Tham nhũng: Đào sâu vấn đề dứt phép thông công

178

Chiến dịch chống tham nhũng ở Zambia © Wikimedia commons

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2017-06-17

Đào sâu vấn đề dứt phép thông công, đó là một trong các kết luận đầu tiên của buổi “Thảo luận Quốc tế về Tham nhũng” đầu tiên được Bộ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức tại Vatican ngày 15 tháng 6-2017. Năm mươi quan tòa chống mafia, chống tham nhũng, các đại diện Vatican, đại diện các Quốc gia và Liên Hiệp Quốc, cũng như các ký giả, các chuyên gia và đại sứ, các nạn nhân đã hiện diện trong buổi gặp gỡ ở Viện giáo hoàng Khoa học xã hội.

Một bản thông báo của Tòa Thánh công bố ngày 17 tháng 6 cho biết, “cuộc chiến chống tham nhũng và mafia không những là vấn đề của luật pháp mà còn là vấn đề của văn minh”.

Bản thông báo cho biết tiếp, sau cuộc gặp gỡ này, một nhóm đã triển khai một “bản văn chung nhắm hướng dẫn các công việc về sau này và các sáng kiến trong tương lai”. Một trong các sáng kiến này là đào sâu “ở tầm mức quốc tế và tầm mức Giáo điều pháp lý của Giáo hội” về vấn đề “dứt phép thông công vì tham nhũng và tham dự vào tổ chức mafia”.

Vấn đề này đã được Đức Phanxicô đề cập đến trong chuyến đi Cassano all’Jonio thuộc bang Cosenza, vùng Calabre tháng 6-2014: ngài đã lên án các việc làm tội ác của tổ chức “N’Drangheta”, một tổ chức mafia calabrais, ngài nói rõ, những ai phạm tội ác có tổ chức không thờ Chúa nhưng họ “thờ sự dữ, họ không hiệp thông với Chúa, họ bị dứt phép thông công”.

Hồng y bộ trưởng Peter Turkson cũng giải thích, mục đích của cuộc thảo luận đầu tiên này ở Vatican là: “Đây là hiện tượng đưa đến việc vi phạm phẩm giá con người. Chúng tôi muốn nói rõ, chúng ta không bao giờ được giẫm lên, phủ nhận, làm hại đến phẩm giá con người… chúng ta tìm cách kéo sự chú ý của dư luận quần chúng về vấn đề này”.

Giám mục phụ tá Silvano Maria Tomasi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “lưu ý sự chú ý của quần chúng, thấy rõ các bước đi cụ thể để có được đường lối chính trị và luật lệ để ngăn ngừa tham nhũng”. Ngài nói thêm, “tham nhũng như con sâu thấm vào trong tiến trình phát triển của các nước nghèo hay các nước giàu, làm hại đến quan hệ giữa con người với nhau và làm hại cho các thể chế”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch