“Báo Văn minh Công giáo nhìn thế giới qua cái nhìn của Đức Giáo hoàng”

123

la-croix.com, Nicolas Senèze, 2017-02-17

Linh mục Antonio Spadaro ỏ Rôma ngày 4 tháng 12-2013. / M. MIGLIORATO/CPP/CIRIC

Linh mục Antonio Spadaro, giám đốc báo Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica) nói chuyện với báo Thập giá về đường hướng của tạp chí Dòng Tên Ý nhân dịp kỷ niệm số 4000 và việc tạp chí có nhiều ấn bản các ngôn ngữ khác nhau, trong số đó có tiếng Pháp.                  

Báo Thập giá: Dựa trên điểm nào báo Văn minh Công giáo là “biểu kế của Giáo hội” như một nhật báo Ý tóm tắt gần đây?

Linh mục Antonio Spadaro: Đó là biểu kế vì báo đưa ra cái nhìn toàn bộ của Giáo hội trong những năm gần đây. Từ ngày thành lập vào năm 1850, báo Văn minh Công giáo luôn dính liền với lịch sử: lịch sử nước Ý, lúc đó nước Ý chưa là một quốc gia, lịch sử Giáo hội và nhất là lịch sử của các giáo hoàng. Tạp chí luôn phản ảnh cảm nhận của Giáo hội đối với thời cuộc mà Giáo hội đang đi qua.

Cha thấy tạp chí đi tiên phong trong giáo huấn của các giáo hoàng, hay bên cạnh các giáo hoàng?

Tạp chí không có một đường hướng duy nhất và biệt lập. Nhưng Văn minh Công giáo luôn gắn kết với Tòa Thánh. Nếu Phủ Quốc Vụ Khanh luôn đọc lại bản thảo của tạp chí thì mỗi giáo hoàng có một liên hệ khác nhau với tạp chí. Đức Gioan XXIII chính mình đọc lại các bản thảo. Đức Phaolô VI có một quan hệ chặt chẽ với báo và đọc báo hàng tuần. Chúng tôi có thể nói đây là tờ báo có thẩm quyền, luôn hợp ý với tư tưởng của Tòa Thánh.

Điều này không làm cho tờ báo không bị tấn công thường xuyên…

Đó cũng nằm trong chính căn tính của tờ báo. Khi chuẩn bị cho số báo thứ 4000, tôi tham khảo số báo 3000: bài xã luận thời đó có thể viết cho bây giờ! Vào thời đó, Đức Phaolô VI và Giáo hội cũng bị tấn công. Trên thực tế, các tấn công này lại là một đặc huệ riêng, vì qua chúng tôi, chính Đức Phanxicô mà người ta tấn công.

Cha có nghĩ tạp chí bảo vệ Đức Giáo hoàng?

Ngài không cần được bảo vệ! Đức Giáo hoàng là người vững mạnh, ngài đã có kinh nghiệm của những khó khăn và căng thẳng, vì ngài đã sống kinh nghiệm này dưới chế độ độc tài ở Argentina. Các căng thẳng hiện nay có nghĩa là hành động của ngài đang tiến hành vì nó kéo theo các phản ứng. Chúng tôi không muốn bảo vệ giáo hoàng, nhưng chúng tôi đi theo ngài.

Quan hệ có khác khi một giáo hoàng cũng là tu sĩ Dòng Tên không?

Đây là thêm một trách nhiệm! Đức Phanxicô biết rành tạp chí Văn minh Công giáo. Khi tôi gặp ngài ba tháng sau khi ngài được bầu chọn, tôi nhận ra, ngài biết lịch sử tờ báo, các giám đốc tạp chí kế nhau còn nhiều hơn tôi. Với ngài, đó là câu chuyện của một gia đình!

Ngài rất quan tâm đến công việc của chúng tôi và thường phản hồi cho tôi biết mình thích bài báo nào. Trong buổi tiếp kiến với ngài tuần vừa qua, theo ngài, báo Văn minh Công giáo là tờ báo nói lên đúng nhất cái nhìn của ngài về thế giới. Chính vì thế, ngài muốn giám đốc tạp chí tham dự vào trong tất cả chuyến đi của ngài: để nhìn thế giới qua cái nhìn của ngài. Nhiệm vụ của chúng tôi là ứng dụng cái nhìn của ngài  qua thực tế các sự việc, để hiểu, để giải thích và để áp dụng tầm nhìn của ngài.

Bây giờ báo Văn minh Công giáo có ấn bản tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đại Hàn. Như thế là thích hợp với tầm nhìn thế giới của giáo hoàng?

Từ nhiều năm nay, báo đã có các tác giả không phải là người Ý. Điều này đáp ứng với thiên chức hoàn vũ mà trong những năm 1960 linh mục Roberto Tucci giám đốc tờ báo đã nói đến. Nhưng với Đức Phanxicô, sự việc một tờ báo như tờ báo chúng tôi không giới hạn ở chỉ một ngôn ngữ là tiếng Ý, thì rất phù hợp cho chiều kích quốc tế của triều giáo hoàng của ngài.

Trong mấy hàng Đức Phanxicô viết cho số báo 4 000, ngài xác định rõ, chúng tôi phải là “tạp chí của những chiếc cầu”. Các ấn bản đa ngôn ngữ này nói lên thiên chức của chiếc cầu này.

Ấn bản tiếng Pháp là theo yêu cầu của nhà xuất bản Lời và Thinh lặng (Parole & Silence), ấn bản tiếng Tây Ban Nha là của Ibero-Americain, ấn bản tiếng Anh do một nhà xuất bản Á châu thực hiện. Như thế, đây không phải là tờ báo Ý được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng đúng là tờ báo quốc tế có nhiều ngôn ngữ chính để nối kết với nhiều người nhất có thể.

Tờ báo có thể cạnh tranh với các tạp chí Dòng Tên đã có trên các nước khác nhau không?

Trên thế giới, các tu sĩ Dòng Tên có rất nhiều tạp chí với căn tính riêng của mình. Trong lãnh vực tiếng Pháp, báo Văn minh Công giáo có căn tính riêng khác với báo Nghiên cứu (Études) hay báo Kitô (Christus) ở Pháp, báo Chọn lựa (Choisir) ở Thụy Sĩ hay báo Giao tiếp (Relations) ở Canada. Đây là một cách đề xuất khác chứ không là những tờ báo luân phiên.

Marta An Nguyễn chuyển dịch