fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-05-19
Sau chuyến đi của Đức Phanxicô đến Ai Cập, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) sắp công nhận “giá trị hoàn vu” của những nơi Thánh Gia đã đi qua.
Con đường của Thánh Gia, mà theo truyền thống là con đường Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã qua Ai Cập để trốn sự tàn bạo của vua Hêrôđê sẽ được UNESCO đưa vào danh sách các tài sản tôn giáo và thiêng liêng thuộc về di sản của nhân loại. Tin này được ông Adel al Gindy, Tổng giám đốc các quan hệ quốc tế trong việc phát triển du lịch của Ai Cập thông báo cho báo chí biết.
Các mong chờ của Ai Cập
Đã từ lâu, các người có trách nhiệm về du lịch trong chính quyền Ai Cập đã muốn đưa con đường du lịch tôn giáo của kitô giáo vào hệ thống du lịch để một phần, bù đắp cho các thiệt hại của ngành du lịch do nạn khủng bố và sự bất ổn trong vùng gây ra. Chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô trong hai ngày 28 và 29 tháng 4 vừa qua đã giúp rất nhiều trong công việc này. Các tín hữu Coptic xem đây là “ơn lành” cho vùng đất này và đây cũng là “sứ điệp gởi cho toàn thế giới biết Ai Cập xứng đáng được nâng đỡ”. Nhà cầm quyền Ai Cập hy vọng, với sự công nhận của tổ chức UNESCO sẽ làm thuận lợi cho tín hữu hành hương đến đây.
Trình bày ở Vatican
Hãng tin Fides nhắc lại, trong bài diễn văn đọc trong chuyến đi của mình, Đức Phanxicô đã nhiều lần nhắc nước Ai Cập đã đón nhận Thánh Gia khi gia đình Thánh Gia phải biệt xứ. Trước chuyến đi của Đức Phanxicô, ông Nader Guirguis, thành viên của một ủy ban cấp bộ được thành lập để cổ động cho “Con đường” đã nêu lên các giả thuyết lịch sử dựa trên Phúc Âm, theo đó Thánh Gia đã ở lại Ai Cập trong nhiều năm. Các cuộc họp giữa các tổ chức du lịch Ai Cập và tổ chức hành hương Rôma (ORP) đang tiến hành. Ngày 9 tháng 5 vừa qua, ông Yahiya Rashid, bộ trưởng bộ Du lịch Ai Cập đã đến Vatican để trình bày chương trình “Hành trình Thánh Gia”.
Không phải chỉ có tín hữu kitô giáo
Các đề nghị đầu tiên nhằm nâng cao giá trị con đường của Thánh Gia, kể cả trong bối cảnh du lịch đã có từ hai mươi năm trước đây, nhưng đã có những “bất đồng dữ dội” giữa các chính trị gia và những người trong ngành du lịch, đã ngăn cản không cho chương trình này được thực hiện.
Lộ trình sẽ khởi đi từ Al-Arish, thành phố phía bắc Sinai, vừa qua vùng này là nơi xảy ra các vụ khủng bố hung bạo của nhóm hồi giáo cực đoan chống tín hữu Coptic, sau đó sẽ đến vùng châu thổ đen-ta và Wadi Natrum để đến Assiout và đan viện Mẹ Maria, được biết dưới tên đan viện Al-Muḩarraq. Trong lần đi thăm một trong các văn phòng của Tòa Thượng phụ chính thống Coptic, ông Al Abdel Aal, chủ tịch Phòng các Đại diện Ai Cập cho biết, dự án này “bao gồm tất cả người Ai Cập chứ không phải chỉ cho các tín hữu kitô”.
Một “giá trị hoàn vũ ngoại hạng”
Con đường Thánh Gia trong danh sách di sản của nhân loại sẽ thêm vào 20% tài sản mang tính cách tôn giáo hay thiêng liêng được cơ quan UNESCO chấp nhận vì “giá trị hoàn vũ ngoại hạng” của nó. Theo Trung tâm quốc tế nghiên cứu để giữ gìn và tái tạo các tài sản văn hóa (ICCROM) thì di sản tôn giáo có những nét nổi bật khác với các loại di sản khác.
Trong chuyến đi Ai Cập của mình, Đức Phanxicô «đã nhấn mạnh: “Di sản lớn của lịch sử và của tôn giáo cũng như vai trò của Ai Cập trong vùng này đã làm cho nước Ai Cập có một vai trò đặc biệt”.
Marta An Nguyễn dịch
Đan viện Al-Muḩarraq: