Các bạn trẻ “Hiệp sĩ” trong buổi tiếp kiến
fr.zenit.org, Constance Roques, 2017-06-02
Ngày thứ sáu 2 tháng 6-2017, Đức Phanxicô tiếp các học sinh tham dự buổi hội thảo giáo dục kitô giáo “Graal” hay còn gọi là “Các Hiệp sĩ” (Cavalieri) tại Đại thính đường Phaolô VI. Đức Phanxicô đã trả lời ba câu hỏi của các em.
Ngài trả lời cho câu hỏi “làm sao có thể thay đổi thế giới”, ngài nói: “Các con có thể bắt đầu thay đổi thế giới bằng cách mở tâm hồn ra, bằng cách lắng nghe người khác, đón nhận người khác, chia sẻ các chuyện”.
Còn câu hỏi buồn vì xa nhau, ngài giải thích: “Các con lớn lên qua gặp gỡ, qua rời đi, đó là thách thức của cuộc đời, cuộc đời là một chuỗi “chào gặp nhau” và “chào từ giã”.
Câu hỏi về đau khổ của một em người Bungaria được một gia đình Ý nhận làm con nuôi, Đức Phanxicô trả lời: “Con chỉ tìm được vài lời giải thích trong tình yêu của những yêu thương con và nâng đỡ con, nhưng con sẽ không hiểu được “tại sao” hoặc “vì sao” (đau khổ để làm gì). Hoặc khi con nhìn thập giá: “Ở đó phải có một cái gì mang ý nghĩa (…) Chính con phải tự tìm thấy cho con”, ngài khuyến khích em.
Marta:
Đức Phanxicô yêu thương, con tên là Marta. Con học lớp bốn, lúc này con đang buồn vì sang năm con không còn gặp lại nhiều bạn thân, con sợ bước qua cấp ba. Bây giờ thì con đang vui với các bạn của con. Tại sao con phải thay đổi tất cả? Tại sao con lại sợ lớn lên? Con sẽ không thành công, con không muốn hình dung đời con và tất cả những gì đến với con mà không có các bạn con đang yêu thương này. Con phải làm gì? Rồi sau đó con phải làm gì?
Đức Phanxicô: Cám ơn Marta. Cha sẽ nói với con như thế này nhé. Cuộc đời là một chuỗi “chào gặp nhau” và “chào từ giã”. Thường thường, đó là những chuyện nhỏ, và cũng nhiều khi lời “chào từ giã” này là cho nhiều năm hoặc cho mãi mãi. Mình lớn lên khi gặp nhau, khi rời nhau. Nếu con không học từ giã, thì con sẽ không bao giờ gặp được người mới. Những gì con nói, đó là một thách thức, một thách thức của cuộc đời. Các bạn đồng hành của con sẽ không phải lúc nào cũng là những bạn đó, có thể con sẽ gặp lại họ, nói chuyện với họ… nhưng con sẽ có các bạn mới mà con phải gặp, và đó là một thách thức. Còn chúng ta, trong cuộc sống, chúng ta phải quen với con đường này: buông chuyện gì đó và gặp chuyện gì mới. Và đó cũng là một bất trắc. Có những người rất sợ bước thêm một bước, họ luôn dừng lại, họ quá bình yên và họ không lớn lên, con đã dùng chữ “con sợ!”. Khi một người con trai, một người con gái, một người đàn ông, một người đàn bà nói “thôi đủ rồi”, thì như cha sở vừa nhắc, “họ ngồi êm ấm trong ghế bành”, họ không lớn lên, họ khép lại chân trời cuộc đời họ. Nhưng cha thì cha dùng một chữ khác… Con nhìn bức tường này: có cái gì đàng sau bức tường? Con có thấy cái gì đàng sau bức tường này không? Con nói cho cha biết… con cầm máy vi âm…
Marta: Con không biết.
Đức Phanxicô: Con không biết… Đó đúng là chuyện khi một người không muốn lớn lên: họ có bức tường trước mặt họ. Họ không biết cái gì đàng sau bức tường. Nhưng nếu khi con đi ra ngoài, chẳng hạn ra ngoài đồng quê, con hình dung con sẽ thấy gì? Nơi không có bức tường, con sẽ thấy gì?
Marta: Con sẽ thấy tất cả…
Đức Phanxicô: Tất cả. Con thấy chân trời. Chúng ta phải học để nhìn cuộc sống qua các chân trời, luôn nhiều hơn, nhiều hơn nữa và luôn đi tới đàng trước. Điều này có nghĩa là con sẽ gặp những người mới, những hoàn cảnh mới. Đừng quên những người khác, không! Lúc nào cũng có những kỷ niệm đẹp, và thường thường mình gặp các bạn cũ, mình sẽ chào họ… Nhưng chúng ta luôn luôn đi để lớn lên. Con dùng chữ “sợ” là đúng: ”Tôi sợ lớn lên, tôi sợ đi tới”; nhưng con nên dùng chữ “tôi có một thách thức”: Tôi có thắng được thách thức hay tôi để cho thách thức thắng tôi? Con hiểu chứ? Con nhìn bức tường và con hình dung cảnh đồng quê, cảnh ở chân trời. Và đó là chọn lựa con phải chọn. Đàng sau bức tường, mình không thấy gì; nhưng với chân trời, con tiến tới, càng có chân trời con càng đi: và chân trời thì không bao giờ cùng! Và chúng ta phải lớn lên với chân trời. Cha không biết cha giải thích như thế đã đủ cho con. Cha nói một lời: con nhớ các bạn cũ, những người con phải từ giã họ để đi một con đường khác. Con nhớ họ, đôi khi con gọi họ, gặp họ… Nhưng con sống với các bạn mới, đi con đường với các bạn mới. Và mình lớn lên như vậy. Nhưng con vững mạnh mà! Bởi vì con không nói được cho cha biết có cái gì đàng sau bức tường, và đó là chuyện tốt, bởi vì sau bức tường, mình không thấy gì nhưng con lại nói cho cha biết khi con ở đồng quê, khi con nhìn chân trời, con thấy tất cả. Hoan hô con! Con đi tới đàng trước nhé!
Marta: Con cám ơn cha.
Giulia:
Đức Phanxicô yêu thương, con tên là Giulia, con muốn hỏi cha, chúng con, các trẻ vị thành niên, chúng con nhìn tất cả những gì đang xảy ra, một cách cụ thể, chúng con có thể làm gì để thay đổi thế giới chung quanh…
Đức Phanxicô: Chúng ta nghĩ chúng ta có thể gọi bà tiên mang đôi đũa thần đến để thay đổi thế giới. Chúng ta có thể làm như vậy được không? Thay đổi thế giới, chúng ta có thể thay đổi thế giới được không? Các con tự trả lời nhé, được không? Các em: “Được!” Thay đổi thế giới có khó không?” Các em: “Khó!” Nếu khó cho người lớn, cho những người có học, cho những người có khả năng cai quản đất nước thì sẽ khó đến như thế nào cho những người như các con phải không? Rất khó. Nhưng cha muốn đặt cho tất cả các con một câu hỏi: phần các con, các con có thay đổi thế giới được không? Các em: “Được!” Các con không chắc, đúng không? Các con có thay đổi thế giới được hay không? Các em: “Được!” Các con giỏi lắm. Nhưng bằng cách nào? Với những chuyện xảy ra chung quanh các con.
Về phần cha, chẳng hạn khi cha gặp các em bé, các con thì lớn hơn một chút, cha luôn đặt câu hỏi này: nếu con có hai cục kẹo, bạn con đến, con sẽ làm gì? Gần như tất cả các em đều nói: “Con cho một cái, con giữ cho con một cái”. Có một vài em không nói nhưng các em nghĩ: “Mình giữ cả hai cục kẹo trong túi, khi bạn đi mình sẽ ăn”. Thái độ đầu tiên là thái độ tích cực: một cho bạn, một cho mình. Thái độ thứ hai là thái độ ích kỷ: tất cả cho tôi. Mỗi người các con nhìn bàn tay mình và làm một cử chỉ. Cử chỉ tích cực: bàn tay sẽ như thế nào? Chúng ta cùng làm chung: Nhận và cùng chia sẻ. Thái độ tiêu cực: bàn tay sẽ như thế nào? Khép kín. Chúng ta cùng làm cử chỉ. Để thay đổi thế giới, bàn tay phải khép lại? Các em: “Không!” Vậy phải làm như thế nào, các con làm cho cha xem. Đúng rồi, bàn tay phải mở ra. Và bàn tay là tượng trưng cho tâm hồn: tâm hồn phải mở ra. Các con có thể bắt đầu thay đổi thế giới với một quả tim mở ra. Bây giờ cha đặt một câu hỏi khác: Nếu con chỉ có một cục kẹo và bạn con đến, con sẽ làm gì? Không phải dễ hen? Đa số trả lời: “Chia một nửa, một nửa”. Như thế, thì làm như thế này hay như thế này (Đức Phanxicô ra dấu bằng tay) Một nửa, một nửa… Và sẽ có vài em nghĩ: “Mình sẽ để trong túi và mình ăn một mình”. Làm như thế này hay như thế này (Đức Phanxicô làm dấu bằng tay). Các con làm cho cha xem… Chúng ta thay đổi thế giới bằng cách mở tâm hồn ra, lắng nghe người khác, đón nhận người khác và chia sẻ với người khác. Các con có thể làm.
Nếu các con có một người bạn không được thiện cảm mấy… Nếu các con đi tìm các bạn khác để nói về người này, làm như thế nào này, làm như thế kia (Đức Phanxicô làm dấu bằng tay) Hoan hô các con. Ngược lại, nếu các con mặc kệ – “Tôi không thích bạn đó nhưng tôi không nói gì” – thì sẽ sao? Hoan hô các con, các con đã hiểu. thay đổi thế giới với những chuyện nhỏ hàng ngày, với lòng quảng đại, với sự chia sẻ, tạo cách đối xử trong tình anh em. Nếu có ai sỉ nhục mình, mình sỉ nhục lại, thì sẽ như thế nào? Ngược lại, nếu có ai sỉ nhục mình mà mình không trả lời lại, thì sẽ như thế nào? Các con đã hiểu? Đừng bao giờ lấy ác báo ác! (Vỗ tay). Không bao giờ. Bạn làm chuyện xấu cho mình? Chúa Giêsu đã dạy cho mình như thế nào về chuyện này? Các con nghe cha nhé: mình cầu nguyện cho tất cả mọi người, cầu nguyện cho bạn mình, cho kẻ thù của mình, cho những ai đau khổ. Và Chúa Giêsu nói: “Như Cha của chúng ta trên trời, Đấng để cho mặt trời chiếu cho cả người tốt lẫn người xấu”. Đúng, chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người. Lời cầu nguyện là cho tất cả và đứng có ý xấu chống người khác. Và như thế chúng ta có thể thay đổi thế giới. Sẽ không có đũa thần, nhưng có những chuyện nhỏ mỗi ngày mà chúng ta phải học. Và cha đề nghị với các con một chuyện. Từng nhóm nhỏ, chúng con nói về chuyện này trong nửa giờ khi chúng con họp với nhau. Khi người ta làm cho tôi như vậy thì tôi phải làm gì? nếu tôi phải đứng trước chọn lựa này, tôi phải làm gì? Nói về những chuyện này “như thế” bằng quả tim (Đức Phanxicô ra dấu bằng tay). Cha cám ơn câu hỏi của con.
Tanio:
Đức Phanxicô yêu thương, con tên là Tanio, con sinh ra ở Bungaria và ngay tháng đầu tiên, cha mẹ con đã bỏ con vào viện mồ côi. Lúc con lên năm, con được một gia đình người Ý nhận làm con nuôi. Nhưng chỉ được một năm thì mẹ nuôi con chết. Con sống với cha con và ông bà của con. Năm nay, ông bà con qua đời. Tổ chức “Các Hiệp Sĩ” giúp con rất nhiều: vì họ gần với con và nâng đỡ con trong mọi giai đoạn cuộc sống của con. Con xin có câu hỏi này: làm sao tin Chúa thương mình khi Chúa làm cho mình khổ vì mình không còn người thân, hoặc khi Chúa để cho những chuyện mình không muốn xảy ra?
Đức Phanxicô: Làm sao hiểu được Chúa thương mình khi Chúa để mình khổ vì không còn người thân, khi Chúa để cho những chuyện mình không bao giờ muốn mất lại xảy ra? Tất cả các con, cùng nhau chúng ta suy nghĩ một chút, với trí tưởng tượng của các con, các con nghĩ đến bất cứ một bệnh viện nhi đồng nào. Làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa thương các em bé này và lại để cho các em bị bệnh, các em bị chết như thế này? Các con suy nghĩ đến câu hỏi: Tại sao trẻ con đau? Tại sao trên thế giới này có trẻ con đói, tại sao lại có sự phí phạm đồ ăn lớn như thế này? Tại sao? Con biết đó, có những câu hỏi như câu hỏi con đặt ra, không ai có thể trả lời được. Tanio, con đã đặt câu hỏi này và cha sẽ không có chữ để giải thích cho câu hỏi này. Con chỉ có thể tìm được lời giải thích trong tình thương của những người thương con và nâng đỡ con, nhưng con không có câu trả lời “tại sao” hay ”vì sao” (đau khổ để làm gì). Không có lời giải thích cho câu hỏi “tại sao” lại có những chuyện như vậy xảy ra mà chỉ có những người cùng đi với con.
Cha chân thành nói với con và con sẽ hiểu điều này: Trong khi cầu nguyện, cha đặt câu hỏi “vì sao trẻ con khổ”, chung chung, cha đặt câu hỏi này khi cha đi thăm các bệnh viện nhi đồng và cha nói thật và nói với cả tấm lòng của cha, cha sẽ không nói là cha bị sụp đổ, nhưng cha rất đau lòng, Chúa không trả lời cho cha câu hỏi này. Cha chỉ biết nhìn thập giá. Nếu Chúa đã cho Con Một của Ngài chịu đau khổ vì chúng ta, thì phải có một ý nghĩa nào trong chuyện này.
Nhưng Tanio thân mến, cha không thể giải thích ý nghĩa. Chính con tự tìm ý nghĩa cho con: sau này trong cuộc sống hoặc trong đời sau. Nhưng những lời giải thích như người ta giải thích các định đề toán học hay một câu hỏi về lịch sử, thì cha không thể trả lời cho con và ngay cả cho cha, hay cho một ai khác. Con hiểu điều này nhé, trong cuộc sống có những câu hỏi, những hoàn cảnh mà mình không thể giải thích được. Một trong các câu hỏi này là câu hỏi con vừa đặt ra, câu hỏi về đau khổ. Nhưng đàng sau câu hỏi này, luôn có tình yêu của Chúa. “A! Và làm sao giải thích?” Câu này cũng không giải thích được. Cha không giải thích được. Nếu có ai nói với con: “Đến đây, đến đây, tôi sẽ giải thích cho bạn!, con hãy nghi ngờ!” Chỉ có những người nâng đỡ con, tháp tùng con và giúp con lớn lên mới làm cho con cảm nhận được tình yêu của Chúa. Cha cám ơn con đặt câu hỏi này, vì nó quan trọng đối với các con, vào tuổi các con, các con bắt đầu hiểu sự việc, và vì như thế sẽ giúp các con lớn lên và đi tới. Cha cám ơn Tanio.
Và vì chúng ta cảm thấy đau buồn với câu hỏi cuối này, chúng ta cùng hướng về Mẹ Maria, Mẹ chúng ta trên trời: như tất cả các bà mẹ, Mẹ hiểu nỗi đau buồn, chúng ta cùng dâng lên Mẹ:
Kinh dâng hiến: “Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, là Vua của con…”
(Ban phép lành).
Trước khi kết thúc và để có thể đi tới trong cuộc đời và có quả tim quảng đại thì quả tim phải như thế nào? Với bàn tay…
Các em: Mở ra!
Đức Phanxicô: Để đi lui… để đi lui: Làm sao chúng ta đi lui? Với quả tim như thế nào?
Các em: Khép lại
Đức Phanxicô: Khép lại. Và cha có một câu hỏi cho các con: Chúng ta có thể giải thích tất cả, tất cả mọi hoàn cảnh sống không?
Các em: Không!
Đức Phanxicô: Cha chưa hiểu.. Cha chưa nghe.
Các em nói to: Không!
Đức Phanxicô: Đúng rồi. Các con đi tới đàng trước nhé!
Marta An Nguyễn dịch
Ngàn cánh tay đưa ra, khi nhìn thấy tay một em bị băng bột, Đức Phanxicô hỏi: “Chuyện gì thế này, có ai có cây viết không?” Ngài muốn ký trên tay băng bột… nhưng không có viết!