Tinh thần láu lỉnh của Đức PhanxicôĐức Phanxicô trên máy bay đưa ngài từ Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế Rio về Rôma, 29 tháng 7-2013.
La Libération, Bernadette Sauvaget, 25-4-2014
Khi phong thánh hai vị tiền nhiệm, Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II, Jorge Mario Bergoglio tiếp tục ẩn giấu và quay hướng đi của Giáo hội.
Nếu ngài cuốn hút đám đông thì ngài cũng làm cho họ chưng hửng. Chiến thuật tinh vi, chính trị khôn khéo, vị Giáo hoàng Dòng Tên không phải là không lật các con bài của mình lên. Nung nấu trong lòng những xác quyết rất mạnh, ngài đã đặt Giáo hội trên đường rây cải cách. Nhưng không dễ thấy rõ ràng con đường nào ngài muốn đi. Ở Rôma chúa nhật này, Đức Phanxicô sẽ phong thánh hai vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan-Phaolô II (1978-2005) và Đức Gioan XXIII (1958-1963). Với cách làm đột ngột của ngài, Đức Phanxicô đã đẩy nhanh tiến trình ban đầu. Nếu ngài «thừa hưởng» việc phong thánh của Đức Karol Wojtyla – một tiến trình đã khởi sự từ năm 2011, trước khi Giáo hoàng Argentina lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo -, thì chính Jorge Mario Bergoglio đã chọn và quyết định việc phong thánh cho Đức Gioan XXIII. Tự quyết định, ngài vượt qua các thủ tục bình thường, đặc biệt là phải có «phép lạ» được công nhận và phải theo đúng quy trình mới hoàn tất được việc phong thánh.
Ở cuối đường chạy ở Buenos Aires
Chắc chắn tu sĩ Dòng Tên có lòng ngưỡng mộ Đức Gioan XXIII sâu xa, người đã triệu tập Công đồng Vatican II, một công cuộc sửa sang Giáo hội ở những năm đầu 1960. Nhưng tại sao phải phong thánh hai vị này cùng một lúc? Những tháng sau này, thế giới Công giáo lộ ra cho các chú giải sâu đậm các chọn lựa của Đức Phanxicô, nhiều cử chỉ có tính tượng trưng để lại các chỉ dẫn nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chẻ làm đôi việc tôn thờ hai nhân cách này, có thể nào ngài muốn giảm bớt sự huy hoàng của việc phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II, người được cả một thế hệ Công giáo mê mẩn không? Chắc chắn. Ngài chống lại một cách khéo léo các chất vấn, thậm chí những cuộc luận chiến đưa ra do một cuộc phong thánh quá nhanh cho Đức Karol Wojtyla, người chôn hồ sơ ấu dâm không? Có thể. Còn có nhiều bình luận khác. Dù sao, các chất vấn chung quanh việc phong thánh đôi này chỉ là triệu chứng cho những gì Đức Phanxicô đã khơi lên trong Giáo hội Công giáo cũng như bên ngoài. Ngài gieo giao động và khó hiểu, nhiệt tình và trêu chọc, mang đến hy vọng nhưng cũng làm nảy sinh sợ hãi.
Trên thực tế có một khó hiểu nơi Bergoglio. Vị tu sĩ Dòng Tên có nghệ thuật làm chưng hửng. Bằng chứng, sự ngẫu biến đột ngột của ngài, ngay ngày 13-3-2013 được bầu chọn, ngài trở thành một nhà lãnh đạo nồng hậu và có nhiều đặc sủng. Ở Argentina, khi còn làm tổng giám mục địa phận Buenos Aires, ngài được xem như một «chiến sĩ có bộ mặt buồn», lúc nào cũng như «đi đám ma», trốn các bữa ăn của các giáo xứ tổ chức, ít khi cười khi chụp ảnh. Dưới áp lực chính trị, ngài bị chế độ của bà Tổng thống Cristina Kirchner kềm sát kỹ, bà này cuồng hoảng nghi ngài dính vào một âm mưu, đương đầu với những người bảo thủ nhất của Giáo hội Công giáo, Jorge Mario Bergoglio bị suy thoái tinh thần một chút, ngài ở cuối đường chạy. Ngài đã chuẩn bị rời chức vụ, đã đem cho sách vở, đã giữ một chỗ – một căn phòng nhỏ ở tầng trệt –trong nhà hưu dưỡng của các linh mục trong giáo phận ở khu phố Flores, khu phố tuổi thơ ấu của ngài, chỉ cách đường Membrillar nơi ngài lớn lên mười lăm phút đi bộ.
Tháng 7-2013, Đức Mario Aurelio Poli, tân tổng giám mục Buenos Aires đến thăm ngài ở Nhà trọ Thánh Mácta, chính Đức Phanxicô đã cẩn thận chọn lựa người kế vị mình trong các chức vụ cũ của mình, Đức Poli cho phép mình nói lên vài nhận xét. Thực chất, Đức Poli nói rất ngạc nhiên thấy Đức Phanxicô tươi cười ở Rôma, trong khi hồng y Bergoglio ở Buenos Aires ngày xưa thì quạu cọ hơn.
«Tôi biết lèo lái»
Đối với những người biết ngài thì Phanxicô có nghệ thuật tránh né rất tài tình – khéo léo và thường hay dùng – để đi ra khỏi những tình huống bối rối, có năng khiếu hài hước rất nổi tiếng. Lần này, đứng trước Poli, giáo hoàng kêu trời và nói sự thay đổi của mình là do ơn Chúa.
Như thế, có Chúa giúp đỡ nhưng cũng có nghệ thuật bẩm sinh về cử chỉ điệu bộ mà qua đó ngài đánh đúng mục đích. «Tôi mưu mẹo một chút và biết lèo lái», mùa hè vừa qua Phanxicô đã thố lộ như thế với cha Antonio Spadaro, giám đốc báo Civiltà Cattolica (báo của Dòng Tên), trong một cuộc phỏng vấn truyền đi khắp thế giới.
Ở Argentina, các người chống đối ngài, trong lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo, thường cáo buộc ngài có hai loại diễn văn. Trên thực tế, người khó hiểu Bergoglio tạo ra một tình trạng lờ mờ nào đó. Bản chất không thích trói buộc vào hình thức, một cách xuất sắc, tân giáo hoàng luôn luôn làm rối các con bài. Vụ hôn nhân của người đồng tính là một ví dụ điển hình. Ở Âu châu, cựu tổng giám mục Buenos Aires được xem là một trong những người chống đối mãnh liệt nhất. Qua các sự kiện, thái độ của ngài phức tạp hơn. Năm 2002, thành phố Buenos Aires thiết lập một loại hôn nhân dân sự cho những cặp đồng tính, ngay cả mở ra một luật dân sự cho hôn nhân, trừ việc họ không được nhận con nuôi. Qua những thông tin riêng, ngài cho biết ngài không đồng ý, một trong các cộng sự thân cận với ngài cho biết. «Nhưng ngài cũng cho biết ngài sẽ không ra mặt chống đối một cách công khai», theo nguồn tin đó cho biết.
«Đó là người biết chơi bài»
Khi, năm 2010, chính quyền của nữ Tổng thống Cristina Kirchner quyết định cho phép các cặp đồng tính kết hôn, Bergoglio, giữa các giám mục Argentina, biện hộ cho một Giáo hội im lặng nhất có thể, không ra mặt chống đối. Ngay lập tức sau đó, ngài bảo vệ việc thiết lập một chế độ hôn nhân dân sự. Vậy mà lúc đó ngài là chủ tịch hội đồng giám mục, ngài đã hỏng dịp để nói lên quan điểm của mình cho các giám mục khác, những vị bị xếp vào hàng thiểu số của giám mục Hector Aguer giáo phận La Plata, giám mục đứng đầu các giám mục cực đoan. Cuối cùng, sự chống đối của Giáo hội Công giáo ở Argentina không gây nên tiếng vang. Chỉ có một vụ biểu tình phản đối, không có giám mục nào tham dự, quy tụ khoảng 40 000 người ở thủ đô. Bergoglio cương quyết thoái thác không cho tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện chung. Và đã không có tổ chức. Tu sĩ Dòng Tên không phải là không bảo vệ cho những người cực đoan. Tháng 6 năm 2010, trong một bức thư gởi cho các tu sĩ Dòng Kín, giám mục Argentina cho rằng dự luật «từ chối trực diện với luật của Chúa» và đó là «hành động của quỷ». Ít nhất…
Ông Juan Tobias, giám đốc trường đại học tư danh tiếng Đấng Cứu Chuộc ở Buenos Aires, bạn thân từ xưa của ngài, nói ngài là người «florentin». Câu nói lịch sự nhưng nhất là rõ ràng để nói lên tài năng chính trị khéo léo của Phanxicô. «Đó là người biết chơi bài», ông José Ignacio López đồng ý, ông là cựu ký giả viết thời luận trên nhật báo La Nación của Argentina.
Nếu Bergoglio không hé cho biết hành động cũng như các mục tiêu của mình nhưng ngài biết ngài muốn gì. Ngài là người duy nhất, và thường thường là như vậy, biết hướng đi và đích đến. Như khi ngài làm tổng giám mục, làm hồng y và bây giờ là giáo hoàng. Một ít thời gian trước khi rời Buenos Aires, ngài hỏi một tu sĩ của ngài về một cơ hội mở một chủng viện dành riêng cho người trẻ nào muốn trở thành linh mục ở các khu phố nghèo. Một tinh thần làm việc đồng đội và công việc xây dựng đã bắt đầu!
Có năng khiếu chính trị khéo léo, nhân vật được tôi luyện, Bergoglio kiên nhẫn đi tới nhưng đi tới một cách chắc chắn. «Ngài kiên trì và không có gì có thể hạ được ngài», nhà thần học Victor Manuel Fernández cho biết như vậy trong một quyển sách vừa xuất bản (1) của mình, ông là giám đốc trường Đại học Công giáo ở Argentina và là một trong những người chấp bút của Đức Phanxicô. «Bergoglio là người quyền uy. Ngài tham vấn rất nhiều nhưng là người quyết định một mình, cha François Euvé nhận xét, cha là chủ biên báo Etudes và cũng là tu sĩ Dòng Tên. Đó là cách làm việc tiêu biểu trong dòng chúng tôi. Các bề trên tham vấn rất nhiều kể cả với những người họ không đồng ý, họ phân tích các nghịch lý để tôi rèn quyết định của họ.»
Tuy nhiên Bergoglio không thu mình vào ván cờ chiến thuật và chính trị nếu có lờ mờ trên những vấn đề có thể làm ngài bực mình. Đó là một nhà cải cách đích thực cho một Giáo hội đang gặp khủng hoảng, dù đó là Giáo hội ở miền Nam hay miền Bắc địa cầu, lại bị canh tranh bởi các giáo phái Cơ Đốc khác. Phanxicô là con người của những xác quyết mạnh mẽ và sâu đậm, về mặt thần học cũng như chính trị mà mà nước Argentina quê hương của ngài là nơi tôi luyện ngài. Chúng tạo hình cho phong cách giáo hoàng của ngài và giúp cho ngài phác họa các ưu tiên mới cho Giáo hội Công giáo. Đến từ «cuối chân trời», như ngài nói vào ngày được bầu chọn ở ban-công Đền Thờ Thánh Phêrô, trước hết giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh này đã làm cho Giáo hội Công giáo không còn bị ám ảnh phải có một hình ảnh Âu châu. «Ngài không có cùng quan điểm bi quan của hai vị tiền nhiệm đối với các xã hội hiện đại», ông Giovanni Ferro, chủ biên tờ báo Jesus ở Milan nhận xét. Không hài lòng cho sự tiến triển của các phong tục, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI không nhân nhượng, các vị đã neo Giáo hội trong một loại văn hóa của chiến đấu chống lại tính hiện đại. Người này người kia xem Đại lục Cổ này như như thành lủy đặc quyền cho một chiến lược tân Phúc Âm hóa. Trong khi Bergoglio ở Rôma lại nới rộng các chân trời.
Từ những kẻ thù cực mạnh ở Vatican
Đối với các vấn đề của xã hội như việc phá thai và trợ tử, những vấn đề đặc biệt tạo rạn nứt giữa Giáo hội Công giáo và Tây phương, Đức Bênêđictô XVI cho đó là «những giá trị không thương thảo». Đức Phanxicô không thừa nhận từ ngữ này dù ngài chống đối việc phá thai một cách mạnh mẽ. Với tính bi quan gần như độc đoán của các vị tiền nhiệm, ngài chống chủ nghĩa thực dụng mang tính hiện sinh. Được đưa ra từ nhiều năm, một trong những nguyên tắc của Bergoglio là «thực tế vượt lên ý tưởng». Để hiểu ngài, phải để câu này trong đầu vì đó là đường lối hành động chính của ngài. Rất ham thích văn chương và là người ngưỡng mộ văn hào Dostọevski, Bergoglio say mê độ dày nhân bản trong các số phận. Trung thành với cách đào tạo của Dòng Tên, ngài xem con người như một chủ thể của lịch sử, sống trong một văn hóa cá biệt và ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử.
Trưởng môn của các cha xứ làm việc ở trong các khu phố nghèo ở Buenos Aires, linh mục Gustavo Carrara biết cựu tổng giám mục Buenos Aires, người thường xuyên đến Bajo Flores thăm cha, một khu phố của những người nghèo mà cha Carrara làm việc ở đây. «Một trong những nguyên tắc của Bergoglio là xem cuộc đời như thế nào thì tôn trọng như vậy và đi theo như vậy, không phải mong như nó phải vậy», cha giải thích. Ở Argentina, rất nhiều lần ngài kêu gọi phải nghe theo ngài khi ngài biết ù có những cha xứ không muốn rửa tội cho các em bé có mẹ đơn thân. «Với Bergoglio, luân lý của đạo Công giáo không thay đổi nhưng may thay, nó đặt dưới ánh sáng của lòng tha thứ, nhà thần học Laurent Lemoine, chuyên gia về các vấn đề luân lý giải thích. Ngài quan tâm đến người phạm tội nhiều hơn là tội.» Trong quá khứ, «chủ nghĩa tương đối» về luân lý và giáo điều, điều mà người ta thường hay trách cứ các tu sĩ Dòng Tên, đã làm cho Bergoglio bị những người bảo thủ trong Giáo hội nghi ngờ và chống đối. Ở Vatican, ngài luôn luôn có những kẻ thù cực mạnh, trước hết là hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh (tương đương với Thủ tướng chính phủ) của Đức Gioan-Phaolô II, một trong những người có quyền lực của giáo triều Đức Gioan-Phaolô II. Ở Argentina, ngài phải đương đầu với những thủ đoạn của Adriano Bernardini, Sứ thần Tòa thánh. Với những vòng vây này, cựu tổng giám mục Buenos Aires thiếu tính đáng tin.
Các ủy ban, các ban kiểm toán đủ mọi tổ chức
Đứng đầu Giáo hội Công giáo, bây giờ tu sĩ Dòng Tên Argentina là lý do của sự mất quân bình lớn ở Vatican. Các người bảo thủ mất điểm tựa, những điểm tựa xây trên giáo điều và luân lý nghiêm khắc của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Những người «cởi mở» thì họ lo cho sự cải cách chậm chạp, thậm chí thiếu rõ rệt trên các lập trường của giáo hoàng. Ngắn gọn, mỗi người, để thấy một cách rõ hơn, phải tìm hiểu kỹ càng các lời tuyên bố, rất nhiều, của Bergoglio và nghiên cứu để chú giải, một công việc luôn luôn khó khăn. Cho đến lúc này, vì chưa lộ ra tất cả các con bài nên Bergoglio vẫn giữ một cách khéo léo lối vận hành của mình. Nhưng, không ngồi yên, Đức Phanxicô đã đặt các ủy ban và các ban kiểm toán lên đủ mọi tổ chức, từ vấn đề tài chánh ở Vatican đến vấn đề ấu dâm.
Trong các vấn đề đã được mở ra, vấn đề quan trọng nhất là gia đình. Tháng 10-2013, Đức Phanxicô đã triệu tập một Thượng hội đồng giám mục để nghiên cứu về vấn đề này. Từ khi được bầu chọn, Bergoglio đã gây ra một cuộc động não rất nhiều trong Giáo hội, bỏ thì giờ ra để nhận định và để lượng giá các kháng cự (một cách làm đặc biệt của Dòng Tên), nhưng lại tạo ra rất nhiều mong chờ và căng thẳng. «Giáo hoàng này thích khiêu khích», Iacopo Scaramuzzi chẩn đoán, ông là chuyên gia về Vatican của hãng thông tấn Ý TMNews, năm ngoái ông là một trong hiếm người thấy được sự nổi lên rất mạnh của Bergoglio ngay trước khi mật nghị bắt đầu và trước khi nhắm tới bầu chọn.
Từ phong cách của Phanxicô, từ cuộc sống đơn sơ, từ sự gần gũi với đám đông, tất cả đều đã được nói lên hoặc gần như tất cả. Chỉ trong vài tháng, Phanxicô đã giải mã giáo quyền, cắt đứt một truyền thống, một lịch sử mà thực chất có tính cách rất Âu châu, người đứng đầu Giáo hội theo kiểu vua chúa hơn là người hướng dẫn đời sống thiêng liêng. «Vatican đã sống một thời vua chúa», ông Iacopo Scaramuzzi khẳng định. Về mặt thần học, Bergoglio đã lay chuyển tận gốc giáo quyền. «Tôi là kẻ có tội», ngài nói với giám đốc tờ báo Civiltà Cattolica khi tự mình mô tả về mình. «Đây là nhận biết khả năng nhầm lẫn của mình, François Euvé, chủ biên tờ báo Études giải thích. Ngài không tự xem mình là cột trụ của Giáo hội. Đối với ngài, chân lý không phải là điều tuyệt đối, chân lý phải đi tìm.» Với những điều xác quyết mà ngày hôm qua giáo hoàng thần học Bênêđictô XVI còn khăng khăng giữ thì bây giờ được thay thế bằng một thời kỳ suy nghĩ để cụ thể hóa việc cải cách, và giáo hoàng Phanxicô, bậc thầy thiêng liêng, đã nhìn thấy thời gian của mình ở tuổi 77 và các kháng cự mạnh mẽ mà ngài đã tạo ra trong nội bộ Giáo hội của mình.
Mặt khác Bergoglio ít khéo léo với đội ngủ của mình. Kham khổ và đòi hỏi với chính mình, nhân danh các nguyên tắc của Phúc Âm, ngài cũng đối xử như vậy với các linh mục, giám mục, hồng y của ngài. Đối với ngài, vết thương lớn nhất của Giáo hội Công giáo là thói «thời thượng thiêng liêng», thói của các giới chức tu sĩ phòng khách, «giám mục phi trường» mà ngài đả kích và ngài muốn họ về lại giáo xứ, ở giữa giáo dân. «Có một hình thức bài tu sĩ nơi Phanxicô», Iacopo Scaramuzzi nhận định. Bergoglio không thích một Giáo hội tập trung quyền, phẩm trật và giáo quyền, khá tiêu biểu cho cách làm việc của đạo Công giáo. Ở Vatican, ngài cũng dè chừng và lẩn tránh các bộ máy trung gian, ngài thích một Giáo hội của giáo dân, một quan điểm xuất phát từ lịch sử chính trị và thần học của xứ ngài.
Thanh niên Bergoglio lớn lên trong những năm 40 ở Argentina dưới chế độ toàn thắng của Péron. Về mặt chính trị, ngài gần với tổ chức Péron cực hữu, Guardia de Hierro mà ngài giữ chức cố vấn thiêng liêng. Nơi giáo hoàng Argentina, ngài có nét thần bí của giáo dân và tài năng lãnh đạo mang tính đặc sủng. Trong bài viết quan trọng mang tính chính trị năm 2010, Chúng tôi, là công dân. Chúng tôi, là dân tộc, ngài định nghĩa lãnh đạo như sau: «Đó là một nghệ thuật có thể học, ngài nói. Đó là một hiểu biết người ta có thể học hỏi. Đó là một công việc đòi hỏi dấn thân, cố gắng và bền bỉ. Nhưng nhất là, một huyền nhiệm mà người ta không bao giờ có thể giải thích bắt nguồn từ một lý luận lôgic.»
Một «diễn văn có tính xã hội» của Giáo hội
Ở Rôma, Phanxicô thu hút đám đông là bằng chứng cho mối liên hệ huyền nhiệm này. Tuần vừa rồi, ngày chúa nhật Phục Sinh, 150 000 tín hữu, một con số kỷ lục, đã tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô. Mỗi sáng thứ tư, đứng trên chiếc xe Jeep trắng, ngài chào hàng ngàn người Công giáo tham dự buổi tiếp kiến chung, chụp áo đá banh, ôm hôn trẻ em, ngừng xe để chào người này người kia bạn Argentina của ngài lạc trong đám đông. Theo cách của một nhà lãnh đạo được lòng quần chúng, thành công trên toàn thế giới, đã củng cố sự hợp pháp của mình vượt quá cả sự hợp pháp mà các hồng y đã bầu chọn ngài. Ở Vatican, Đức Phanxicô muốn trước hết là giải quyền trung ương của Giáo hội, trọng tâm của cải cách của ngài, vì, theo quan điểm chính trị của ngài, mỗi dân tộc thể hiện trong chính lịch sử riêng của mình, văn hóa cá biệt của mình.
Theo thuật ngữ địa dư-chính trị, người ta sẽ nói giáo hoàng là người bảo vệ cho một thế giới đa cực. Từ nhiều năm nay, Bergoglio đã phê phán rất mạnh chủ nghĩa toàn cầu hóa. Về mặt kinh tế cũng như văn hóa. Theo quan điểm của ngài, toàn cầu là một thể chế hủy hoại các nền văn hóa và bản sắc của mỗi dân tộc. Ngược với sự bức chế của anglo-saxon, ở Argentina, ngài là người ủng hộ nồng nhiệt cho một quốc gia latinô-mỹ. «Một mình, chia tách, chúng tôi ít đáng kể và sẽ không đi đến đâu. Đó là ngõ cụt, buộc chúng tôi thành những khúc đoạn bên lề, nghèo đi và lệ thuộc vào những thế lực lớn của thế giới», ngài viết năm 2011.
Sự dấn thân về mặt xã hội của Đức Phanxicô, một trong những điểm mạnh triều giáo hoàng của ngài, bám neo trong quan điểm thần học và chính trị của dân tộc ngài. Trọng tâm là người nghèo vị vứt ra ngoài ven biên, bị sự «toàn cầu hóa của lòng dửng dưng» nghiền nát, bị khinh miệt trong chuyến đi tiêu biểu ở Lampedusa tháng bảy năm ngoái. Bergoglio tố cáo một «nền văn minh của hàng hóa vứt đi», xuất phát từ những tác hại do chủ nghĩa tự do kinh tế. Từ quan điểm của ngài, người nghèo không những chỉ là người bị bức hại hay bị loại trừ mà còn bị xem như «thặng dư», nhất là những người trẻ không có việc làm, người già bị bỏ rơi cho số phận. Sự tố cáo mạnh mẽ này đã gieo rối loạn trong hàng ngũ những người Công giáo bảo thủ. «Ngài đã để bài diễn văn có tính xã hội vào trọng tâm các vấn đề Giáo hội phải quan tâm, ông Giovanni Ferro nhận xét. Theo tôi, giáo hoàng Phanxicô còn hơn cả nhà cải cách. Ngài là nhà cách mạng vì ngài muốn một Giáo hội tận căn với Phúc Âm. Trong quan điểm của ngài, sự lựa chọn người nghèo không phải là một chọn lựa mà là một mệnh lệnh tối thượng.»
Với những cải cách khác, Bergoglio còn có thì giờ. Ngài đã mở hồ sơ những người ly dị muốn tái hôn mà theo luật Công giáo đã bị cấm không được lên rước lễ. Cuộc thảo luận này chưa được thắng ở Pháp, đã lay động rất mạnh trong giới Công giáo, giữa những người muốn để tình trạng giữ nguyên và những người muốn kỹ luật được nhẹ bớt. Qua nhiều dấu hiệu khác nhau, mà theo thói quen của ngài là không quá rõ ràng, Đức Phanxicô cho thấy ngài muốn có một sự tiến triển. Việc các người ly dị muốn tái hôn mà ngài sẽ quyết định vào năm 2015 sẽ là một thử nghiệm. Nếu những kháng cự nội bộ trở nên quá mạnh thì giáo hoàng sẽ giữ nguyên đó. Nếu không, ngài sẽ mở hồ sơ, ngay lập tức, nổ tung, cũng như cho đàn ông đã lập gia đình làm linh mục.
- «Những gì Phanxicô nói với chúng ta» («Ce que nous dit François»), Victor Manuel Fernández (éd. de l’Atelier).
Marta An Nguyễn dịch