Tác động của Canh tân Đặc sủng vẫn còn lớn vô cùng
la-croix.com, Céline Hoyeau, 2017-02-17
Chính vào cuối tuần tĩnh tâm từ 17 đến 19 tháng 2-1967, các sinh viên trường Đại học Duquesne (Pittsburgh) nước Mỹ đã khai sinh phong trào Canh tân Đặc sủng. Nhà xuất bản Béatitudes vừa phát hành quyển sách chứng từ của tác giả người Mỹ Patti Mansfield và các tác giả khác thời đó, nhân dịp kỷ niệm 50 năm, năm Kim khánh của Canh tân Đặc sủng.
Năm mươi năm sau, ngày 18 và 19 tháng 2-2017, bà Patti Mansfield sẽ tham dự cuộc họp tại trung tâm “Arche và Colombe” với những người có trách nhiệm trong phong trào Canh Tân ở Pittsburgh, nơi bà đã sống “cuối tuần ở Duquesne”. Nơi này đã được mua lại để trở thành trung tâm quốc tế hội họp và hành hương của phong trào Canh Tân.
Báo Thập giá: Từ 50 năm nay, bà đã chứng kiến sự ra đời của phong trào Canh tân Đặc sủng… Xin bà kể lại kỷ niệm tháng 2-1967.
Patti Gallagher Mansfield: Tôi được nuôi dạy trong một gia đình công giáo, lớn lên tôi muốn đi học ở một Đại học công giáo và năm 1964, tôi đến Đại học Duquesne Chúa Thánh Thần do các linh mục Dòng Chúa Thánh Thần đảm trách. Tháng 2 năm 1967 tôi gia nhập nhóm học Thánh Kinh và chúng tôi có khóa tĩnh tâm về sách Công vụ Tông đồ. Ban tổ chức yêu cầu chúng tôi đọc bốn chương đầu sách Công vụ, đọc Thánh giá và dao găm, câu chuyện của mục sư tin lành David Wilkerson làm việc với những người nghiện ngập. Tôi được đánh động khi đọc sách Công vụ Tông đồ, qua các thay đổi có tính quyết định, đã tác động trên các tông đồ đầu tiên của Chúa Kitô.
Trước cuối tuần đó, tôi cầu nguyện trong phòng trọ sinh viên và nói: “Lạy Chúa, con là người công giáo, con nghĩ là con đã nhận Thần Khí của Chúa xuống trên con, nhưng nếu Thần Khí Chúa muốn làm cái gì thêm cho đời của con, thì xin Chúa làm bây giờ, con rất muốn”. Cuối tuần kế tiếp, chúng tôi một nhóm 25 sinh viên, chúng tôi quỳ trong nhà nguyện hát bài “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, Veni Creator Spiritus”. Ngày thứ bảy chúng tôi nghe một bà trong một nhóm đại kết dạy, tôi không nhớ chính xác bà nói gì về rửa tội trong Chúa Thánh Thần, nhưng điều làm tôi xúc động là sự mật thiết sâu đậm của bà với Chúa Kitô.
Trong phần thảo luận, một trong các sinh viên đề nghị làm một nghi thức nhỏ để làm mới lại bí tích thêm sức của chúng tôi. Vài giờ sau, trong nhà nguyện, David Mangan, tôi và một vài người khác có một kinh nghiệm lạ lùng về sự hiện diện của Chúa. Chuyện này đã làm cho tôi tận hiến đời mình không điều kiện cho Chúa. Lúc đó tôi xét lại cuộc đời của tôi, tôi cảm nhận một cách mật thiết rằng, Chúa có thật và Ngài yêu tôi. Trong những giờ sau đó, các sinh viên khác cũng có kinh nghiệm như tôi: một vài người cười vui, một vài người khóc, cơ thể của họ như bốc cháy, họ ca ngợi Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể.
Từ cuối tuần đó cho đến hôm nay, ước lượng có 120 triệu người công giáo trên thế giới được rửa tội trong Chúa Thánh Thần, lễ rửa tội không nhất thiết làm một cách hoành tráng nhưng qua một lời cầu nguyện của đức tin.
Và từ cuối tuần đó, tinh thần Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này lan rộng trong Đại học Đức Bà, trong các chủng viện, trong các giáo xứ… Cho đến tận Pháp. Tháng 8 năm 1973, tôi tham dự một cuộc họp ở Aix-en-Provence nước Pháp với các người tiên phong của các cộng đoàn mới ở Pháp như ông Laurent Fabre, ông Pierre Goursat (1914-1991), bà Martine Laffitte-Catta…
Năm mươi năm sau, tác động của Chúa Thánh Thần vẫn luôn mạnh mẽ với bà?
Rửa tội trong Chúa Thánh Thần này đã đánh dấu giây phút trở lại của tôi. Nhưng cũng như mọi người, trong năm mươi năm qua, tôi luôn có những thăng trầm. Tôi lập gia đình năm 1973, chúng tôi có bốn đứa con và chín đứa cháu, chúng tôi rất biết ơn vì đã làm việc toàn thời gian cho phong trào Canh Tân ở New-Orleans, bang Louisiana nước Mỹ.
Tôi tuyệt đối tin tưởng ơn được rửa tội trong Chúa Thánh Thần là ơn cho mọi người, không phải chỉ duy nhất cho những người ở trong phong trào. Đức Giáo hoàng cũng đã nói rõ trong lần họp Canh Tân ở Sân Thế Vận Rôma tháng 6 năm 2014 trước 52 000 người công giáo. Ngài đã dùng các chữ của Đức Hồng y Suenens, người được Đức Phaolô VI giao phó cho việc theo dõi phong trào Canh Tân, ngài nói với chúng tôi: “Anh chị em phong trào canh tân đặc sủng, anh chị em là ‘giòng suối ân sủng trong Giáo hội và cho Giáo hội’, đó là căn tính của anh chị em. Tôi chờ anh chị em, để anh chị em chia sẻ với tất cả mọi người, trong Giáo hội, ân sủng Rửa tội trong Chúa Thánh Thần”. Đó là một sứ vụ và một hợp đồng. Trước Đức Phanxicô, ân sủng này cũng được các vị tiền nhiệm của ngài khuyến khích.
Bây giờ, phong trào Canh tân như đi lui…
Cũng như mọi phong trào, chắc chắn rồi. Nhưng tác động của phong trào vẫn còn rất lớn vì có rất nhiều khía cạnh trong đời sống Giáo hội đã được làm mới: Các giáo dân, các phó tế dấn thân trên các châu lục, và ở Mỹ là các sinh hoạt như âm nhạc, giáo lý, làm việc với giới trẻ… Trường Đại học của Dòng Phanxicô ở Steubenville, bang Ohio là một ví dụ, khi đó trường đang xuống dốc, và khi linh mục Michael Scanlan nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần, cha đã mang ân sủng này vào khuôn viên trường đại học (campus) và bây giờ mỗi mùa hè, trường có các khóa hè quy tụ đến 40 000 các em tuổi vị thành niên.
Hình: Họp canh tân đặc sủng quốc tế đầu tiên ở Rôma tháng 5-1975 nhân dịp lễ Hiện Xuống. Archives CIRIC/Archives CIRIC
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch