Tiền bạc

231

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Tiền bạc

Quảng trường Tháng Năm ở Trung tâm thủ đô Buenos Aires vừa gần Casa Rosada, trụ sở của chính quyền, vừa gần với Nhà thờ chính tòa. Nhà thờ chính tòa đang ăn mừng vì giáo hoàng người Argentina đầu tiên được bầu chọn. Nhưng sứ thần Tòa Thánh ở Buenos Aires là Đức ông Emil Paul Tscherrig mang đến một tin không mấy vui cho người Argentina.

Sau khi nói chuyện với tân giáo hoàng, sứ thần đã gởi một thư đến các tòa giám mục và qua họ là gởi cho tất cả giáo dân, trong thư, nhân danh Đức giáo hoàng Phanxicô, ngài nói rõ ràng hai chuyện. Chuyện thứ nhất: cám ơn tất cả các lời cầu nguyện, các lời chúc, cám ơn tình yêu thương mà giáo dân dành cho giáo hoàng. Chuyện thứ hai: giáo hoàng xin giáo dân một đặc ân là họ đừng qua Rôma tham dự lễ tấn phong giáo hoàng của mình. Thay vì đi Rôma, chi phí dành cho chuyến đi này nên dùng để làm việc thiện, cho những người nào đang thiếu thốn. Ngài nói rõ ràng: không đi Rôma, chi phí chuyến đi dành cho người nghèo. Bạn ngạc nhiên? Nhưng người Argentina thì không ngạc nhiên. Vì Đức Bergoglio đã làm một lần như thế vào năm 2001, khi ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y  và mọi người hiểu đức Bergoglio nghĩ như thế nào về tiền.

Không bao giờ ngài đi máy bay hạng nhất, và khi máy bay có chỗ trống, hãng hàng không mời ngài, ngài cũng chọn hạng nhì. Còn khi được tặng vé hạng nhất, ngài đi đổi vé. Ngài không phải là người thích nghèo, đơn giản ngài không muốn có đặc ân và vì ngài biết quá nhiều về sự nghèo khó nên ngài mong giúp được càng nhiều người nghèo nhất càng tốt.

Ngài không chống việc có tài sản riêng nhưng ngài không chấp nhận vốn liếng tư đi ra nước ngoài: Làm sao làm giàu cho đất nước xong lại đem tài sản tích tụ của mình ra nước ngoài? Ngài nói, “Tiền bạc cũng có tổ quốc. Trước cuộc thảo luận, tôi hỏi mọi người họ có đóng thuế không, nhiều người trả lời không, ‘vì quốc gia đã ăn cắp tiền của tôi thì tôi thích dùng tiền của tôi để cho người nghèo.’” Đó là lý do nại ra để trốn tránh bổn phận. “Tôi không bao giờ nhận tiền bất chính nếu không có sự ăn năn hối cải thật sự”, ngài nói thêm khi nói về cách làm ăn bất chính và giả mạo. “Nói cách khác, người ta ru ngủ lương tâm và vẫn tiếp tục làm điều xấu.”

 

Tin tưởng vào cha mẹ

Khi còn nhỏ Jorge Mario nói chuyện với ai dễ nhất? Ai là người Jorge đến thổ lộ? Với mẹ Regina? Với bố Mario? Hay với bà nội  Rosa, người đóng một vai trò lớn trong sự phát triển của Jorge? Ngoài bà nội mà chúng ta sẽ thấy trong những câu chuyện sẽ kể sau, thì bố Mario chắc chắn là người mà Jorge nói chuyện dễ dàng nhất. Năm 1957, khi Jorge 21 tuổi, anh đã thổ lộ với bố bí mật lớn nhất của mình: “Bố à, con đã quyết định; con muốn làm linh mục.” Anh đã làm chịu chức bốn năm sau ngày anh xưng tội (xem Ơn gọi), anh đã mở tâm hồn ra để theo ý Chúa, một biến cố rọi sáng, thậm chí có thể nói một biến cố có nhiều khía cạnh siêu nhiên.

Nhưng “rất tin tưởng vào cha mình có nghĩa là gì?” Có nghĩa là trong những lúc khó khăn, mình nghĩ có người hiểu mình, chẳng hạn trong lúc đau đớn phải rời nhà để vào chủng viện*. Đó là ki mình tin chắc mình sẽ được cha mình nâng đỡ chứ không cản trở mình. Và cha Jorge không lầm.

Người cha quá tâm đến quyết định của con mình. Ông bằng lòng. Chắc chắn ông hỏi con, liệu con đã quyết định đúng chưa, sau đó ông dành phần báo tin cho vợ biết, và như dự đoán trước, mẹ của cha Jorge rất buồn.

Regina Sivori là người có lòng tin nhưng quyết định của con chưa thuyết phục được bà. Một mặt bà nghĩ, con mình còn quá trẻ, mặt khác bà xem Jorge đã lớn, sẽ đi làm và hướng đời mình vào một con đường khác. Đó là tất cả những gì bà hình dung cho cuộc đời của Jorge. Ngày Jorge vào chủng viện, bà không đi theo, dù vậy, ngày chịu chức của Jorge, bà ngồi hàng ghế đầu, bà quỳ gối để nhận phép lành của con mình.

Nhưng những lời dịu hiền nhất vẫn là lời của bà nội Rosa: “Nếu Chúa gọi con thì con nhận ơn Chúa. Nhưng con đừng quên cánh cửa nhà mình lúc nào cũng rộng mở cho con, sẽ không bao giờ có ai trách con nếu con quyết định đi về.”

* Ngày 7 thế giới 6-2013, ngài trả lời cho một sinh viên:  “Điều này đối với cha là khó. Vì có những lúc mình cảm thấy trơ trọi, không có niềm vui nội tâm. Nhưng thật đáng công để đi theo Chúa Giêsu và con cứ thế mà đi tới đàng trước. Rồi sẽ đến những giây phút tuyệt đẹp. Nhưng không ai được nghĩ rằng sẽ không có khó khăn trong cuộc sống.

Tội lỗi

Nghe Đức Bergoglio nói về tội lỗi thì thật là kinh ngạc. “Với tôi, cảm thấy mình là người có tội là một trong những cảm nhận đẹp nhất của một người”, ngài nói trong một quyển sách phỏng vấn. Bởi vì cảm nhận lầm lỗi, xấu hổ, ý thức mình sai có thể trở nên lời mời gọi cực mạnh dẫn đến tòa giải tội gần nhất. Tòa giải tội không phải là “tiệm nhuộm”, cũng không phải là nơi tra tấn, nhưng là nơi mình được gặp Chúa. Cảm thấy mình là người có tội lúc đó là một chuyện tốt, một chuyện đẹp, thậm chí đó là “điều đẹp nhất có thể xảy ra”, vì nó làm cho mình đi đến với Chúa, Đấng luôn luôn chờ để tha thứ cho chúng ta. Không cảm thấy mình có tội là nhường chỗ cho tính tự đủ, không cần đến Chúa và nhiều khi dẫn đến tâm trạng tuyệt vọng, cho rằng tội của mình không thể tha thứ được. Nhưng không có tội nào mà Chúa không tha, bởi vì không có tội nào lớn hơn sự cao cả của Thiên Chúa. Và đó là quan điểm mà Đức Bergoglio không ngừng lặp đi lặp lại để mọi người nghe. Lòng thương xót và tội là những chữ ngài dùng nhiều nhất.

Trẻ con

Manuel, 9 tuổi, nhảy phóc xuống giường không chờ mẹ đánh thức dậy.

– Manuel, mẹ nghĩ là ngày hôm nay phải không con?

– Ngày hôm nay là ngày gì vậy mẹ?

– Ngày lễ của Bergoglio?

– Vì sao mẹ biết?

Têrêsita quá biết con mình. Bà biết trong năm chỉ có ngày này là cu cậu nhảy phóc ra khỏi giường mà không cần mẹ đánh thức, vì hôm nay là Ngày lễ Trẻ con của cha Bergoglio. Cả khu xóm nghèo chung quanh ngôi trường Colegio Maximo và của giáo xứ Thánh Giuse ở San Miguel đều biết ngày lễ đặc biệt này có được là nhờ cha Bergoglio. Một ngày lễ dành cho trẻ con ở đây, những đứa trẻ không biết thế nào là lễ, là quà, là nước ngọt, tất cả những thứ ngon lành cho trẻ con. Một ngày lễ cho trẻ con sống trong bùn lầy nước đọng, ngủ trong lều trong láng trại.

Vậy mà cha Bergoglio làm gì? Một ngày lễ duy nhất cho trẻ con.

Giáo xứ chật ních: ít nhất cũng có 5000 trẻ con và nếu bạn có kinh nghiệm với trẻ con và với giáo xứ thì bạn sẽ thấy tổ chức một sự kiện với đông người tham dự như thế này không phải là chuyện dễ!

Họ đã làm gì? Họ diễn kịch, nhân vật là các gương mặt phiêu lưu lớn của những người làm chứng cho đức tin. Nhân vật được yêu chuộng là các nhà truyền giáo Dòng Tên đang trên đường đi vào rừng và đương nhiên câu chuyện cuộc đời thánh I-Nhã là câu chuyện các trẻ em rất yêu thích.

Có hai trò chơi: thò chơi bình thường và trò chơi với quả banh. Cũng có những giây phút cầu nguyện, đố vui giáo lý và đương nhiên là có ăn uống. Nhưng giây phút được các em mong chờ nhất, đó là giây phút được nhận quà. Những giây phút chờ vô tận trước khi được ôm món quà trong tay. Một bầu khí hứng khởi truyền lan đến các em từ đầu đến chân. Đó là lần đầu tiên chúng vừa được mừng lễ Noel, mừng lễ Ba Vua, lễ sinh nhật của chúng, lễ khuyến khích và lễ Thánh Lucia. Một món quà duy nhất cho cả năm. Và hạnh phúc thay, có Đức Bergoglio, nếu không thì chẳng có gì hết.

Nhưng tìm đâu cho ra 5000 món quà? Lại tặng không! Óc tưởng tượng của cha Dòng Tên này thì vô bờ: ngài đi khắp các cửa tiệm trong thành phố để xin – vào thời đó, ngài chưa làm giám mục. Rồi ngài đến những gia đình có con đã lớn, ngài xin họ đồ chơi không dùng nữa và thường đó là đồ chơi đã bị gãy. Ngài có một nhóm học sinh ở trường Colegio, các tu sĩ Dòng Tên tương lai, họ là chuyên gia sửa đồ chơi. Vậy là có một ngày lễ phi thường.

 

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch