Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello
Cha xứ
Năm 1980, khi Đức Bergoglio 42 tuổi, cha đã trải qua một kinh nghiệm rất quan trọng: cha vừa được chỉ định làm giám đốc trường Colegi Maximo San Miguel ở Buenos Aires, vừa làm cha xứ ở nhà thờ San José, ngay bên cạnh trường, đây là một khu vực cực kỳ nghèo khổ. Đối với các sinh viên trẻ, những linh mục Dòng Tên tương lai nhìn cách vị giai đoạn này làm việc là kinh nghiệm lớn nhất mà họ có thể có. “Cha luôn thúc đẩy chúng tôi đến với giáo dân. Ngài nói với chúng tôi: các con đi ra đường kéo các em bé đem về dạy giáo lý cho chúng, các con đi thăm người bệnh và ở gần họ. Và đúng vậy, vì các con chưa là linh mục, các con không phải là bác sĩ cũng không phải là y tá, các con cũng không thể đem đến cho họ viên thuốc nhức đầu. Nhưng các con phải ở với họ, phải sống giữa họ,” 30 năm sau họ còn kể cho tôi nghe như vậy.
Ngày xưa ngài đã sống thế nào thì bây giờ ngài cũng sống y như vậy: ngài thích sống giữa mọi người, ngài sống giữa họ mà không tỏ ra mình có uy quyền, không hàng rào chắn, không tiền hô hậu ủng, ngài hết sức đơn giản. “Khi chúng tôi chịu chức, giáo dân nói họ đã quen với chúng tôi từ lâu. Ông biết tại sao không? Vì Đức Bergoglio muốn chúng tôi không bao giờ được sống khép kín trong Trường, chúng tôi luôn ở giữa người già, trẻ em, những người lao động, giữa chó gà và bùn lầy nước đọng. Chúng tôi gọi nhau là anh em. Và lần đầu tiên khi chúng tôi ngồi tòa giải tội, chúng tôi nghe các đau khổ của giáo dân như đã nghe từ bao nhiêu năm qua.” Còn cha xứ Bergoglio như thế nào ư? Y hệt như ngày hôm nay. Ngay cả những người biết ngài từ lâu cũng khó mà giải thích điều này: hôm nay, mọi sự hoàn tất hơn, mọi sự chín muồi hơn.
Chính trị
Khi còn trẻ, Đức Bergoglio rất thích chính trị nhưng ngài không hoạt động chính trị, ngài đọc rất nhiều tài liệu về chính trị. Nhất là các tạp chí cộng sản: Nuestra Palabra và Propositos. Ngài khẳng định ngài chưa bao giờ là người cộng sản. Trong cương vị giám mục, ngài cũng không làm chính trị, dù ngài không im lặng khi biết có những người nghèo bị đau khổ, bị khai thác, bị bất công. Nhưng những chuyện này, trước hết là từ Phúc Âm. “Đối với Kitô hữu, dấn thân vào con đường chính trị là một nghĩa vụ, ngài nói với một sinh viên trẻ của trường Dòng Tên hai tháng sau khi được bầu chọn. Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta không được “rửa tay như quan Philatô”. Chính trị là điều quá dơ bẫn nhưng tôi tự hỏi tại sao, tại sao Kitô hữu không dấn thân vào đó với một tinh thần Phúc Âm”
“Cha Bergoglio sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, cha lần chuỗi mỗi ngày, luôn luôn”, những người biết cha đều nói như vậy, họ nhấn mạnh: “luôn luôn, luôn luôn.”
Ngày hôm đó, ngài có buổi họp với các linh mục trong địa phận. Buổi họp chia làm hai phần: buổi sáng và buổi chiều nhưng buổi họp buổi sáng kéo dài hơn dự định và trời thì nóng. Thời khóa biểu làm việc không được tôn trọng như dự trù. Nhưng dù sao thì sau buổi ăn trưa mọi người đồng ý tạm ngưng họp và đi nghỉ một chút. Trong thời gian đó, các khách mời của buổi chiều bắt đầu đến. Trước hết họ tụ họp với nhau ở dưới, sau họ kéo nhau lên cầu thang. Họ nghĩ các giám mục đã vào phòng làm việc: nhưng ngược lại, căn phòng hoàn toàn trống. Trên ghế vẫn còn để giấy tờ và các ghi chú nhưng đã đến giờ mà vẫn chưa có ai. Gần như không có ai. Nhưng ở cuối phòng, cha Bergoglio ngồi gần cửa sổ, đầu cúi xuống, tràng chuỗi trong tay, cha ở đó và đang cầu nguyện. Trong khi các giám mục đi nghỉ, vị giáo hoàng tương lai ngồi đó, ngài cầu nguyện. Chỉ có một mình ngài, duy nhất ngài.
Không có hình minh họa nhưng các học sinh trẻ ở trường Colegio Maximo minh họa còn hơn cả hình. Trong những năm Bergoglio làm hiệu trưởng trường, trường có một chuồng heo: mỗi ngày phải đem thức ăn và nước uống đến cho heo ăn. Các học sinh thay phiên nhau làm việc mỗi tuần, mỗi ngày, dù mệt, dù phải dơ bẩn tay chân, ông hiệu trưởng cũng làm.
Không có một công việc thấp hèn nào mà Bergoglio không làm với các học sinh. Các học sinh này bây giờ còn nhắc lại: “Cha không bao giờ ra lệnh mà ngồi nhìn. Ngài làm gương cho chúng tôi.”
Cô đơn
“Tại sao… tại sao cha từ chối mọi giàu có của một giáo hoàng để đi sống ở một phòng nhỏ bên cạnh?”, một nữ sinh viên ở Viện Lêô XIII hỏi ngài trong một buổi gặp gỡ với các trường do các tu sĩ Dòng Tên phụ trách (ngày 7 tháng 6-2013). Câu trả lời ngay lập tức và thật phi thường: “Vì các lý do tâm lý. Ngài nói thêm: “Đó là cá tính của cha. Hơn nữa, các căn hộ của dinh giáo hoàng cũng không phải là sang trọng, con yên tâm… Nhưng cha không thể sống một mình, con hiểu chứ? Không phải vì đức tính riêng của cha nhưng vì cha không thể sống một mình.”
Chúng ta hãy thử ghép lại các cá tính của Bergoglio: cha không có thư ký, cha không muốn người khác làm việc của cha, cha không muốn có tài xế và ở Argentina, cha tự lo việc di chuyển. Cha luôn luôn đi tìm một hình thức cô đơn nào đó, vì rất nhiều người muốn ở trong vòng thân thuộc của cha, một hình thức kiểu “triều đình”. Và ngài thì từ chối kiểu triều đình này. Vậy thì? Vậy thì không phải ngài sợ “cô đơn”, vì đời sống của ngài là đời sống tu sĩ. Chữ đúng sẽ là: cô lập. Ngài sợ bị cô lập. Không phải vì sẽ có cái gì xảy đến cho ngài nhưng là linh mục, dù cho là giáo hoàng, người ta không thể sống trong võ bọc, được che chở tất cả. Hay ít nhất: “đó không phải là cá tính của cha.”
Không, Giáo hội không phải là một cơ quan Phi Chính Phủ, có nghĩa là một tổ chức không thuộc chính quyền, một tổ chức chỉ làm việc nhân đạo. Dù cho Giáo hội làm này làm kia, nhưng Giáo hội không phải chỉ làm chừng đó. Đó là một trong những ý tưởng thiết thân của Đức Phanxicô.
Một tổ chức Phi Chính Phủ là một cơ quan, một văn phòng nơi mọi người đến làm việc cho một dự án. Giáo hội, ngài nói, là câu chuyện của một tình yêu mà chúng ta tham dự vào, nơi không phải chỉ có hiệu năng mới đáng kể. Các văn phòng cũng quan trọng nhưng không phải là điều thiết yếu cho Giáo hội. giá trị đích thực của Giáo hội là sống Phúc Âm và làm chứng nhân cho đức tin.
Ngày 13 tháng 12 năm 1969, một vài ngày trước khi được Tổng giám mục Ramón José Castellano phong chức, Jorge Bergoglio viết một lời cầu nguyện mà ngài đặt tên là “Credo,” đó là kim chỉ nam cho cuộc đời ngài. Mấy ngày sau khi ngài được bầu chọn, lời cầu nguyện này được nữ ký giả Ý Stefania Falasca đăng trên nhật báo Avvenire, nhật báo của các giám mục Ý.
“Con muốn tin Chúa là Chúa Cha, yêu thương con như con, con tin Chúa Giêsu là Chúa, đấng thổi Thần Khí vào cuộc đời con để làm cho con vui cười và dẫn dắt con đến sự sống đời sau.
Con tin vào câu chuyện đời con, đi dưới ánh nhìn yêu thương của Chúa, đấng, vào ngày mùa xuân, 21-09 đến tìm con để mời con đi theo Ngài.
Con tin vào nỗi đau của con, nỗi đau làm cho con cằn cỗi vì tính ích kỷ, con lại ẩn nấp trong tính ích kỷ này.
Con tin vào tính bủn xỉn của tâm hồn con, chỉ tìm cách để nhận mà không cho… không cho.
Con tin nơi lòng tốt của người khác và con phải yêu thương họ mà không sợ hải, không bao giờ phản bội họ để mưu cầu an toàn cho mình.
Con tin vào đời sống tu trì.
Con tin là con muốn yêu thương rất nhiều.
Con tin vào cái chết mỗi ngày, nóng bỏng mà con muốn trốn nhưng lại cười với con, mời gọi con chấp nhận.
Con tin vào lòng kiên nhẫn của Chúa, đón nhận con, tốt lành như một đêm hè.
Con tin cha của con đang ở trên trời, bên cạnh Chúa.
Con tin cha Duarte (cha giải tội ngày 21-09) cũng ở trên trời, cầu bàu cho đời tu trì của con.
Con tin Đức Mẹ, Mẹ của con, thương con và không bao giờ bỏ con một mình.
Và con hy vọng vào sự ngạc nhiên mỗi ngày, qua đó thể hiện tình yêu, sức mạnh, phản bội, tội lỗi, sẽ theo con cho đến lúc gặp gỡ cuối cùng khuôn mặt tuyệt vời mà con chưa biết bởi vì con cứ vuột khuôn mặt này hoài, khuôn mặt mà con muốn biết và yêu thương. Amen.
Linh mục Duarte nói trong bản tuyên xưng đức tin này là linh mục đã giải tội lần đầu vào mùa xuân năm Jorge Mario 17 tuổi . Một cuộc gặp gỡ quyết định để khám phá ra tiếng gọi của Chúa.
Công thức để làm phép lạ
Nếu nhật báo El Literal ở Santa Fe giựt tít “Các phép lạ của linh mục Bergoglio” thì chúng ta cũng nên biết đâu là công thức để làm phép lạ? Chúng ta có thể đặt ngay trên bàn hai phụ gia sau: đức tin và quên mình. Hay: đức tin và hy sinh. Hay: đức tin và tình yêu cho những người chịu đựng. Nhưng chắc chắn là có công thức và chính Đức Bergoglio cho chúng ta công thức.
Ngài làm khi ngài chú giải đoạn Phúc Âm nói về chuyện bánh và cá được nhân lên: “Các môn đệ lo vì không có đủ bánh cho đám đông – nhưng họ tin vào Lời Chúa.”
Trong Giáo hội cũng như trong xã hội, có một từ khóa mà chúng ta không nên sợ, đó là từ đoàn kết, có nghĩa là giao vào tay Chúa những gì chúng ta có, khả năng khiêm tốn của chúng ta, bởi vì chỉ trong sử chia sẻ, trong ơn sủng mà cuộc sống chúng ta được phong phú, được mang hoa trái! Đoàn kết, đó là công thức để làm “phép lạ” của cha Bergoglio.
Công việc
Năm thứ ba trung học là một năm nhiều bất ngờ cho Jorge nhưng cũng dễ hiểu cho một gia đình di dân ở những năm 50 của thế kỷ trước. Thân phụ Mario có một ý thức nghĩa vụ về lao động rất rõ ràng, ông ra quyết định: “Cha đã suy nghĩ kỹ, hè này con có thể làm việc. Cha sẽ tìm việc cho con.” Jorge không ngờ và quá ngạc nhiên: ở nhà không thiếu gì! Mục đích của người cha không phải là phụ gia đình về mặt kinh tế nhưng để cho con mình quen với việc làm tay chân. Trong vòng hai năm, Jorge chùi dọn trong một hãng làm bít tất, sau đó qua làm việc trong văn phòng quản trị. Tiếp theo thì chàng thanh niên trẻ vào làm việc ở phòng thí nghiệm Hickhetier và Bachmann, cha làm việc buổi sáng, buổi chiều đi học ở phân khoa hóa học chuyên ngành thực phẩm.
Khi nghĩ về những năm tháng này, Bergoglio cảm nhận một lòng biết ơn sâu xa với người cha đã hướng dẫn mình và biết ơn những người ngài đã gặp.
Ai hơn giáo hoàng, người đã từng làm việc, là “kỹ thuật viên”, người thông cảm với công việc làm, niềm vui cũng như các khó khăn của giáo dân nam nữ mà ngài gặp mỗi ngày?
Cử chỉ
Đối với Đức Phanxicô, dấu hiệu của quyền lực là tính dịu dàng. Thánh Giuse là gương mẫu của ngài. Thân sinh Chúa Giêsu là một người “vững mạnh, can đảm, một người lao động nhưng tâm hồn ngài tỏa ra một sự dịu dàng vô cùng, tính dịu dàng không phải là một đức tính của người yếu nhưng ngược lại, nó diễn tả sức mạnh của tâm hồn, của khả năng quan tâm, thấu cảm, đích thực mở lòng ra với người khác, có một khả năng yêu thương. Chúng ta đừng sợ lòng tốt, đừng sợ phải tỏ ra dịu dàng!”
Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngài đi trên xe giáo hoàng hàng giờ để gặp giáo dân, để ôm hôn giáo dân; cũng không ngạc nhiên khi thấy xe rời Quảng trường Thánh Phêrô để ngài có thể nhìn và chào mọi người, tất cả mọi người, xe vòng qua đường Conciliazione, chạy đến cùng và rồi dừng trước một bà cảm động vì ngài chào bà, ngài đã cúi xuống lượm túi xách của bà bị rớt. Đúng, chuyện đã xảy ra như thế.