Một năm trên Instagram với Đức Phanxicô

142

Radio Vatican, 2017-03-17

Giám mục Lucio Adrian Ruiz, Tổng thư ký Quốc vụ viện Truyền thông Tòa Thánh: Hình ảnh và lời của Đức Phanxicô trên tài khoản Instagram là chứng tá của lòng thương xót trong lãnh vực xã hội.

Ngày 19 tháng 3-2016, Đức Phanxicô mở tài khoản Instagram @Franciscus, trang mạng xã hội nơi chia sẻ hình ảnh và video. Một năm sau, tài khoản của ngài có 3,5 triệu người theo và mỗi tuần có 10 triệu người nhìn các hình ảnh này. Về tầm quan trọng của Đức Phanxicô trên các trang mạng xã hội, ký giả Alessandro Gisotti đã phỏng vấn Giám mục Lucio Adrian Ruiz, Tổng thư ký Quốc vụ viện Truyền thông Tòa Thánh, giám mục nhắc đến việc Đức Phanxicô gặp nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom năm ngoái:

Cách đây một năm, chúng tôi mở tài khoản Instagram. Các kỷ niệm thì rất nhiều, đó là giây phút thật phong phú. Nhưng điều tốt đẹp nhất là buổi gặp của Đức Phanxicô với nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom, ông đến trình bày cho Đức Phanxicô mục đích chính trong việc truyền bá sứ điệp kèm theo hình ảnh. Đức Thánh Cha đã đáp ứng, ngài nói về thần học qua hình ảnh, như Giáo hội luôn dùng hình ảnh như phương tiện để gần với giáo dân, để dạy giáo lý. Ngài nói đến một kinh nghiệm quan trọng: “Khi tôi đến gần các em, các em không muốn nói chuyện vì các em rụt rè, nhưng khi các em đưa cho tôi xem một hình ảnh, tôi hỏi hình ảnh này là gì, và thế là các em hết rụt rè, các em bắt đầu kể đủ chuyện về các em… Điểm bắt đầu để đối thoại là hình ảnh, vì thế chúng ta phải làm chương trình này”.

Đức Phanxicô đến với Instagram với sứ điệp: “Cha muốn đồng hành với anh chị em trên con đường của lòng thương xót và tình dịu dàng với Chúa”. Khi đó chúng ta đang ở trong Năm Thánh Lòng thương xót, nhưng cha có mang tình dịu dàng mà Đức Giáo hoàng nói lên các trang mạng xã hội?

Có, chắc chắn có. Trong các phản hồi chúng tôi theo dõi mỗi ngày, chúng tôi làm bản tóm tắt những điểm quan trọng nhất trong những gì hàng triệu người viết và chúng tôi nhận thấy, giáo dân đã hoàn toàn đón nhận ý tưởng này. Chẳng hạn khi chúng tôi đăng hình Đức Phanxicô ban phép lành, hình ngài ôm một em bé, một người bệnh, thì y như rằng chúng tôi nhận các tin nhắn: “Vòng ôm này là của con… Con xin cám ơn cha vòng ôm này: hôm nay con rất cần nó”. Giáo dân nhìn Đức Giáo hoàng ôm một người, họ cảm nhận như họ được ôm. Có thể có những người đang nằm bệnh viện, những người sẽ không bao giờ đến Rôma để nhìn Đức Giáo hoàng và chỉ với các diễn tả qua kỹ thuật số, họ cảm nhận như đây là kinh nghiệm riêng của họ.

Trong rất nhiều hình của năm nay của Đức Phanxicô, có hình nào đặc biệt đánh động cha không?

Khi Đức Phanxicô cầu nguyện, vì ngài truyền đi ý nghĩa huyền nhiệm được ở bên cạnh Chúa: đưa hình ảnh sâu đậm của thinh lặng này lên Internet tạo được phản ứng này của cầu nguyện, của suy niệm… Và còn nhiều hình ảnh rất mạnh, rất cảm động khi ngài ôm ấp vào lòng một người bệnh, một em bé, một người lớn tuổi, vòng ôm này trở nên thần học cơ thể đã được làm, đã được sống đơn giản như thế.

Đức Giáo hoàng đã tạo những hình ảnh xúc động đến tâm trí nhiều người, kể cả những người không tin. Hình ảnh của ngài đi đôi với lời, chẳng hạn các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta. Bài học nào cho các nhà truyền thông, đặc biệt các nhà truyền thông kitô hữu?

Chúng ta ở trong thời văn hóa kỹ thuật số. Theo chữ của Đức Bênêđictô XVI là “đại lục số”, một thực tế chúng ta phải đi vào và sống với người ở đó, Giáo hội không thể không có mặt ở đó và phải vào đó với cùng năng lực của các nhà truyền giáo khi họ khám phá một đại lục khác, một thực tế khác. Các nhà truyền giáo đã làm gì? Họ đã nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ địa phương để họ có thể làm cho người dân biết Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta đối diện với văn hóa số với những người sống trong môi trường này, thì chúng ta phải học ngôn ngữ của họ, phải để Chúa Giêsu ở trong văn hóa này vì đó là năng động của Nhập thể. Lời trở thành da thịt ở giữa chúng ta, hòa với văn hóa của thời buổi chúng ta, nói ngôn ngữ của thời buổi này… Và đó là bổn phận của Giáo hội: luôn hội nhập văn hóa của thời mình sống để cho một sứ điệp hy vọng. Đâu là sứ vụ của các nhà truyền thông? Đó là truyền tải hy vọng của Tin Mừng ngay trong thực tế này. Vì thế sứ vụ đầu tiên của chúng tôi là phải biết ngôn ngữ này, văn hóa này, năng động này vì không phải dễ để chuyển đổi từ môi trường này qua môi trường kia, bạn không thể để riêng phần này phần kia vì như thế thì công việc không chạy, bạn không hiểu họ, không theo họ được! Ở đây có một ngôn ngữ riêng của chính nó và vì thế bạn phải học; nó có năng động riêng của nó và chúng tôi phải học; học để truyền thông với ngôn ngữ này, một ngôn ngữ của tình yêu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch