James Naismith phát minh ra môn bóng rỗ và biến nó thành phương tiện để phúc âm hóa
fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2016-12-31
James Naismith đã giúp cho nhiều em trẻ quay về với Chúa qua sân thể thao.
Khi giáo sư môn thể dục thể thao James Naismith bị kẹt với một nhóm thanh niên trẻ vì bão tuyết, các bạn trẻ này đầy năng lực, họ không biết mệt mỏi là gì và bắt đầu chán. Họ thuộc tổ chức YMCA, một tổ chức kitô giáo quốc tế ở Springfield thuộc bang Massachusetts nước Mỹ, giáo sư tìm đủ mọi sinh hoạt giải trí để các thanh niên này bớt chán.
Được giám đốc sở tại ủng hộ, giáo sư Naismith bắt đầu lên chương trình giải trí. Nhưng sau hai tuần, ông thấy không một sinh hoạt nào làm cho các thanh niên trẻ này ưa thích lâu. Rồi ngày 21 tháng 12-1891, giáo sư có một nguồn hứng mới.
Giáo sư giải thích trên một đài phát thanh ở New York: “Tôi nghĩ ra một ý tưởng, phải tìm một chuyện khác. Tôi họp mấy em trai ở phòng thể thao, chia các em thành hai đội và cho các em một trái banh cũ. Tôi treo hai cái rỗ ở hai đầu rồi nói các em để trái banh vào rỗ đối phương”. Trò chơi có tên là bóng rỗ “basket-ball” và các em không cách nào… bỏ chơi. Nhưng nếu không đặt luật thì các em cãi nhau hoài.
Và thế là giáo sư Naismith sáng chế ra 13 luật chơi, ông gởi đến tất cả tổ chức YMCA trên toàn nước Mỹ. Môn bóng rỗ đã lan nhanh như gió, năm 1898, giáo sư Naismith được bổ nhiệm làm huấn luyện viên đầu tiên đội bóng rỗ nam của Đại học Kansas.
Từ đó, môn bóng rỗ là môn thể thao cổ điển trong văn hóa Mỹ và qua năm tháng, nó luôn được quần chúng yêu thích, đặc biệt ở các trường Đại học. Năm 2015, trận bóng rỗ “March Madness” của các trường Đại học được trực tiếp truyền thanh trên đài truyền hình Mỹ NCAA và đã thu hút 80,7 triệu khán giả xem trên khắp thế giới.
Nhưng giáo sư Naismith không chỉ sáng chế ra môn thể thao này cốt chỉ để các em giải trí trong các tháng mùa đông; ông cũng sáng chế ra trong mục đích “làm cho giới trẻ chú ý đến tôn giáo.” Đó cũng là sứ vụ thiết thân của ông ngay năm đầu ông học Cao học ở Đại học Thần học Giáo sĩ của Montréal.
Naismith tin chắc có thể đem đến cho giới trẻ tấm gương kitô giáo tốt hơn qua bộ môn thể thao, nhiều hơn là sau bục giảng; qua tinh thần thể thao, ông tìm cách phát triển nhân cách các em, về cả tinh thần lẫn thể xác. Ông rất đòi hỏi các vận động viên và mong chờ họ phải đàng hoàng. Trong một bài báo năm 1897, ông Luther Gulick, giám đốc của Naismith ở trung tâm YMCA giải thích tầm quan trọng của các giá trị kitô giáo trong môn bóng rỗ: “Môn bóng rỗ phải được vinh danh. Thật chướng tai gai mắt cho tổ chức nào tự cho mình bảo vệ các giá trị kitô giáo mà lại không đi theo đường hướng đạo đức… Mọi vận động viên thiếu tôn trọng sẽ bị loại ra khỏi nhóm trong vòng một năm.”
Trong một phỏng vấn năm ngoái, giáo sư Michael Zogry thuộc phân khoa Nghiên cứu Tôn giáo ở Đại học Kansas đã giải thích chi tiết hơn về tương quan giữa thể thao và đức tin theo tiếp cận của giáo sư Naismith: “Naismith mang đức tin kitô giáo đến cho người trẻ và cố gắng tạo ảnh hưởng trên các em qua sự phát triển cá nhân. Ông dành riêng bài diễn văn chính thức khi ông giảng trong các nhà thờ địa phương.”
Naismith xem môn bóng rỗ như phương tiện để truyền giáo. Vào thời đó, các tổ chức YMCA đưa môn thể thao vào trong các chuyến đi sứ mệnh của mình và nhiều người trẻ quay về với Chúa Kitô nhờ tác động của môn bóng rỗ. Chính nhờ các sứ mệnh của tổ chức YMCA mà môn bóng rỗ đã vào Trung quốc, bây giờ môn thể thao này là một trong các môn được ưa chuộng nhất ở Trung quốc.
Naismith tin chắc có sự liên hệ giữa thể thao và đức tin. Ông viết: “Hàng ngày tôi tham dự vào các nhóm thể thao ở giáo xứ, tôi có cảm tưởng như những gì tôi thấy cách đây nửa thế kỷ bây giờ đang thành thực tế: cuối cùng các tín hữu kitô nhận thấy các khía cạnh tốt của tinh thần thể thao.”
Hình: Tượng đồng của Giáo sư Naismith ở Lawrence, Kansas do nhà điêu khắc Elden Teft tạc.