Bạn của Đức Phanxicô nói rằng rõ ràng ngài không theo bất kỳ hệ tư tưởng nào khác, ngoài Phúc âm

250

Crux | Inés San Martín

Marcelo Figueroa, một người Tin Lành và là bạn thân với Đức Phanxicô, giờ đang biên tập cho phiên bản L’Osservatore Romano ở Argentina, nhằm cho những người dân ở đây không bình loạn về những lời của Đức Giáo hoàng. Trong bài phỏng vấn với Crux, ông nói rằng “cố gắng liên kết hay gắn Đức Phanxicô với một hệ tư tưởng, dù là về kinh tế hay chính trị, dù là nhân danh hệ tư tưởng nào, thì cũng đều là sai lầm.”

Ông giải thích thế nào về tư tưởng của Đức Phanxicô với người khác?

Tôi tin rằng cố gắng liên kết hay gắn Đức Phanxicô với một hệ tư tưởng, dù là về kinh tế hay chính trị, dù là nhân danh hệ tư tưởng nào, thì cũng đều là sai lầm. Ngài thường dùng câu nói, “hệ tư tưởng thì nô lệ hóa, linh đạo mới giải phóng.” Ngài không có một khái niệm kiểu hệ tư tưởng về công tác mục vụ giáo hoàng, hay về linh đạo và thần học của ngài. Ngược lại thì đúng hơn.

Bất kỳ hệ tư tưởng nào cũng phải nhường đường cho linh đạo của ngài. Các Phúc âm và khái niệm về Dân Chúa, khởi đi từ Abraham, luôn có vị trí hàng đầu, và đứng trên mọi hệ tư tưởng.

Nhiều lần, nhiều người đã cố liên kết Đức Phanxicô với một hệ tư tưởng nào đó. Ví dụ như khi họ cố liên kết ngài với thần học giải phóng. Làm thế là sai lầm. Theo tôi, thần học giải phóng đã áp dụng một hệ tư tưởng kiểu Marxist. Đức Phanxicô không áp dụng những hệ tư tưởng để nhận thức về thế giới quan thiêng liêng của mình.

Gốc rễ của ngài luôn là lập trường được nêu lên trong Phúc âm. Nếu ngài nói về tiền bạc, ngài sẽ trích những lời của Chúa Giêsu. Ngài không tạo ra một hệ tư tưởng, và ngài không nói là mình chống chủ nghĩa tư bản. Không thể nói là Đức Phanxicô chống chủ nghĩa tư bản.

Rõ ràng, ngài chống bất kỳ hệ thống nào xem đồng tiền, quyền lực, hay hệ tư tưởng là số một, xem chúng còn hơn cả con người. Và đấy chính là tư tưởng của Phúc âm.

Tôi từng viết một bài về những quyển sách phải đọc để hiểu Đức Phanxicô. Bạn chỉ cần đọc bốn quyển mà thôi. Là bốn Phúc âm. Thế đó.

Chính ngài đã nói rằng, để hiểu quan điểm của ngài, thì phải đọc chương 25 của Phúc âm theo thánh Matthêu. Và tất cả những chuyện khác, thái độ của ngài về tù nhân, người đói khát, người ngoại kiều, người di dân, cũng thế. Đức Phanxicô không phải nhà dân túy, cũng không theo cánh tả. Ngài luôn hướng về con người, bởi vì nhận thức của ngài về sứ mạng của Giáo hội, có nền tảng dựa trên những việc Chúa Giêsu đã làm.

Trong bất kỳ tôn giáo nào cũng có những người chính thống cực đoan, những người tin rằng mình là chủ của đạo này, và cố áp đặt sách lược của mình lên đạo. Và nếu nhìn lại, chúng ta có thể thấy, đây chính là những chuyện đã xảy ra với Chúa Giêsu. Ngài không gặp khó khăn với những cô gái điếm, với người nghèo, người bệnh, hay người khách lạ. Nhân tiện, người lạ, không chỉ là về địa lý, quốc tịch, nhưng còn là người lạ về tôn giáo, như người Samari nhân hậu chẳng hạn.

Chúa Giêsu đương đầu với những người tin rằng mình là chủ của đức tin, và muốn thử thách Ngài.

Trở lại câu hỏi của cô, tôi tin rằng nếu cố gán Đức Phanxicô vào một hệ tư tưởng, thì đúng là sai lầm nghiêm trọng.

Nhưng có vẻ người ta thích làm thế…

Tôi tin rằng hiện tượng Phanxicô là một hiện tượng rất phức tạp. Không phải bởi ngài là người phức tạp, nhưng là bởi suy nghĩ của ngài phức tạp. Ngài là một người với nền đào tạo chiết trung, và một quan điểm muôn màu muôn vẻ về hiện thực. Ngài giống như một lăng kính phức tạp, và mỗi người chúng ta có cơ hội biết ngài, phải thừa nhận rằng mình chỉ biết được một trong những mảnh của lăng kính đó, chứ không biết hết.

Để hiểu cho trọn Đức Phanxicô, thì phải hợp nhất toàn bộ mọi phần của lăng kính đó.

Là một người đa dạng, phong phú và phi thường, ngài là một hiện tượng khó mà nắm trọn trong lòng bàn tay được. Bởi ngài là người suy nghĩ tự do, lắng nghe, hỏi ý kiến từ mọi phía, rồi ra quyết định.

Chúng ta có khuynh hướng gán nhãn cho người khác, đơn giản hóa họ thành thứ này thứ kia, cố hiểu rõ họ, kiểm soát được họ. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều người rất dễ để ta gán cho họ một cái nhãn nào đó. Nhưng Đức Phanxicô thì không. Để hiểu ngài, thì phải nhìn mỗi cái nhãn mà họ đặt cho ngài, nhưng ngay cả khi ghép tất cả chúng lại với nhau, vẫn không thể nào có được bức tranh toàn cảnh.

Đôi khi ngài có những thông điệp mâu thuẫn, mà dù cho chúng có logic đi nữa, thì cũng khiến người ta khó mà dán nhãn cho ngài. Kiểu như ngài đã nói, “Tôi là ai mà phán xét” những cũng chính ngài nói, “học thuyết về giới là một mối đe dọa đối với gia đình.”

Ngài là người rất nhất quán, trong lời nói, cuộc sống và mọi mặt. Ngài chống lại học thuyết về giới, vốn là một hệ tư tưởng nhân văn, nhưng ngài làm thế là vì suy tư phúc âm hóa. Ngài không phán xét ai, bởi Chúa Giêsu giao cho chúng ta mọi sứ mạng, ngoài trừ một thứ, đó là phán xét. Chỉ mình Chúa mới là người phán xét. Vậy nên cả hai câu quá tương hợp.

Nếu ngài nói, “Tôi phán xét người này,” là ngài đang đi ngược lại với Phúc âm. Nhưng suy nghĩ của ngài về hệ tư tưởng giới tính được nói rất rõ trong tông huấn Amoris Laetitia. Và suy nghĩ của ngài không khác gì suy nghĩ của Giáo hội.

Nếu những người chính thống bảo thủ cực đoan, hay những người đối nghịch, muốn dán nhãn với ngài, thì đó là chuyện của họ, là rắc rối của họ.

Chúng ta thấy rất nhiều lần, không chỉ người bảo thủ cáo buộc Đức Giáo hoàng đi ngược lại Phúc âm, mà cả những người theo chủ nghĩa tự do cũng muốn một cách làm khác với ngài…

Chính xác là thế. Một lần nữa, chúng ta nên nhìn lại, nghĩ về Chúa Giêsu, khi ở trong Hội đường Nazareth quê mình, đã trích đọc đoạn sách Isaiah, “Tôi đến để đem Tin mừng cho người nghèo, giải thoát cho người mù, người bị áp bức, người bị giam giữ.” Kế hoạch làm việc của ngài, là đi từ ngoại biên.

Chúa Giêsu nhìn về Jerusalem từ bên ngoài thành, cũng như Đức Phanxicô nhìn vào thế giới và Roma từ vùng ven, bởi ngài xuất thân từ vùng ven.

Đây là một giáo hoàng nói rất nhiều. Ngài nói trong những bài giảng ban sáng, bằng những cử chỉ, những tông thư, các chuyến tông du, các cuộc họp báo trên chuyến bay. Điều thú vị là nhiều người trên thế giới, chộp lấy những lời của ngài và nghĩ, “Ngài nói thế này, là nghĩ về cái này.”

Rất ít người nghĩ, “Ngài đang nói với tôi một lời diễn giải Phúc âm.” Lúc nào người ta cũng cứ hướng lời của ngài về một lãnh đạo chính trị…

Người Argentina chúng tôi giỏi chuyện này lắm, lúc nào cũng nghĩ ngài đang nói về một chính trị gia địa phương nào đó. Nói thật, nó cho thấy một sự kém cỏi về tri thức.

Nói cụ thể về Argentina, Đức Phanxicô có thể bác bỏ hay bẻ lại những chuyện đàm tiếu không hay về ngài. Nhưng tại sao ngài không làm thế?

Nếu ngài ra tay bác bỏ mọi điều người ta viết về ngài ở Argentina, thì ngài chẳng còn giờ làm gì nữa đâu. Mà ngài lại có những vấn đề quan trọng hơn phải làm cho thế giới. Một điều đáng tò mò, là bất chấp truyền thông Argentina chống đối ngài, nhưng hầu hết mọi người không bị dẫn dụ. Người dân tiếp tục mong chờ ngài, một người cha và mục tử mà họ đã gặp và vẫn tiếp tục yêu mến.

Chuyện thao túng này ở đâu cũng có, và Đức Phanxicô đâu phải là nạn nhân đầu tiên của nó. Ngài không viết những đầu đề cho các trang nhất nhật báo ngày mai. Mà ngài viết những tông thư cho các thế hệ tương lai.

Tôi phải hỏi một chuyện. Lúc nào Đức Giáo hoàng mới trở về đất nước quê nhà?

Tôi tin rằng phần lớn người Argentina muốn đến Roma để gặp ngài… Và từng có người hỏi tôi, “Vì sao ngài không muốn đến Argentina?” Tôi xem đây là một chuyện hoàn toàn lố bịch. Trong lòng ngài, Đức Phanxicô không muốn người Argentina không còn nghĩ đến mình. Nói rằng ngài không muốn về Argentina, là xúc phạm ngài.

Rõ ràng, ngài vẫn yêu mến và nhớ nhung đất nước này. Ngài xuất thân từ đó mà. Còn lúc nào ngài sẽ đi, thì tôi không biết. Tôi chưa hỏi ngài chuyện đó. Tôi nghĩ là chỉ ngài mới biết câu trả lời. Nhưng ngài sẽ đi, khi ngài nghĩ đã đến lúc thích hợp.

Những nhìn vào thế giới, và nếu hiểu quan điểm của ngài, thì rõ ràng, ngài cần đến một số quốc gia khác hơn. Thế giới đang chìm trong chiến tranh… Tôi là người dân Agentina, chúng tôi, dù có muốn ngài về thăm đến đâu, cũng không được ích kỷ về chuyện đó.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch