lavie.fr, Marianne Dubertret và Isabelle Levy-Lehmann, 2017-02-07
Nhà trí thức gốc người Bulgaria Tzvetan Todorov qua đời ngày thứ ba 7 tháng 2-2017, thọ 77 tuổi. Triết gia, sử gia về các ý tưởng, nhà lý luận văn học, ông chuyên về chủ nghĩa toàn trị, văn minh phương Tây và tính khác biệt. Báo Đời sống đã gặp ông năm 2006 nhân dịp ông xuất bản quyển khảo luận Các nhà Phiêu lưu của tuyệt đối (Les Aventuriers de l’absolu, nhà xuất bản Robert Laffont). Chúng tôi đăng lại cuộc phỏng vấn này để tưởng niệm ông.
Sử gia về các ý tưởng, triết gia, nhà ngôn ngữ học, nhà tín hiệu học… Chúng ta không thể khép
Tzvetan Todorov vào trong một ngành chuyên biệt nào. Cả đời, nhà viết khảo luận cố sức “để mô tả, để hiểu thân phận con người”. Một đường hướng chủ đạo toát ra trong chương trình to lớn này: chất vấn về các giá trị, những giá trị xây dựng xã hội Âu châu, những giá trị làm sáng tỏ các dân tộc, các cá nhân, đôi khi các giá trị này bị lu mờ, để cho sự chuyên chế và kinh hoàng tự do hoành hành.
Sinh năm 1939 sau bức màn sắt, Todorov đã lượng định rất sớm cái giá và sự mong manh của tự do. Nhẹ nhàng biệt xứ năm 24 tuổi, đơn giản là để theo đuổi việc học ở Paris, từ đó ông chỉ trở lại Bulgaria trong những ngày ngắn ngũi. Mười tám năm dưới chế độ cộng sản đã định hướng hành trình trí thức của ông. Trong những năm 1960, vì ghê tởm các ý thức hệ, ông lao mình vào lãnh vực nghiên cứu thuần túy văn học, trong tầm ảnh hưởng của thuyết cấu trúc. Ông nói: “Tôi che chắn mình đằng sau tấm màn khoa học”. Nhưng đam mê của ông về việc thấu hiểu tha nhân, về sự đa dạng của con người, về tính phổ cập đã lấn át. Sau đó, ông dốc tâm nghiên cứu cái mà từ đó ông xem là gia đình tư tưởng của mình: chủ nghĩa nhân ái của Montaigne, của Rousseau và của Benjamin Constant. Năm 2000, khi ông làm việc để tái bản quyển Hằng lượng có tên Về Tôn giáo (Constant intitulé De la religion), ông cảm nhận cần trực diện với vấn đề tuyệt đối. Đó là phát sinh của khảo luận Các nhà Phiêu lưu của tuyệt đối, xuất bản năm 2006.
Đối với ông, thách thức là phải tìm các câu trả lời cho câu hỏi phổ biến nhất và cao nhất trong tất cả: làm thế nào để sống một đời sống cho có ý nghĩa? Làm thế nào, trong đời sống hàng ngày chạm được với một lý tưởng, một toàn hảo để có thể biện minh trong mắt của tất cả mọi người, sự hiện sinh? Từ đó, làm thế nào để sống trọn vẹn, sống hạnh phúc? Nguy cơ lớn là đưa ra những câu trả lời mà người ta nghĩ rằng sẽ phổ quát và nỗ lực áp đặt lên tất cả – đó là công thức của tất cả chế độ độc tài toàn trị. Triết gia Benjamin Constant đã viết: “Uy quyền tự hạn chế để chính đáng. Chúng ta lo chuyện hạnh phúc của mình”. Tuy tự do tư tưởng, nếu nó cần thiết cho sự phát triển cá nhân thì tự do này chưa đủ. Sự ủ ê lấn chiếm các dân tộc dân chủ Âu châu đã cho thấy rõ. Vậy đâu là lối thoát? Sẽ là xúc phạm đến Tzvetan Todorov nếu mong chờ ở ông các giải pháp khẩn thiết. Không phải là tư tưởng gia, không phải là người nắm công thức kỳ diệu, tham vọng của ông là soi sáng cho mỗi người trong suy tư về nghệ thuật sống, một nghệ thuật chỉ có thể là cá nhân.
Trong tâm trí của ông, khái niệm tuyệt đối, trọng tâm các tác phẩm của ông có nghĩa là gì?
Chúng ta có thể nói đó là sung mãn và hoàn tựu. Vì vậy nó không tồn tại độc lập với chúng ta, trong một nơi không thể tiếp cận được. Ngược lại, nó nổi lên trong mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể xác định chính xác nó: nó thay đổi tùy theo mỗi người. Chúng ta có thể đến được với nó qua nghệ thuật hay qua cầu nguyện, khi đơn thuần tiếp xúc với thiên nhiên hay trong quan hệ của chúng ta với tha nhân. Mỗi con người là một nhà giả kim, như thi sĩ người Pháp Baudelaire đã nói: nó có thể thay đổi tương đối thành tuyệt đối. Ví dụ, bạn có thể biến đổi một cuộc gặp tình cờ thành một cơ hội bằng vàng mà bằng giá nào bạn cũng không đổi nó. Từ muôn thuở, ở muôn nơi, lúc nào con người cũng đi tìm tuyệt đối. Chúng ta không thể từ bỏ nó – đó là giả định của tôi -, nếu không, chúng ta không còn trọn vẹn là con người.
Việc đi tìm sự vĩnh cửu này có thay đổi khuôn mặt của nó theo thời gian không?
Chúng ta đi từ một khuôn khổ chung đến một tiếp cận cá nhân. Ngày hôm qua, chúng ta đã phải sẵn sàng chết cho Chúa, cho quốc gia, cho tổ quốc. Xã hội đã xác định cho tất cả mọi người một mục đích để đạt tới và một con đường để đi theo. Lịch sử và hiện tại đã không còn làm các tiếp cận này có giá trị. Từ bây giờ, mỗi người phải tiếp cận với vĩnh cửu cho chính mình và bởi chính mình. Dĩ nhiên một số người còn tiếp tục tin ở Chúa, hoặc được thúc đẩy cho một lý tưởng chính trị. Nhưng họ làm theo chọn lựa cá nhân. Họ không cần phải đi theo dòng chảy của một truyền thống, một một hệ thống đã có sẵn.
Vì thế tuyệt đối sẽ không biến đi như những người theo chủ nghĩa hư vô phàn nàn, nhưng chỉ là đi theo một cách mới để khát nguyện?
Các tài liệu thảm khốc mà ông muốn ám chỉ – “Chúng ta không còn tin bất cứ một cái gì nữa, chúng ta bị cơn sốt của chủ nghĩa tiêu thụ nghiền nát…” về mặt xã hội là chính xác. Nhưng họ không nhận ra tất cả thực tế: người ta không thể gạt bỏ tuyệt đối vì nó vốn có trong thân phận con người. Như thế không có sự suy đồi thật sự, mà đúng hơn là sự không có khả năng của mỗi người để khái niệm hóa và nói nên lời sự mong chờ của mình, kinh nghiệm của mình về sự sung mãn. Có thể sự khó khăn này bị nặng hơn vì một hình thức tự kiểm duyệt. Chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa Xta-lin, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đã làm mất sự tuyệt đối một cách sâu đậm. Tôi nghĩ, có một hiểm nguy khủng khiếp là tự để mình khép kín giữa hai thái cực, một bên là chủ nghĩa hư vô, một bên là chủ nghĩa cuồng tín. Tuy nhiên chẳng lẽ chết khát vì sợ uống nước sẽ chết chìm sao?
Tuyệt đối trong nghệ thuật và trong văn học là gì? Không có cách nào để cống hiến tâm trí vào một lý tưởng mà không đưa tâm thân ra hứng chịu các lệch đường nguy hiểm không?
Tất cả tùy theo đó. Trong quyển sách mới racủa tôi, tôi khám phá cuộc sống thảm hại của văn sĩ Oscar Wilde, các nhà thơ Rainer Maria Rilke và Marina Tsvétaïéva Tôi thích quan tâm đến các nhà văn hơn là các nghệ sĩ theo một kiểu khác, chỉ vì lý do thuận tiện: số lượng và chất lượng các bài viết thân mật của họ đã tạo nhiều dễ dàng cho việc nghiên cứu của tôi.
Trên thực tế, mục đích của tôi là khám phá làm cách nào ba nhân vật này đã cho thấy thách thức của sự toàn hảo của họ. Làm thế nào họ xây dựng và thực hiện được cuộc tìm tòi này? Chúng ta có thể chính mình rút ra được các bài học từ kinh nghiệm của họ không? Tất cả ba đều làm cái người ta gọi là chọn lựa lãng mạn: họ phản đối chiều kích nghệ thuật, được coi là tuyệt vời, thần thánh với tất cả mọi người, tương phản với tầm thường, thô tục, phi lý. Văn sĩ Oscar Wilde muốn đời mình là một tác phẩm nghệ thuật, rốt cuộc ông mất khả năng viết. Thi sĩ Rilke, người hoàn toàn dành cho sáng tạo, ngay cả không dám nuôi chó, sợ bị đãng trí, đã rơi vào chứng trầm cảm khủng khiếp. Còn nữ thi sĩ Tsvétaïéva, người không muốn từ bỏ điều tuyệt đối, cũng không muốn hy sinh đời mình cho tác phẩm của mình, cũng không muốn điều ngược lại, bà đã tự kết liễu đời mình. Các hoàn cảnh, tất nhiên đã đổi hướng các số phận bi thảm này. Dù sao, các dự án của họ, lòng tin của họ vào một “mối thù xưa cũ giữa đời sống và tác phẩm”, như thi sĩ Rilke đã nói, ngay từ đầu đã kết án ba nghệ sĩ lớn này phải chịu đau khổ.
Các thất bại này có tránh được không?
Tôi không nghĩ như vậy. Đó là cả một bài học tôi rút ra cho chính tôi qua nghiên cứu này. Tôi nghĩ tôi đã chứng minh, rằng sự kiện chống đối nghệ thuật, chống đối tuyệt đối với chính cuộc sống là không lối thoát. Ngược lại, tôi luôn cố gắng, cho tôi, để làm nổi bật lên sự liên tục giữa thơ và lời. Tôi cũng thích vẽ. Theo tôi, hội họa dùng nguồn cảm hứng của nó trong các hình ảnh của đời sống hàng ngày. Khát nguyện sự sung mãn không buộc phải cho rằng cuộc hiện sinh tầm thường, bình thường là không sửa được, nhưng đúng hơn là rọi sáng nội tâm. Không có chọn lựa.
Marta An Nguyễn chuyển dịch