Năm dấu hiệu của một đức tin độc hại

1686

Bạn có thấy mình có điểm nào trong các mô tả này không?

fr.aleteia.org, Nữ tu Theresa Aletheia Noble, 2016-12-09

Tôi biết có một số người đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy cách mà hàng ngày Đức Phanxicô nói với người công giáo, kể cả các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các “giám chức cao cấp” trong giáo hội. Các thách thức ngài đưa ra cho chúng tôi đôi khi không đúng và không phù so với cách rất ân cần ngài nói với những người ở bên lề Giáo hội.

Thậm chí nó còn làm cho tôi bực vì như thử bị ngài “gạt ra ngoài”, nhưng cũng có thể hiểu vì sao ngài nói theo kiểu này. Rao giảng Phúc Âm là trọng tâm triều giáo hoàng của ngài và ngài là nhà rao giảng bẩm sinh. Cũng như Chúa Giêsu vào thời của mình, ngài biết thế nào là phúc âm hóa. Chúng ta có cảm tưởng những người “bên trong”, những người được cho là biết nhiều, thường bị Chúa Giêsu quở trách nhiều hơn người khác. Một người cha nói với đứa con lâu ngày không gặp khác với đứa con mình gặp mỗi ngày và ông biết nó phải vâng lời ông.

Vì lý do nào mà Đức Phanxicô để ý đến một số việc mà chúng ta thấy như khó nghe? Đó là vì ngài lo cho linh hồn chúng ta và ngài không muốn Giáo hội đầy những “mồ mả tô vôi”, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy “xương người chết”. (Mt 23, 27) Ngài cũng biết một trong các thuốc giải độc tốt nhất để giáo dân đừng bỏ Giáo hội là thuốc thánh thiện và hoán cải các tín hữu của mình.

Chúng ta biết rằng “mồ mả tô vôi” không thể nào là các nhà rao giảng Tin Mừng tốt lành được.

Là một người đã từng theo chủ nghĩa vô thần, tôi có thể nói với quý vị là Chúa đã dùng nhiều người rất thánh thiện để đem tôi về đường ngay nẻo chính. Nhưng ma quỷ dùng những người có “đức tin” hơi độc hại” làm cho tôi lại ra đi. Đôi khi quỷ lại hành động chỉ với một người. Mỗi người trong chúng ta, vì bản chất là kẻ có tội đều có những sai lầm khi nói về đức tin của mình và khi rao giảng Phúc Âm. Ma quỷ thường cố gắng để làm cho chúng ta xa Giáo hội. Nhưng trong đa số trường hợp, chúng thường thất bại, nhưng chúng cũng cố gắng đầu độc đức tin của chúng ta.

Và đây là một số dấu hiệu của một đức tin độc hại mà tôi khám phá dần dần (tuyệt đối tôi không ám chỉ đến quý vị, đây là một sự xét mình chung nhưng cũng là cho tôi). 

  1. Người công giáo “không vui”

Bạn có thể nào cười một vài câu chuyện về đức tin để giảm căng thẳng không? Đức tin của bạn có quá chu đáo, bạn luôn bắt bẻ từng ly từng tí về các chi tiết nhỏ, tỏ ra mình sành sỏi không? Hay đức tin của bạn quảng đại, vui vẻ, mở lòng ra với người khác? Một trong các cách để nhận ra bản chất đức tin của mình là đọc lại những gì mình đăng trên các trang mạng xã hội về chủ đề này. Các phản hồi, các bài của tôi có khuynh hướng quá chỉ trích, qua cay đắng không? Tôi có tự cho mình là “cảnh sát đức tin” thay vì là người loan báo Tin Mừng bình thường không? Những người mà tôi hay đọc trên các trang mạng, họ là người giảng đạo đức hay giảng Tin Mừng? Một đức tin không mang dấu ấn của niềm vui và bình an của Chúa Thánh Thần thì không lôi kéo người khác về ánh sáng của Chúa Kitô.

  1. Người công giáo dân chủ (hoặc người công giáo cộng hòa)

Bạn có nói về tôn giáo mà không chen chính trị vào được không? Theo tôi, chính trị là một trong các lý do đẩy người trẻ xa Giáo hội (đặc biệt ở Mỹ, nơi không có một đảng nào thật sự đại diện cho quan điểm của người công giáo). Dĩ nhiên sẽ không tốt nếu cứ bị chính trị ám ảnh, khinh thường các chính trị gia và bôi nhọ đối thủ của mình qua ý thức hệ. Về mặt thiêng liêng thì không có lợi chút nào. Quan trọng là phải có ý tưởng về chính trị, nhưng không bao giờ để chính trị thay thế đức tin, lại càng không để chính trị đẩy chúng ta ra khỏi bác ái. Giữ một khoảng cách lành mạnh với chính trị (nhưng vẫn quan tâm đến nó) là dấu hiệu của một tín hữu kitô tin vào Chúa Toàn Năng và đặt tin tưởng vào Ngài. 

  1. Người công giáo “pharisêu”

Theo bạn, đức tin có là vấn đề của bổn phận và hành động hay chỉ là sự biến đổi nội tâm? Khi bạn nói về đức tin, bạn nói về các “khía cạnh” bên ngoài nhiều hay chuyện hoán cải và đời sống cầu nguyện nhiều? Cẩn thận, đây không nhất thiết là độc hại, nhưng nó có thể trở thành độc hại. Nếu cầu nguyện và tương quan với Chúa không ở trọng tâm đời sống đức tin của bạn, thì sớm muộn gì quỷ cũng làm cho bạn nghĩ, các khía cạnh bên ngoài là những khía cạnh quan trọng nhất. Và nếu chúng ta quá tập trung vào các vấn đề bên ngoài thì kiêu ngạo và phán xét sẽ chiếm chỗ, hai chuyện này ngăn sự kết hiệp sâu đậm với Chúa và ngăn chúng ta có một đức ái đích thực với người anh em.

  1. Người công giáo thích chống nhau

Bạn có thể nói về tôn giáo mà không dùng các từ “bảo thủ”, “lỏng lẻo” hoặc bất cứ chữ nào để bôi nhọ những người mà bạn thấy không phải là người công giáo “tốt” không? Bạn thường chỉ trích những người hay những nhóm mà bạn cho họ là kẻ thù ý thức hệ không? Nếu đời sống thiêng liêng của chúng ta là so sánh với những người, mà theo chúng ta họ không có đức tin “đúng”, thì chính chúng ta mới là người không “đúng”. Nếu có tinh thần chia rẽ, phê phán thường xuyên trong môi trường tôn giáo của chúng ta, thì gần như chắc, tinh thần này không đến từ Chúa Thánh Thần, là Đấng kết hiệp. Hiệp nhất là dấu hiệu của một cái gì cao cả và siêu nhiên. Khi chúng ta sống trong tinh thần hiệp nhất (nhưng không vì thế mà không nói sự thật trong tinh thần đức ái) thì sẽ giúp chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa, vì nó đi ngược với những gì chúng ta biết về thế gian này. (Ga 17, 20-21, để tất cả nên một) 

  1. Người công giáo chỉ có một trận đấu

Bạn dành nhiều thì giờ để lo cho khía cạnh duy nhất về đức tin của mình hơn là quan hệ của bạn với Chúa không? Thiên Chúa mời gọi chúng ta hành động theo công chính trong rất nhiều lãnh vực. Nhưng Chúa không đòi chúng ta phải thuận theo các khái niệm như sự thật, bác ái hay công chính, là chỗ trọng tâm trong cuộc sống chúng ta, dù chúng rất quan trọng. Không có gì quan trọng hơn là mối quan hệ của chúng ta với Chúa. […]

Bạn có thấy mình có một trong các mô tả này không? Nếu có thì xin bạn đừng tuyệt vọng và cũng đừng giận người viết bài này!

Bạn dành ra một chút thì giờ để xin Chúa giúp bạn. Lần sau khi đi xưng tội, bạn nói chuyện này với linh mục. Bạn nhờ bạn bè cho lời khuyên. Và cuối cùng, bạn tin tưởng Chúa đang làm việc trong bạn, như trong mỗi người chúng ta, Chúa giúp đức tin chúng ta tinh tuyền hơn để chúng ta ngày càng được giống như Ngài.

Phần của chúng ta, chỉ cần chúng ta ở gần Chúa. Còn Ngài, Ngài sẽ lo mọi chuyện khác!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch