Quả tim Người Cha không bao giờ bỏ con mình

397

Zenith.org, Bài giảng ngày thứ ba 4-2-2014

Ngay cả Chúa cũng khóc: giọt nước mắt của Ngài là giọt nước mắt của người cha, một người cha không bao giờ từ bỏ con dù cho chúng có bất trị, người cha luôn luôn chờ người con đi về. Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định như vậy trong bài giảng sáng thứ ba 4-2 tại Nhà nguyện Thánh Marta. Các bài đọc trong thánh lễ nói về hình ảnh hai người cha: hình ảnh vua Đavit khóc Áp-sa-lôm, đứa con phản nghịch và hình ảnh ông trưởng hội đường xin Chúa Giêsu cứu con gái của mình,

Đức giáo hoàng giải thích, vua Đavit đã khóc khi nghe tin con chết, dù đứa con phản loạn này muốn hại ông để chiếm ngai vàng. Quân đội của vua Đavit thắng trận nhưng ông  không màng đến chiến thắng, ông “chờ con”. Ông chỉ quan tâm đến người con! Ông là vua, ông đứng đầu quốc gia nhưng ông cũng là người cha! Và khi nghe tin con chết, ông run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc…

“Vua vừa đi vừa nói: ‘Áp-sa-lôm con ơi, Áp-sa-lôm con ơi! Phải chi cha chết thay con! Áp-sa-lôm con ơi, con ơi! Đó là quả tim của người cha không bao giờ từ bỏ con. Dù cho con là kẻ cướp. Dù cho con là kẻ thù. Nhưng con là con của cha! Vua Đavit không từ bỏ tình phụ tử: Ông khóc… Ông khóc con hai lần: Lần này và một lần khác khi đứa con ngoại hôn đang hấp hối. Ông ăn chay, ông sám hối để cứu con. Ông là người cha!”

Người cha kia là ông trưởng hội đường, một nhân vật quan trọng, nhưng đứng trước căn bệnh của đứa con gái, ông không xấu hổ, ông sụp dưới chân Chúa Giêsu khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống!” Ông không xấu hổ, ông không nghĩ đến việc người ta sẽ nói gì vì ông là cha! Đavit và Gia-ia là hai người cha:

Đối với người cha, điều quan trọng nhất là các con của mình

“Đối với họ, điều quan trọng nhất là con trai, con gái của họ! Không có gì quan trọng hơn! Đó là điều quan trọng duy nhất! Điều này làm cho chúng ta nghĩ đến Kinh Tin Kính, việc đầu tiên khi chúng ta nói với Chúa là: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha… Chúng ta nghĩ đến tình phụ tử của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa là như vậy. Thiên Chúa ở với chúng ta! ‘Nhưng thưa cha, Chúa không khóc! Tại sao vậy? Các con nhớ lại, khi Chúa Giêsu nhìn thành Giêrusalem, Ngài đã khóc. ‘Giêrusalem, Giêrusalem! Biết bao nhiêu lần Ta muốn tập họp các con của Ta, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh.’ Thiên Chúa khóc! Chúa Giêsu đã khóc vì chúng ta! Và những giọt nước mắt của Chúa Giêsu chính là hình ảnh những giọt nước mắt của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả chúng ta ở với Người.”

Đức giáo hoàng nhấn mạnh, “Trong những giây phút khó khăn, người cha đáp trả. Chúng ta nhớ lại khi tổ phụ Áp-ra-ham đem Ia-sa-ác đi hiến tế: I-sa-ác không ngố, ông biết ông đang mang cũi, mang lửa nhưng không có con chiên hy sinh. Lòng ông lo lắng. Và ông nói gì? ‘Cha!’ Ngay lập tức người cha trả lời: ‘Có cha đây!’. Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu cũng vậy, lòng bồi hồi lo lắng, Ngài cầu xin: ‘Lạy Cha nếu được, xin Cha cất chén đắng này cho con!’ Và các thiên thần đến tăng sức mạnh cho Ngài. Thiên Chúa của chúng ta cũng vậy: Ngài là người cha! Một người cha như người cha chờ đứa con hoang đàng trở về ‘với tất cả tiền bạc, với tất cả gia sản’. Và mỗi ngày người cha chờ cho đến ‘khi thấy nó từ đàng xa’. ‘Đó là Thiên Chúa của chúng ta!’, Đức giáo hoàng nói, ‘tình phụ tử’‘tình người cha trong gia đình và tình phụ tử thiêng liêng của các giám mục và các tu sĩ-’ cũng phải như vậy. Người cha như thể được người con xức dầu: ông không hiểu được mình nếu ông không có con! Vì thế, ông cần người con: ông chờ, ông thương, ông tìm, ông tha thứ, ông muốn ở gần con, đến mức ông như ‘gà mẹ ấp ủ con’:

“Hôm nay chúng ta về nhà với hai hình ảnh: Vua Đavit khóc thương con và ông trưởng hội đường sụp xuống dưới chân Chúa, ông không sợ xấu hổ cũng không sợ người khác cười. Các con của họ đang bị nguy hiểm: Con trai vua Đavit, con gái ông Gia-ia. Với hai hình ảnh này, chúng ta đọc: ‘Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha…’ Và chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng dạy cho chúng ta nói: “Abba, lạy Cha! Để có thể nói ‘Cha!’ với cả quả tim, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin để được ân sủng này!”

Trần Thiên An dịch