fr.aleteia.org, Mark Esnault, 2017-03-20
Nhờ sáng kiến của bà Isabelle Fleury người Pháp lưu vong ở Jordania mà 25 phụ nữ ở các trại tị nạn gặp nhau mỗi tuần một lần để uống cà phê và… để đan len!
Bà Isabelle Fleury 54 tuổi là vợ của một nhân viên ngoại giao, bà bắt đầu tìm hiểu về Trung Đông. Bà thành lập tổ chức Amman “Kim đan len ở Mossoul” với 25 phụ nữ tị nạn họp nhau lại đan len, sau đó bà bán các sản phẩm này ở Pháp.
Bà Isabelle giải thích: “Phải tạo công việc để họ có việc để làm, để mưu sinh và nhất là giúp họ gặp nhau, trao đổi với nhau”. Bà Isabelle là mẹ của sáu đứa con, tháng 9 vừa qua bà đến Amman, ngay lập tức bà muốn giúp các tín hữu kitô Irak ở đây, họ phải bỏ nhà ra đi để trốn chiến tranh. Bà cho biết: “Khi còn ở Pháp, chúng tôi cầu nguyện rất nhiều cho các tín hữu kitô ở Irak, nên tôi đã rất quan tâm đến vấn đề này” .
Hẹn nhau hàng tuần
Bắt đầu từ tháng mười, các bà họp nhau mỗi chiều thứ năm để đan áo quần trẻ con, mũ, chăn mền, bít tất, khăn quàng ở một căn phòng của trụ sở SOS Tín hữu kitô Trung Đông. Một chiến công vì bà Isabelle cho biết, “ít người trong số họ biết đan!”.
Bà Isabelle giải thích: “Nếu đối thoại đôi khi khó vì hàng rào ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ của điệu bộ thì rất hiệu quả”. Đa số trường hợp, chỉ cần một nụ cười là đủ. Và kết quả được thấy ngay: sản phẩm càng ngày càng có chất lượng và nhất là về mặt tinh thần. Dần dần qua các cuộc gặp gỡ, họ bắt đầu nói chuyện, nụ cười của họ ngày càng tươi. Bà Isabelle khen ngợi: “Nivine, một cô gái trẻ khi mới đến rất ốm yếu gầy còm, bây giờ cô nặng thêm vài kí-lô và là người đan giỏi nhất nhóm”. Trong căn phòng nhỏ này, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần xã hội gặp nhau ở đây, trong thành phố Mossoul của họ, gần như đây là điểm chung duy nhất đã nối kết các thành viên của cộng đồng nhỏ này.
Jordania, miền đất biệt xứ của tín hữu kitô
Bà Jeanne lấy làm tiếc khi trở về Amman: “Thật là rắc rối, không ai dự trù cho tương lai gần của mình ở Trung Đông, ai cũng hướng về Tây phương và chờ hộ chiếu. Những người tôi gặp, họ không nghĩ họ về nhà mình trong một thời gian ngắn sắp tới”.
Từ khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng xâm chiếm vùng này, hàng ngàn người Irak, chính yếu người gốc Mossoul và đồng bằng sông Ninive đã bỏ xứ ra đi, đa số họ đến Jordania. Nếu ở đây họ tránh được các bạo lực thì điều kiện tiếp nhận người tị nạn ở đây rất khó khăn: các gia đình chen chúc nhau trong 5-6 mét vuông, họ chờ chiến tranh chấm dứt hay một lối thoát nào đó.
Chưa từng có ở Israel
Sinh hoạt này là sinh hoạt đầu tiên của bà Isabelle. Từ năm 2009 đến năm 2012, hai vợ chồng đặt hành lý đến đất Jérusalem. Quan tâm đến cảnh nghèo khổ của một vài gia đình Palestina ở Hébron, bà Isabelle Fleury mở một cửa hàng để bán các sản phẩm do người Palestina làm như xách, ví, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Tiền lời có được dành để giúp các gia đình nghèo ở Gaza. Một công việc bà tiếp tục làm ở Jordania năm nay.
Thông tin về tổ chức của bà Isabelle Fleury: Groupe Facebook.
Les Aiguilles de Mossoul
Jeanne Fleury- 0659086261
3 rue André Chenier
92130 Issy-Les-Moulineaux
Marta An Nguyễn chuyển dịch