Dominique Wolton: “Đức Phanxicô nói chuyện không rào chắn”

296

parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2017-09-10

Đức Phanxicô và nhà xã hội học Dominique Wolton ở Nhà Thánh Mácta

Tác giả quyển sách về các buổi nói chuyện đầy ngạc nhiên với Đức Phanxicô, nhà xã hội học kể các bí mật của mười bốn buổi gặp gỡ.

Paris Match. Xin ông tóm tắt quyển “Chính trị và Xã hội” sẽ phát hành vào ngày 12 tháng 9. 

Dominique Wolton. Đây là cuộc gặp gỡ tri thức và nhân bản. Một cánh cửa mở ra với thế giới bên ngoài, giữa nhà xã hội học bất khả tri là tôi và Đức Giáo hoàng, người đặt tầm quan trọng vào thế tục và suy nghĩ lại về sự cân đối giữa truyền thống và hiện đại. 411 trang sách nhấn mạnh đến sự tranh đấu của ngài để chống tham nhũng và cho chúng ta thấy, thời gian của Giáo hội không phải là thời gian của chúng ta.

Ông đã làm việc như thế nào?

Trong “bí mật”… Giữ bí mật cũng không rắc rối gì vì không ai biết tôi. Nên cũng dễ cho tôi vào Vatican một cách ẩn danh, tôi đi với linh mục Louis de Romanet, người thông dịch cho tôi, trước đây linh mục đã làm ở phủ Quốc Vụ Khanh, cha dẫn đường cho tôi. Tôi xuống taxi đàng sau Quảng trường Thánh Phêrô, đi qua các hàng rào lọc khác nhau cho đến Nhà Thánh Mácta, nơi Đức Phanxicô ở. Mới đầu, tôi không biết tôi sẽ có bao nhiêu cuộc gặp, vì tác phẩm chỉ được hình thành theo từng tháng. Và vì làm việc một mình nên tôi không bị… rò rỉ. 

Xin ông mô tả về Đức Giáo hoàng mà ông chưa bao giờ gặp.

Ngài có một đầu óc thông minh, một lòng tốt nhân hậu, vui vẻ, đức tin, lòng thương xót, tình thương cho giáo dân, cho nhân loại, những chuyện này làm cho tôi kinh ngạc, ngoài ra còn có năng lực, văn hóa, tinh thần cởi mở, và còn đáng kể hơn nữa là sức đấu tranh mạnh mẽ của ngài để chống với những chuyện cứng nhắc.

Đức Phanxicô thú nhận với ông ngài có tham vấn phân tâm học…

Một ngạc nhiên đến một cách tự nhiên khi chúng tôi đề cập đến chủ đề các phụ nữ, các bạn hữu phái nữ của ngài; khi đó ngài “thú nhận” chuyện này, không rào chắn gì giữa đời sống riêng và đời sống công. Giáo hoàng không giấu gì về điểm này, ngài thoải mái với họ; bằng chứng là mắt ngài sáng lên khi nói về họ.

Thật “cực kỳ” khó để xử lý các căng thẳng quốc tế

Ngài bi quan hay lạc quan?

Đúng hơn ngài là người hoài nghi-năng động, lạc quan có lập luận để có thể đi ngược dòng, tuy nhiên ngài không có ảo tưởng về một cái gì. Tin tưởng của ngài là Tin Mừng, nơi sự thiện sẽ thắng sự dữ, nhưng không có một lịch chính xác. Ngài đương đầu với những trận chiến mà ngài cho là thiết yếu dưới mắt ngài; trận chiến chống đạo đức giả, chiến đấu cho người nghèo, người bị loại trừ, chiến đấu cho cải cách gia đình, giáo triều với tham vọng đưa phụ nữ có một chỗ đứng trong Giáo hội công giáo. Một cuộc chiến đích thực, hy vọng trong tương lai mang đến cho họ một vai trò quan trọng, thậm chí có ngày có thể phong chức cho họ. Trên thực tế, ý thức rằng, nếu Đức Gioan-Phaolô II đã giải phóng Âu châu thì thách thức của ngài là đề cập đến các vấn đề của hoàn cầu hóa. Vì thế, thật là “cực kỳ” khó để xử lý các căng thẳng quốc tế.

Một giáo hoàng rất Dòng Tên?

Đúng hơn là Phanxicô trong tinh thần khó nghèo, nhưng Dòng Tên trong cách quản trị về mặt chính trị và quyền lực, và Argentina trong tính chất tứ xứ, tính hài hước và sự dè chừng với nước Mỹ. Để hiểu ngài thì phải hiểu tương quan của ngài với Argentina sâu đậm như thế nào… 

Tuy nhiên báo chí Argentina chưa nói đến quyển sách này.

Đúng vậy, cho đến bây giờ các nhật báo chính Argentina chưa đề cập tới quyển sách này. Chắc chắn họ chưa phân tích được, cuộc bầu chọn Jorge Mario Bergoglio đã làm cho ngài thay đổi các ưu tiên của mình như thế nào. Mặt khác, ngài giận Âu châu mà ngài cho rằng Âu châu chưa xứng ở tầm cao. Ngài luôn nghĩ đến các cây cầu, không được chặt cầu. Dựng các bức tường làm ngài nhớ nhiều đến các nhà độc tài và chủ thuyết cộng sản. 

Ông giữ lại gì về kinh nghiệm duy nhất này?

Quan hệ của chúng tôi vẫn ở mức kỹ thuật và nghề nghiệp. Đức Phanxicô ít đặt câu hỏi riêng tư về tôi, cũng không bao giờ mời tôi cà-phê hoặc ăn trưa ở Nhà nguyện Thánh Mácta. Tôi có thể dám nói, từ khi xong quyển sách, có một tương quan tôn trọng và cộng tác nồng ấm mà tôi phải thú nhận, tôi rất hãnh diện. Mới đầu, tôi phải chế ngự cảm xúc do cái nhìn rất mạnh của ngài, do lo lắng phải làm tốt công việc này, công việc mà tôi đã dự trù kế hoạch trước khi  tiếp xúc với Đức Thánh Cha. Tôi nói tiếng Pháp chầm chậm – Đức Giáo hoàng hiểu tiếng Pháp hoàn toàn, nhưng các chữ của ngài thì ngập ngừng, vì thế ngài trả lời bằng tiếng Ý. Khi ngài đọc lại tác phẩm, ngài không kiểm duyệt gì, chỉ điều chỉnh vài chỗ, tuần vừa qua khi tôi mang ấn bản đầu tiên đến cho ngài, ngài kêu lên: “Ồ! Thật là đẹp.” Một giây phút không thể quên được! 

“Chính trị và Xã hội”, Nhà xuất bản L’Observatoire.

Marta An Nguyễn dịch