Khôi phục các tác phẩm nghệ thuật của Vườn Vatican bằng tinh dầu
fr.zenit.org, 2017Marina Droujinina, 2016-11-29
Các sản phẩm ít làm hại môi sinh
Một bản thông báo của viện bảo tàng Vatican cho biết, ngày 3 tháng 10-2017, từ 9 giờ sáng, Viện bảo tàng Vatican có ngày tìm hiểu về việc dùng tinh dầu để khôi phục lại các tác phẩm nghệ thuật của Vườn Vatican.
Ngày tìm hiểu sẽ do bà Barbara Jatta, giám đốc các Viện bảo tàng Vatican và Don Raphael Garcia de la Serrana Villalobos, giám đốc phân bộ kỹ thuật của viện bảo tàng trình bày.
Kết quả do các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm dùng chất biocide trích từ tinh dầu và cách áp dụng sẽ được trình bày. Đây là công việc đã được phối hợp thực hiện trong nhiều năm của phân bộ nghệ thuật của thế kỷ 17 và 18, phòng thí nghiệm bảo tồn và khôi phục đá hoa cương và các khuôn đúc của Viện bảo tàng Vatican và phân bộ kỹ thuật. Các kết quả được so sánh với các kinh nghiệm khoa học tương tự với các cơ quan khác.
Trong ngày tìm hiểu, chín bản báo cáo được trình bày trong đó có bản báo cáo “Ghi nhận tác dụng sinh học của tinh dầu và các bất trắc có thể gặp khi dùng” của ông Valussi thuộc Viện Đại học Padoue; “Dùng sinh học để chữa các vấn đề cây cối của Vườn Vatican” của ông V. Soldno, giám đốc phân bộ kỹ thuật của Vườn Vatican; “Thí nghiệm tại chỗ và trong ống nghiệm các công thức tinh dầu” của bốn nhà nghiên cứu của Viện bảo tàng Vatican.
Kết thúc ngày tìm hiểu là bàn tròn hội thảo của các người tham dự.
Với 22 hêcta đất, Vườn Vatican có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đa số bằng đá và các tác phẩm này với thời gian đã gặp rất nhiều vấn đề. Từ cuối năm 2014, 570 tác phẩm nghệ thuật đang được phục chế. Mục đích của dự án lớn này không những để phục chế mà còn duy trì và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật “sống” trong thiên nhiên qua bao nhiêu thời gian.
Công việc do 10 nhà phục chế thực hiện nhằm trùng tu với các kỹ thuật hiện đại và môi sinh-lâu dài cũng như các phương pháp làm việc theo nguyên tắc tác động tối thiểu, tương hợp và chuyển đổi. Đặc biệt các chất độc mạnh như chất silicat đê-tin được thay thế bằng các sản phẩm ít độc cho môi sinh hơn. Việc rửa chọn lọc thì dùng tia laser và các chất rửa bề mặt.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch