Đoàn kết, Hy vọng, Trìu mến

349

Vatican Insider | Andrea Tornielli

Pope Francis speaks during the TED Conference, urging people to connect with and understand others, during a video presentation at the annual scientific, cultural and academic event in Vancouver, Canada, April 25, 2017. / AFP PHOTO / Glenn CHAPMAN (Photo credit should read GLENN CHAPMAN/AFP/Getty Images)

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có một đoạn video trên TED, diễn đàn diễn thuyết ở Vancouver, Canada. TED là một tổ chức hội nghị của Hoa Kỳ, được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận The Sapling Foundation, và từ năm 1990, đã tổ chức các hội nghị về nhiều vấn đề văn hóa, khoa học và hàn lâm.

Ba từ khóa chính của Đức Giáo hoàng trong bài diễn thuyết này là “Đoàn kết, Hy vọng, Trìu mến.”

Sau đây là bản dịch toàn văn bài diễn thuyết của Đức Phanxicô trên TED

“Tôi rất thích chủ đề của TED, là “The future you” – “Tương lai là bạn”, bởi khi vừa nhìn vào ngày mai, chúng ta cũng được mời gọi đến một cuộc đối thoại hôm nay, nhìn về tương lai qua một “you”, qua “bạn.” Tương lai được tạo thành nhờ bạn, nhờ những cuộc gặp gỡ. Cuộc sống không chỉ là thời gian trôi qua, mà sống là tương tác.

Khi tôi gặp gỡ, hoặc lắng nghe những người bệnh, người di dân phải đối mặt với muôn trùng khó khăn khi tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn, những phạm nhân trong tù mang nỗi đau cùng cực trong lòng, những người trẻ không tìm được việc làm, tôi thường tự vấn: “Sao là họ mà không phải là mình?” Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình di dân, bố của tôi, ông bà của tôi, cũng như những người Ý khác, đã lên đường đến Argentina và mang lấy số phận những người chẳng còn gì trong tay. Tôi có thể có kết cục như những người “bị thải loại” thời nay. Và vì thế tôi luôn luôn tự hỏi mình, luôn có câu hỏi sâu trong tim mình: “Sao là họ mà không phải là mình?”

Tôi hy vọng TED sẽ giúp nhắc chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta đều cần nhau, không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một cái tôi tự trị tự tác, tách biệt khỏi người khác, và chúng ta chỉ có thể xây dựng tương lai bằng cách sát cánh với nhau… Chúng ta không thường nghĩ về điều này, nhưng tất cả mọi sự đều kết nối với nhau, và chúng ta cần phục hồi mối liên kết của mình cho lành mạnh. Những phán xét khắc nghiệt trong lòng tôi đối với anh chị em mình, cả vết thương mở không bao giờ lành, cả lời xúc phạm không bao giờ được tha thứ, ác ý khiến tôi đau lòng, tất cả đều là những ví dụ của một cuộc chiến trong lòng tôi, một tia lửa sâu trong lòng cần được dập tắt trước khi bùng lên thành ngọn lửa thiêu rụi tất cả.

Vì thế, tôi hy vọng sự phát triển của khoa học và đổi mới công nghệ có thể đi kèm với một sự công bằng và dung nạp xã hội lớn hơn nữa. Thật tuyệt vời nếu tình đoàn kết, một từ rất đẹp và nhiều lúc lại khó nói, không chỉ đơn thuần bị hạn chế trong công tác xã hội, nhưng được trở thành thái độ căn bản trong những chọn lựa chính trị, kinh tế và khoa học, cũng như trong mọi mối liên hệ giữa người với người, giữa các dân tộc và quốc gia.

Chỉ khi mọi người có tình đoàn kết đích thực, mới có thể thắng được “nền văn hóa thải loại” một thứ không chỉ liên quan đến thức ăn và vật dụng, nhưng trước và trên hết, là nói đến những con người đang bị những hệ thống kinh tế-công nghệ loại ra một bên, những hệ thống xem hàng hóa là trọng tâm chứ không phải con người.

Nhưng đoàn kết không phải là một cơ chế tự động. Không thể lập trình hay điều khiển đoàn kết. Đoàn kết là một phản ứng tự do phát sinh từ tâm hồn của mỗi một con người. Phải, đó là một lời đáp trả tự do! Ý định tốt và cách làm theo quy ước, những từ quá thường được dùng để xoa dịu lương chúng ta, là không đủ. Chúng ta hãy biết giúp đỡ nhau, hãy nhớ rằng tha nhân không phải là một phân tích hay một con số. Tha nhân là một khuôn mặt con người. Tha nhân là một hiện hữu có thật, một con người cần được chăm sóc.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu là câu chuyện về nhân loại thời nay. Đường đời con người bị giằng xéo với đau khổ, khi mà mọi sự đều quay quanh tiền bạc và vật chất, thay vì con người. Và lối sống này của những người tự xưng mình là “đáng trọng”, của những người không quan tâm đến tha nhân, nó để mặc hàng ngàn con người, hay thậm chí là cả một dân tộc nằm hấp hối bên vệ đường… May mắn thay, cũng có những người đang tạo dựng một thế giới mới bằng cách chăm sóc cho tha nhân, thậm chí cả khi bị hao hụt tiền túi của mình. Mẹ Teresa đã nói rằng: “Người ta không thể yêu thương, nếu tình yêu đó không chạm đến túi tiền của họ.”

Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, và chúng ta phải làm cùng nhau, nhưng làm sao chúng ta có thể làm được thế giữa muôn vàn sự dữ nhan nhản mỗi ngày? Qua bóng tối của những cuộc xung đột thời nay, mỗi một người chúng ta có thể trở thành một ngọn lửa sáng, một lời nhắc nhở rằng ánh sáng sẽ thắng bóng tối, và không bao giờ ngược lại. Với các Kitô hữu, tương lai có một cái tên, và tên nó là Đức Cậy hay Hy vọng. Hy vọng không phải là ngây thơ lạc quan và làm ngơ tấn bi kịch mà nhân loại đang đối diện. Hy vọng là nhân đức của một tâm hồn không khóa mình trong bóng tối, không chìm trong quá khứ, không đơn thuần say đắm trong hiện tại, nhưng biết nhìn về tương lai. Hy vọng là cánh cửa mở ra tương lai. Hy vọng là hạt giống sự sống khiêm nhượng ẩn giấu, đến một ngày sẽ trở thành cây lớn sum suê. Hy vọng hệt như men làm cho cả khối bột dậy lên, đem hương vị cho mọi khía cạnh cuộc sống.

Và hy vọng đó có thể là bạn. Và rồi có thể là một “bạn” nữa, rồi một “bạn” nữa, và cuối cùng là “chúng ta.” Khi đạt đến mức “chúng ta” là ta có hy vọng sao? Không. Hy vọng bắt đầu từ “bạn”. Còn khi có được “chúng ta” thì đó là bắt đầu một cuộc cách mạng.

Và tôi muốn nói đến cách mạng của trìu mến, một tình yêu gần gũi và chân thật. Đấy là một vận động từ trái tim, đến đôi mắt, đôi tai, và đôi tay. Trìu mến nghĩa là dùng đôi mắt của mình để nhìn người khác, dùng đôi tai của mình để lắng nghe người khác, nghe tiếng nói của trẻ em, của người nghèo, của những người lo sợ tương lai. Cũng hãy lắng nghe tiếng kêu trầm lặng của ngôi nhà chung, của trái đất đang bị ô nhiễm của chúng ta. Trìu mến nghĩa là dùng đôi tay và trái tim của mình để an ủi người khác, để chăm lo những ai đang cùng quẫn.

Trìu mến là ngôn ngữ của trẻ em, của những người cần đến người khác. Tình yêu của một đứa trẻ dành cho mẹ và bố của mình, lớn dần lên qua những âu yếm, cái nhìn, tiếng nói và sự trìu mến của bố mẹ. Tôi thích mỗi khi nghe các ông bố bà mẹ nói chuyện với con mình, đứng vào vị thế của đứa bé, chia sẻ mức độ giao tiếp của nó. Đây là trìu mến, là đứng ở cùng mức độ của người khác. Đây là trìu mến, là hạ mình xuống cùng mức độ của người khác. Thiên Chúa đã tự hạ chính mình thành con người, để ở cùng mức độ với chúng ta.

Trìu mến là con đường của những người mạnh nhất, dũng cảm nhất. Trìu mến không yếu đuối, mà là kiên cường. Đây là con đường của đoàn kết, con đường của khiêm nhượng. Xin cho tôi nói thật rõ thật to: càng quyền lực bao nhiêu, hành động của bạn càng có tác động đến mọi người bao nhiêu, thì bạn càng phải có trách nhiệm hành động thật khiêm nhượng. Nếu không, quyền lực của bạn sẽ hủy hoại bạn, và bạn sẽ hủy hoại người khác. Argentina có một câu ngạn ngữ “Quyền lực như uống rượu lúc đói meo.” Bạn sẽ cảm thấy hoa mắt, say rượu, mất thăng bằng, và cuối cùng sẽ làm mình hoặc người quanh mình bị thương. Nếu không gắn kết quyền lực với khiêm nhượng và trìu mến, thì cũng sẽ như vậy. Qua khiêm nhượng và tình yêu thiết thực, thì quyền lực, một quyền lực mạnh nhất cao nhất, trở thành phục vụ, thành một nguồn lực cho sự thiện.

Tương lai của nhân loại không nằm hoàn toàn trong tay các chính trị gia, các lãnh đạo lớn, hay các công ty lớn. Đúng là họ đang giữ một trọng trách rất lớn lao. Nhưng tương lai, hầu như hoàn toàn nằm trong tay những người xem người khác là một “bạn” nữa để kết hợp trở nên “chúng ta”.

Tất cả chúng ta đều cần có nhau.

Và xin hãy nghĩ về tôi với sự trìu mến, để tôi có thể chu toàn trách nhiệm tôi đã được giao phó vì ích lợi của tha nhân, của mỗi một người khác, của từng người các bạn cũng là từng người chúng ta.

Xin cám ơn!”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch