Hình: những người chống đối đường lối chính trị của Donald Trump viết lời kháng cự ở Washington ngày 3 tháng 2 vừa qua. / Drew Angerer/AFP
la-croix.com, Jean-Claude Raspiengeas, đặc phái viên ở Richmond (Virginia) và Washington, 2017-04-20
Ba tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tại chức, giới trí thức Mỹ tiếp tục lo lắng. Nhưng họ cũng “xét mình” khi đứng trước tình trạng cắt đứt sự trao truyền các giá trị cao cả của dân chủ, một tình trạng được thấy rõ trong lần bầu cử này.
“Lòng tôi chùng xuống”. Đó là thành ngữ rất Mỹ thường nghe trong các câu chuyện để diễn tả sự rối loạn của tầng lớp ưu tú khi họ bàng hoàng trước một sự việc. “Tôi bị xuống tinh thần”. Đó là câu nói giới trí thức thốt ra sau khi Donald Trump trúng cử. Với một cảm nhận bất lực như đang ở trong cơn ác mộng trường kỳ mà sự học việc của tân tổng thống không làm cho họ nhẹ bớt lo âu. Ngược lại là đàng khác.
“Tôi không chờ để được như vậy, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên. Dù sao thì trời đật cũng đã sụp đổ trên đầu tôi”, ông Douglas Wilder công nhận. Ông Douglas Wilder là nghị sĩ da đen đầu tiên ở bang Virginia từ sau Chiến tranh Ly khai Mỹ (1861-1865), thống đốc da đen đầu tiên ở Virginia, thị trưởng da đen đầu tiên ở Richmond, trong văn phòng ông, bằng cấp, huy chương treo đầy tường, cho thấy một quá trình gương mẫu ở tiểu bang miền Nam lâu ngày ly khai này. “Rất nhiều người đi bầu cho rằng các người đại diện họ không đại diện cho họ. Và họ có lý”.
Sự ghê tởm nơi những người có học
Ở Richmond, thành phố đại học uy tín có 60 000 sinh viên trong tổng số 200 000 người dân, người dân xem vụ bầu cử này là một vụ xấu xa. Bà Françoise và Peter Kirkpatrick, giáo sư môn văn minh Pháp thú nhận: “Chúng tôi không cách nào làm dịu cơn sốc mà chúng tôi cảm nhận trong lòng khi thấy một người kỳ thị, ghét đàn bà, bài ngoại, không kinh nghiệm vào Nhà Trắng. Từ ngất ngưỡng trên cao chức vụ của mình, qua tài khoản Twitter, người có tính khí bốc đồng này huênh hoang hùng biện cho bạo lực và các đối thủ. Ông cho treo chân dung tổng thống Andrew Jackson trong Phòng Bầu Dục. Người tiền nhiệm xa xuôi của ông (1829-1837) là người kích động hận thù và kỳ thị. Tổng thống Jackson là người bảo vệ chế độ nô lệ, người ca tụng việc đày ải người thiểu số In-điên, đó là tổng thống có trách nhiệm lớn lao trong việc chia rẽ dân tộc Mỹ ở thế kỷ 19. Và đó là gương mẫu của ông Trump…”
Đóng chặt trong hầm trú Washington, ông chỉ về dinh cơ kếch sù của ông ở Florida, nơi có hàng loạt khách sạn cho những người cực kỳ giàu, ông gọi đó là “Nhà Trắng mùa đông”, giữa hai ván golf, ông tiếp các nguyên thủ Quốc gia nước ngoài. Đó là điều đã làm cho các nhà trí thức ghê tởm, đau lòng khi thấy người chạy theo lợi nhuận, người đi chiếm nhà trống (squatter) vào Phòng Bầu Dục và huyênh hoang cho mình là người đại diện dân chúng, trong khi ông không hội đủ đa số phiếu của người dân Mỹ.
Bà Lidia Radi giáo sư tiếng Ý và tiếng Pháp giải thích: “Tôi cảm thấy mình như ở sau một tai ương thiên nhiên. Ở trường đại học, ngài hôm sau Donald Trump trúng cử, một bầu khí thinh lặng bất bình thường ngự trị. Tôi nhớ mình bị dính trong suy nghĩ, tôi có một căn nhà và trong bầu khí kỳ cục này, đó là thực tế vững vàng duy nhất” .
Tại trường đại học Richmond, bang Virginie, tiểu bang nơi ông Douglas Wilder là thị trưởng da đen đầu tiên, việc bầu ông Trump bị xem như khó chấp nhận. / Steve Helber/AP
“Nền dân chủ như chúng tôi biết đã chấm dứt!”
Bà Anne, giáo chức ở Washington, bà không cho tên thật, bà ở trong danh sách các công chức tin vào sự thay đổi khí hậu mà ông Trump yêu cầu Bộ Môi trường, bà giải thích: “Chiều ông Trump trúng cử và nhất là sáng hôm sau, tôi có cảm tưởng như đời tôi thay đổi hoàn toàn. Đối với tôi, ông Trump là hiện thân của bảy mối tội đầu”. Chồng của bà là ông Leonard, ông cũng không cho biết tên thật, ông nói: “Từ đó chúng tôi nghe những bài diễn văn đáng lo ngại mà chúng tôi chưa hề nghe, ngay cả cũng không dám ngờ tới trong môi trường nghề nghiệp của chúng tôi, những bài diễn văn không e dè, những bài diễn văn cay độc. Ông Trump đã phóng ra những lời hận thù”.
Đứa con gái nuôi người Mêhicô 11 tuổi của họ sợ bị “trục xuất”, em xin cha mẹ trấn an dù em có hai quốc tịch. Dấu hiệu em không được trấn an, được hỗ trợ bởi các bài diễn văn chống nước Mêhicô của em, là trang mạng tiếng Tây Ban Nha của Nhà Trắng đã bị xóa mất.
Bà Maryse Fauvel và ông Bruce Campbell, hai vợ chồng giáo sư Đại học Williamsburg tuyên bố: “Nền dân chủ như chúng tôi từng biết đã chấm dứt. Đất nước chúng tôi bây giờ được cai quản như cách cai quản của một ngân hàng, dưới quyền của vị vua chuyên chế, theo chế độ gia đình trị, thưởng công cho bạn bè và mỗi buổi sáng tuyên bố chiến tranh chống các thể chế nền tảng”. Họ lấy làm tiếc nước của họ bây giờ tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ, chuộng vẻ bề ngoài, văn hóa bị bôi nhọ bởi những chuyện tình cảm và đơn giản hóa quá mức.
Cố gắng giải thích
Tuy nhiên sự xuống tinh thần lớn lao hiện nay là dịp để xét mình. Ông bà Maryse và Bruce thú nhận: “Chúng tôi nghĩ đến chuyện này mỗi ngày. Vai trò xã hội của chúng tôi là giảng dạy các giá trị cao cả và trao truyền nó. Chúng tôi đã thất bại”. Giáo sư văn chương so sánh, ông Anthony Russell nghĩ, “điều cấp bách bây giờ là đừng sản xuất thêm các bài diễn văn trí thức tách rời với thực tế và phải phân tích sâu đậm chọn lựa này, dù chọn lựa này không có lý lẽ”.
Trong cố gắng giải thích này là cảnh chạy tán loạn, lộn xộn của những người theo dân chủ, chọn lựa đáng bàn cãi của Hillary Clinton, cá nhân mình đã bỏ rơi các tầng lớp xã hội đang đau khổ, đã chuộng những người nhà giàu. Kẻ mị dân Donald Trump lún sâu ở đây và tài nói phét của kẻ phỉnh phờ đã hấp dẫn những người mà không còn ai muốn nói chuyện với họ.
Donald Trump chôn luôn nguyên tắc thiêng liêng của nước Mỹ: sự thật. Trước ông, nói dối là chuyện cấm. Nixon đã bị cất chức vì chuyện này, Bill Clinton cũng vì thiếu sự thật mà ở trên bờ vực thẳm. Nói dối không hối cải, không ngại ngùng, Donald Trump đã đưa xứ sở vào kỷ nguyên “hậu sự thật”, vào thế giới của những “tin tức sai sự thật”, của những “sự việc xoay qua xoay về” mà mỗi ngày ông viết các câu tweet cau cú giận dữ.
Ông Richard L. Morrill, viện trưởng viện đại học Richmond, tác giả các tác phẩm về luân lý và các giá trị dân chủ, đồ đệ của triết gia Paul Ricœur và triết gia Emmanuel Levinas rụng rời: “Khẳng định cho rằng quyền lực là quan trọng hơn sự thật, đó là làm điều xấu cho toàn nhân loại. Nước Mỹ cũng như nước Pháp luôn mang các giá trị phổ quát. Cứ tấn công họ bằng những lới nói dối liên tục, muốn đặt lại vấn đề quân bằng các quyền lực, đó là làm rung chuyển cơ sở nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta. Ai biết được tương lai sẽ như thế nào.”
Hành động và hy vọng
Đi từ hoài nghi và tuyệt vọng, bây giờ là giận dữ và hành động. Từ hôm “Bước đi của phụ nữ” được tổ chức ở Washington ngày 21 tháng 1, ngày hôm sau ngày Donald Trump nhậm chức, mà sự thành công của phong trào này làm mọi người ngạc nhiên, một sự kháng cự đã bắt đầu thành hình. Ông Henry Selick, người thực hiện chương trình “Noel kỳ lạ của ông Jack và bà Coraline” nhấn mạnh: “Từ nhiều tháng nay, tôi có cảm tưởng tôi bị nện liên tục. Từ khi chiến tranh Việt Nam đến nay, tôi chưa bao giờ thấy có một cuộc huy động mạnh như vậy”.
Ngày qua ngày, tuần qua tuần, các nhóm công dân đã hành động ở tầm mức địa phương, làm áp lực trên các dân biểu, nhắc họ mỗi ngày phải đứng trước trách nhiệm của mình, ngăn họ không được bầu cho bất cứ ai, không được đồng ý với các hoang tưởng của Donald Trump và các ý thức hệ đáng nghi ngờ đang hướng dẫn ông. Theo giáo sư Leonard, ông cho rằng “từ đây đến sáu tháng nữa, ông Trump sẽ bị trừng phạt” nhưng theo bà Anne, vợ của ông, thì “cứ làm cho nước Mỹ chống người khác thì sẽ gây chiến tranh”.
“Chắc chắn, ba tháng cai trị trong hổn độn và không đoán trước được này, Donald Trump đã làm cho chúng ta xa lý tưởng của Tổng thống Jefferson “cai trị của dân chúng, bởi dân chúng và cho dân chúng”, ông Douglas Wilder nhìn nhận như trên với tất cả sự khôn ngoan của một người 87 tuổi, ông là cựu thống đốc đảng Dân chủ của tiểu bang Virginia, ông nội của ông là người nô lệ. Ông cho biết: “Nhưng hệ thống vững chắc của nước Mỹ “kiểm tra và cân bằng”, một hệ thống nghiên cứu và chống lạm dụng quyền lực, sẽ ngăn bất cứ tổng thống nào đi quá xa và quá lâu. Không chối cãi đâu được, rõ ràng chúng ta đang đi qua một thời kỳ khó khăn. Nhưng xin quý vị tin tôi, trong đời sống lâu dài của tôi, tôi đã thấy những chuyện rất xấu. Vì lý do này, những ngày đẹp trời sẽ trở lại. Và mọi sự sẽ đâu vào đó.”
“America”, tạp chí của kháng cự
Bà Toni Morrison thú nhận với báo America: “Khi ông Trump thắng cử, tôi bàng hoàng. Tôi lả đi một, hai ngày, tôi không tài nào phản ứng gì được, tôi không nhấc tay nhấc chân lên được. Bà Morrison là văn sĩ được Giải Nobel văn chương. Báo America là tân tạp chí tam cá nguyệt do các ông Éric Fottorino và François Busnel thành lập. Được thiết lập chỉ để phát hành trong nhiệm kỳ của Donald Trump, diễn đàn này là tiếng nói của các văn sĩ qua khả năng sáng rọi của văn chương, đáp ứng cho sự rối loạn về mặt tinh thần của số đông người dân Mỹ, bị mất định hướng vì ông Donald Trump. Bà Toni Morrison năm nay 86 tuổi, bà biết mười bốn đời tổng thống Mỹ. Bà tuyên bố: “Trump là tổng thống nguy hiểm nhất trong các tổng thống mà chúng tôi có. Ông không những nguy hiểm cho nước Mỹ mà còn nguy hiểm cho sự quân bình của hành tinh. Đó là một người lèo lái xảo quyệt khủng khiếp. Ông lèo lái. Tất cả và tất cả mọi người.” America (Nước Mỹ như bạn chưa bao giờ đọc). Số 1, mùa xuân 2017.
Marta An Nguyễn dịch