Linh mục Raniero Cantalamessa đến với ngày gặp gỡ quốc tế kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào Canh tân Đặc sủng.
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2017-06-03
Linh mục Raniero Cantalamessa là người Ý, Dòng Capuxinô, được cả thế giới biết tiếng và được ba giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô mời giảng tĩnh tâm ở Vatican. Cha giải thích cho báo Le Figaro tầm mức cuộc gặp gỡ quốc tế của các nhóm trong phong trào Canh tân, họ tề tựu về Rôma trong cuối tuần lễ Hiện Xuống để kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào.
Phong trào Canh tân Đặc sủng mang lại gì cho Giáo hội?
Linh mục Raniero Cantalamessa. – Phong trào Canh tân vừa mang lại cho Giáo hội tất cả, vừa không mang lại gì cho Giáo hội! Phong trào không mang lại gì, vì Chúa Thánh Thần không bao giờ bỏ Giáo hội nhưng Ngài gần như ở trong bóng râm. Phong trào mang lại tất cả vì phong trào được thực hiện theo ý chỉ của Đức Gioan XXIII. Ngài mong Công đồng Vatican II là một Hiện Xuống của Giáo hội. Như thế, Canh tân Đặc sủng là dấu chỉ Chúa trả lời cho lời cầu nguyện này. Một ý thức mới của Thần Khí được lan ra trong toàn Giáo hội. Như thế Canh tân Đặc sủng mang lại sự khẩn cấp của một Giáo hội cầu nguyện, một Giáo hội ca tụng Chúa. Rất nhiều cộng đoàn của phong trào đã lôi cuốn được nhiều người trẻ. Chúng ta thấy điều này rõ ràng ở Pháp, phong trào Canh tân Canh tân đã vẽ lại bản đồ địa lý công giáo nước Pháp.
Tuy nhiên một vài Giáo hội không thích phong trào Canh tân Đặc sủng, vì sao?
Ơn của Chúa khi rơi xuống bàn tay con người thì luôn bị sẩm tối và ung thối. Phong trào Canh tân không ở trong luật trừ. Bên cạnh bao nhiêu điều tuyệt vời thì cũng có những điểm khiếm khuyết. Chúng ta không nên nản chí với các sai sót này. Thánh Phaolô cũng than phiền về các vấn đề trong các cộng đoàn đầu tiên. Một Giáo hội không có đặc sủng là một Giáo hội chết.
Đức Phanxicô gần như ít thiện cảm với phong trào Canh tân, không như Đức Gioan-Phaolô II…
Đây là một cái nhìn sai! Đức Phanxicô thú nhận, hồi mới đầu khi còn ở Argentina, ngài đã xa cách với phong trào. Ngài nói phong trào như trường dạy điệu nhảy Samba… Nhưng một khi ngài biết phong trào thì ngài hiểu, đây là một dịp may, một ân sủng cho Giáo hội. Tôi hiểu ngài vì tôi cũng có kinh nghiệm như vậy. Mới đầu, tôi e dè, tôi chỉ trích, cho đến khi tôi có được kinh nghiệm thiêng liêng về phong trào, và kinh nghiệm này đã thay đổi cuộc đời tôi. Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên nói về phong trào khởi đi từ kinh nghiệm riêng tư của mình. Tôi biết ngài khi ngài chưa là giáo hoàng. Ngài mời tôi đến giảng cho các giáo sĩ ở Buenos Aires. Tôi thấy ngài đã rất dấn thân về mặt đại kết và sự quan tâm của ngài với phong trào đã giúp cho ngài chỉnh sửa và nói lên những gì chưa được tốt.
Cái gì chưa được tốt?
Phải vượt lên ý tưởng phong trào Canh tân cũng như các phong trào khác. Phong trào Canh tân Đặc sủng phải là dòng nước ân sủng cho toàn Giáo hội. Phong trào không có nhà sáng lập, không có “một” linh đạo, không phải là một Dòng. Sự tiến triển phải được thực hiện bây giờ là phong trào phải bỏ đi các khía cạnh quá đặc biệt làm cho nhiều người xem đây là kỳ cục. Phải thuyết phục giáo dân, rằng đây là lời kêu gọi toàn Giáo hội phải sống trong Thần Khí. Chúa Kitô sống lại sống trong Thần Khí, làm việc trong Thần Khí. Thể chế giáo hội sẽ không bao giờ có thể thay thế Thần Khí và các đặc sủng.
Các dòng “phúc âm” là vêc-tơ chính cho sự phát triển các giáo phái tin lành ngày nay. Giáo phái hiện xuống công giáo, hiện thân trong phong trào Canh tân Đặc sủng có phải là tương lai của Giáo hội?
Giáo phái Hiện Xuống được xem như một phong trào, một cách đặc biệt để sống theo Thần Khí. Tôi sẽ không nói giáo phái Hiện Xuống sẽ là tương lai của Giáo hội, dù nó là một nhánh đang tăng trưởng mạnh ở Mỹ. Tương lai của Giáo hội là Chúa Kitô sống lại hiện diện trong Thần Khí. Bởi vì giáo dân đang chờ một kitô giáo sống động, năng động, chứ không phải một kitô giáo buông trôi, đôi khi rất buồn bã. Những gì tốt nhất nơi giáo phái Hiện Xuống cho thấy, hình ảnh của một kitô giáo không phải như hình ảnh mà Luther đưa ra, luôn liên hệ đến tội. Phong trào Canh tân cho thấy một kitô giáo ở khía cạnh tích cực, đó là ơn Chúa Thánh Thần, đời sống mới trong Chúa Kitô thì quan trọng hơn là tội được tha hay ân xá tội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch