng ta thường nghĩ là Gioan, mặc dù như vậy có lẽ khá ngây thơ, là một hình ảnh của những gì có nghĩa là một tông đồ Giêsu. Thánh Gioan đã thể hiện nhân vật này trong những vai khác nhau, nhưng tựu trung tất cả đều có điểm chung: có một tình thân thiết đặc biệt với Đức Giêsu. Có lẽ hình ảnh có sức mạnh tiêu biểu nhất là hình ảnh Vị Tông Đồ Được Sủng Ái tựa đầu vào ngực Đức Giêsu.
Hình ảnh này nói lên điều gì? Đây là hình ảnh huyền bí của tình thân thiết và việc biết lắng nghe. Nói một cách đơn giản, hình ảnh này nói lên rằng: Nếu bạn kề tai vào ngực ai đó, bạn có thể nghe thấy nhịp đập trái tim họ. Như thế Vị Tông Đồ Được Sủng Ái là người thật thân thiết với Đức Giêsu, người đó có thể nghe được nhịp đập trái tim Người và từ hướng nhìn đó, ông hướng lòng ra với thế giới bên ngoài. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu là có đôi tai bắt nhịp được với nhịp đập trái tim Thầy khi dõi nhìn ra thế giới bên ngoài. Đối với thánh Gioan, khi bạn thực hành điều này, bạn sẽ luôn luôn đứng về phía lẽ phải, sẽ luôn có những hướng nhìn đúng đắn, và sẽ có dũng khí để hành động cho lẽ phải. Bạn luôn luôn được tình yêu dẫn lối.
Và đây, để được dẫn lối bởi tình yêu, là hình ảnh tiếp theo cho ơn gọi tông đồ, hình ảnh Maria Mađalêna.
Phúc Âm thánh Gioan thể hiện Maria Mađalêna như nhân vật đầy thao thức xuất phát từ Sách Diễm Ca, một người nữ trằn trọc mãi cho đến khi tìm gặp người bạn tâm tình của mình. Và như hình ảnh Vị Tông Đồ Được Sủng Ái tựa đầu vào ngực Đức Giêsu, đây cũng là một hình ảnh của tình thân thiết duy nhất.
Để hiểu thấu sức mạnh của hình ảnh này, chúng ta đọc lại Sách Diễm Ca. Những chương đầu được kể qua giọng một nhân vật nữ, giới thiệu hình ảnh một người nữ khao khát yêu thương, người mong mỏi người bạn tâm tình mà lòng mong mỏi đó đã khiến mọi thứ khác trong cuộc sống của nàng chỉ có ý nghĩa tương đối. Nàng chỉ mong mỏi một điều duy nhất trong tâm trí là tìm gặp một người, người có thể xoa dịu nỗi cô đơn trong tâm hồn nàng:
Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!
Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!
Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi.
Tôi hỏi họ: “Các anh có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu?”
Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu.
Tôi vội níu lấy chàng
và chẳng chịu buông ra
cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới chính khuê phòng và chiếc giường nơi thân mẫu đã thụ thai ra tôi.
Không hình ảnh nào nhiều tình thân thiết riêng tư hơn hai hình ảnh trên. Và, theo Gioan, tông đồ đích thực là người được dẫn lối bởi chính sự mong mỏi như vậy, xét về tính cách mãnh liệt của xúc cảm có tính cách thế tục và mức độ sâu đậm của tình thân thiết riêng tư.
Nhưng chúng ta hiếm khi nghĩ như thế từ góc độ tôn giáo. Ngôn ngữ như vậy làm chúng ta choáng váng vì gần như báng bổ, không hợp với đôi tai ngoan đạo. Cuộc đi tìm Thiên Chúa và khát khao toàn thiện đã hình thành những phạm trù khác nhau, hình thành hai thế giới biệt lập trong lòng chúng ta.
Cuộc đi tìm ơn gọi tông đồ và tín ngưỡng tất cả về mặt xúc cảm ngoại trừ việc nó hoàn toàn tách rời với mong mỏi tìm kiếm người bạn tâm tình, với dục tính, với hoang tưởng của chúng ta, với bất cứ điều gì mà mục đích cuối cùng là sự toàn thiện. Đối với chúng ta, tôn giáo và thế giới tâm lý tình dục, nếu có gặp nhau chăng nữa, cũng hiếm khi gặp nhau ở mức độ đó. Tôn giáo được hiểu như một bổn phận chúng ta phải làm, một mệnh lệnh tối thượng mà trong những lúc tốt đẹp nhất chúng ta biết được tầm quan trọng của nó, nhưng tôn giáo không còn là điều gì đó thúc đẩy chúng ta vào một sáng chúa nhật như đã thúc đẩy Maria Mađalêna sáng hôm đó lang thang kiếm tìm không ngưng nghỉ trong các khu vườn, nơi chúng ta có thói quen gọi là nhà thờ, tìm kiếm một Thiên Chúa để lấp đầy nỗi trống trải mà chúng ta chỉ coi là có tính cách cảm xúc, tâm lý và xác thịt.
J.B. Thái Hòa dịch