Làm sao vượt lên bảy cám dỗ? Như người cha thiêng liêng, Đức Phanxicô trả lời cho các tu sĩ công giáo ở Ai Cập
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-04-29
Đức Phanxicô có buổi cầu nguyện với các hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Ai Cập. Cuộc gặp gỡ này diễn ra ở vườn đại chủng viện của Tòa Thượng phụ công giáo Ai Cập Saint-Léon-le-Grand, thuộc khu phố Maadi, phía nam Cairô. Đây là nơi đào tạo các chủng sinh nhận chức thánh.
Cự lại với cám dỗ: đó là điều trong tư cách người cha thiêng liêng, Đức Phanxicô muốn giảng dạy các tu sĩ và các người công giáo tận hiến ở Ai Cập trước khi lên máy bay về Rôma. Sau khi nêu ra nội dung cụ thể của các cám dỗ, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Cự lại với các cám dỗ này là điều có thể làm được, nếu chúng ta ghép vào Chúa Giêsu”.
Chiều thứ bảy 29 tháng 4, lúc 3 giờ chiều, Đức Phanxicô đã có buổi cầu nguyện ở chủng viện Maadi riêng với người công giáo. Ngài nói với các thượng phụ cũng với các tu sĩ công giáo thánh hiến Ai Cập.
Trước hết Đức Phanxicô đi một vòng với chiếc xe golf gặp đám đông khoảng 1500 người trước khi dự buổi cầu nguyện ở vườn chủng viện Coptic, nơi đào tạo khoảng ba mươi chủng sinh.
Thượng phụ Ibrahim Abraham Sidrak và Linh mục Toma Adly Zaky, giám đốc Đại Chủng viện đã xin Đức Phanxicô cầu nguyện: “Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng con, để các chủng sinh không trách Chúa vì chúng con, vì sự phục vụ của chúng con”.
Nghi thức Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với Thánh vịnh 120: “Chúa gìn giữ con khỏi mọi sự dữ” và bài Tin Mừng: “Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian…”.
Không thất vọng, không bi quan
Đức Phanxicô nói: “Các con đừng sợ gánh nặng hàng ngày, gánh nặng của các tình trạng khó khăn mà một số trong các con phải trải qua. Chúng ta kính thờ Thánh Giá, khí cụ và dấu hiệu của sự cứu rỗi. Ai tránh Thập giá, người đó tránh sự Sống Lại!”, ngài muốn ám chỉ đến các hiểm nguy mà các tín hữu kitô phải đối diện với nạn khủng bố.
Trong bài giảng của mình, Đức Phanxicô nêu lên bảy cám dỗ: “hướng dẫn thay vì buông trôi”, “không than vãn hoài”, “không ngồi lê đôi mách và ghen tương”, “không so sánh với người khác”, “đừng có tinh thần vua phraông”, có nghĩa là chai cứng tâm hồn và đóng cửa với Chúa và với anh em”. Và cũng không được có cám dỗ “cá nhân hóa”, “đi không định hướng, không mục đích”.
Với “cám dỗ hướng dẫn thay vì buông trôi”: “Người mục tử có bổn phận phải hướng dẫn đàn chiên, không được để buông trôi vì thất vọng và bi quan. Người mục tử luôn an ủi trìu mến đàn chiên dù tâm hồn họ đau đớn. Họ là người cha khi người con biết ơn mình nhưng nhất là khi người con vô ơn. Lòng trung tín của chúng ta với Chúa không bao giờ được tùy thuộc vào lòng biết ơn của con người”.
“Cám dỗ than vãn liên tục”: đó là “luôn lên án người khác, lên án bề trên vì các thiếu sót. Tu sĩ tận hiến là người mà qua dầu của Thần Khí biến mọi trở ngại thành cơ hội, chứ không thoái thác trước mọi khó khăn!”
Điều đó, là rất xấu
“Cám dỗ ngồi lê đôi mách và ghen tuông”: “Đó là chuyện rất xấu, ngài nói ngoài văn bản và được vỗ tay nhiệt liệt. Hiểm nguy nghiêm trọng khi một người tận hiến, thay vì giúp các người nhỏ lớn lên và vui với thành công của anh chị em mình thì lại để thói ghen tuông chiếm ngự và trở nên người làm tổn thương người khác vì thói ngồi lê đôi mách của mình”.
“Cám dỗ so sánh với người khác”: “So sánh với người giỏi hơn thường làm cho chúng ta rơi vào hiềm thù; so sánh với người kém hơn thì lại làm chúng ta kiêu ngạo và lười biếng”. Đức Phanxicô khuyên nên “sống trong sự khác biệt cá tính, đặc sủng, ý kiến của người khác, và trong sự lắng nghe, trong tinh thần dễ bảo theo Thần Khí”.
“Cám dỗ cá nhân hóa. Như một ngạn ngữ Ai Cập nói rất đúng: “Sau tôi là nạn hồng thủy” (vỗ tay). Đó là cám dỗ của những người ích kỷ, trên đường đi, họ đánh mất mục đích, thay vì nghĩ đến người khác, họ nghĩ đến chính họ, họ không cảm thấy một chút xấu hổ nào, ngược lại, họ còn biện minh cho họ”.
“Cám dỗ đi không định hướng, không mục đích”. Người tu sĩ tận hiến sống với quả tim chia sẻ một bên là Chúa, một bên là đời sống thời thượng. Họ quên đi tình yêu thuỏ ban đầu của mình”. Theo Đức Phanxicô, thuốc chữa cho bệnh này: “Không phải dễ để cự lại với cám dỗ này, nhưng có thể được nếu chúng ta ghép vào Chúa Giêsu: ‘Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế nếu không ở lại trong Thầy”.
Đức Phanxicô khuyên các tu sĩ nên theo gương của các tổ phụ trong sa mạc: “Phẩm chất đời sống tận hiến của chúng ta tùy thuộc vào đời sống thiêng liêng của chúng ta”.
Sau buổi nói chuyện với các tu sĩ, Đức Phanxicô ra phi trường để về lại Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch