Chương trình “Chia sẻ Hành trình” của Caritas Quốc Tế
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2017-09-27
Ngày thứ tư 27 tháng 9, Đức Phanxicô chính thức cổ động cho chiến dịch toàn cầu của Caritas Quốc Tế giúp người di dân: “Chia sẻ Hành trình (Share the journey)”. Một sáng kiến nhằm khuyến khích đón nhận, gặp gỡ, lắng nghe người di dân và tị nạn, những người buộc phải bỏ xứ ra đi. Một tiến trình được Vatican giúp đỡ: ba người trẻ nói lên lời chứng của mình trong buổi họp báo do Caritas Quốc Tế tổ chức có sự hiện diện của những người đứng đầu tổ chức.
Trong phần trình bày, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục giáo phận Manila và là chủ tịch Caritas Quốc Tế giải thích, đây là bước đầu để hiểu các lý do mà người di dân và tị nạn phải bỏ xứ ra đi. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta tất cả đều là người di dân, không ai ở đây là cư dân thường trú, chúng ta tất cả là những người lên đường.” Ngài nhấn mạnh, người di dân bị ruồng bỏ có thể mang lại giá trị cho nước tiếp cư.
Ông Bekele Moges, giám đốc Caritas Êtiopia cho biết: “Chúng tôi yêu ngôi làng của chúng tôi… chúng tôi ra đi vì có một cái gì đó đã buộc chúng tôi phải ra đi”. Ông Oliviero Forti, người có trách nhiệm ở Văn phòng Di trú của Caritas Ý ghi nhận: “Việc mở ra cho người di dân bị cản trở vì sợ và vì thành kiến”. Ban tổ chức chiến dịch “Chia sẻ hành trình” cho biết, chương trình này nhằm cổ động cho việc gặp gỡ, việc mở ra với người di dân ở tất cả các nước trên thế giới.
Để phát động cho chiến dịch này, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-9, trước ống kính truyền hình và máy ảnh, Đức Phanxicô giang hai tay rộng, một cử chỉ được Caritas Quốc Tế đề nghị thực hiện trên các trang mạng xã hội. Và đó là cũng là cách đón nhận được thực hiện ở Vatican: ba người trẻ di dân của nước Gambia, Sénégal và Guinea mặc áo thun màu sặc sỡ có mặt ở Văn phòng báo chí Tòa Thánh để kể chuyến đi và kinh nghiệm của mình.
Giấc mơ của anh Yancuba Darboe
Anh Yancuba Darboe, 21 tuổi người Gambia “không muốn xa gia đình nhưng năm 2014 anh buộc lòng phải xa vì đời sống trở nên khó khăn ở nước anh”. Anh quá cảnh đến Sénégal rồi đến Mauritania, ở đó anh là ngư dân, sau đó anh đến Mali, Libya, Niger, anh đi tìm việc làm để sinh sống.
Ở biên giới giữa Niger và Libya, anh bị bắt cóc, bị tra tấn, họ đòi gia đình phải chuộc anh, nhưng gia đình anh không có tiền, họ tiếp tục tra tấn. Cuối cùng anh trốn được, dù nguy hiểm đến tính mạng, anh ở trong tay những người buôn người để đi qua biển Địa Trung Hải và anh đến được vùng Catana ở Sicille trước khi được chuyển về Bénévent trong một gia đình của Caritas dành cho trẻ vị thành niên. Tại đây anh được học nghề và học phong tục tập quán của nước Ý. Bây giờ anh ghi tên vào đại học và học khoa sinh lý. Anh làm việc trong một trung tâm tiếp nhận của Caritas. Anh thích môn bòng đá và mơ một ngày gặp lại gia đình.
Học làm pizza và tác nhân của đối thoại liên tôn
Amadou Darboe người Sénégal, 20 tuổi. Là con đầu lòng trong gia đình đông con của một giáo sĩ hồi giáo, anh phải nuôi gia đình khi thân phụ anh qua đời và buộc phải “vượt biển để tìm một tương lai tốt hơn”.
Anh được chương trình “Bảo vệ. Tị nạn tại quê hương tôi” (Protégé. Réfugié chez moi”) giúp đỡ. Amadou là người cộng tác đặc biệt, anh học nghề làm bánh và làm pizza. Là người hồi giáo, anh “tin mãnh liệt vào đối thoại giữa những người có tôn giáo khác nhau”. Trong chiều hướng này, anh tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ công giáo và tham dự trong một buổi trình diễn trong lễ Giáng Sinh năm ngoái.
Amadou Darboe mong được gặp Đức Giáo hoàng, anh cho biết anh biết ơn ngài vì ngài đã “cứu đời tôi. Chương trình này đã giúp tôi rất nhiều cơ hội và có một gia đình… tôi không có đủ chữ để nói lên cho hết lòng biết ơn của tôi với ngài”.
Được các ngư dân Tunisia cứu
Anh Berete Ibrahima, 23 tuổi, anh rời Guinea để đến Libya lúc 16 tuổi để đi học ở đây, anh đã đi qua Mali và Algéria. Anh đi trên một chiếc xe, loại đi được trên mọi địa hình với nhiều người di dân khác, họ đi qua sa mạc, gặp nhiều hiểm nguy và xém chết đói ở đây.
Tại Libya, anh học ngành điện và bắt đầu làm việc thì chiến tranh bùng nổ: với tất cả số tiền dành dụm được, anh quyết định lên tàu đi đến Ý. Chuyến đi dài 2 ngày, anh mất tất cả và được các ngư dân người Tunis cứu.
Ibrahima đến đảo Lampedusa năm 2011 lúc anh 17 tuổi. Anh được chuyển qua Casapesenna ở trong một gia đình cho đến khi anh đến tuổi trưởng thành. Sau đó anh ở trong trung tâm Caritas 2 năm, anh làm đơn xin tị nạn, tiếp tục đi học và tham gia vào các công việc thiện nguyện. Năm 2013 anh học việc trong một tiệm ăn địa phương. Bây giờ anh là nhân viên phụ bếp ở Trung tâm thương mại Ý.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch