Khi Đức Giáo hoàng gọi cho một tổ chức giúp đỡ người vô gia cư để nâng đỡ họ

261

lavie.fr, Sixtine Chartier, 2017-01-10

Ngày thứ sáu 6 tháng 1-2017, Đức Phanxicô đã đích thân gọi cho một thành viên của Hội Carillon, một tổ chức giúp đỡ người ngoài hè phố để khen công việc của họ và khuyến khích họ tiếp tục.

Từ đây ông Guillaume Holsteyn, 37 tuổi, điều hợp viên của tổ chức Tiếng Chuông, Carillon ở trong số những người vinh dự được Đức Giáo hoàng gọi điện riêng. Ông kể với báo Đời sống:

«Đầu tiên tôi tưởng một người nào đó hỏi tôi có nói được một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Pháp không». Ông Guillaume Holsteyn đúng là người nói tiếng Tây Ban Nha. Người đó nhẹ nhàng trả lời «Tôi xin chuyển máy cho Đức Giáo hoàng». «Tôi quá sức, quá sức ngạc nhiên».

Khi đó Đức Giáo hoàng bắt đầu nói chuyện: «Chào anh Holsteyn, tôi được xem cuộc phỏng vấn của anh». Anh Holsteyn là người đồng sáng lập Hội Tiếng Chuông, cũng chính buổi trưa chiều thứ sáu hôm đó, Radio Vatican có buổi phỏng vấn anh để giới thiệu công việc của Hội, một công việc nhằm tái tạo dây liên lạc xã hội để giúp những người sống ngoài đường. Anh Guillaume Holsteyn cho biết: «Buổi phỏng vấn được dịch và chuyển cho Đức Giáo hoàng, vì đó là vấn đề ngài đặc biệt quan tâm ». Từ tháng 12 năm 2015, Hội đề nghị với các thương gia Pháp (sắp tới đây là các thành phố khác trên nước Pháp và thế giới) cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người vô gia cư cũng như cho tất cả những ai thiếu thốn, để «mang lại nhân phẩm cho người vô gia cư và để họ đủ tin tưởng tái hoà nhập vào xã hội». Ở Paris, cả một khu phố chống lại cảnh sống bấp bênh.

Cuộc gọi của Đức Giáo hoàng dài khoảng năm phút. «Ngài nói với tôi, ngài rất xúc động qua những gì tôi nói trong cuộc phỏng vấn, qua các giá trị mà Hội muốn truyền đạt về nhân phẩm cho tất cả mọi người. Ngài khuyến khích chúng tôi tiếp tục và hỗ trợ chúng tôi trong lời cầu nguyện của ngài».

Bàng hoàng, anh Holsteyn quên hết tiếng Tây Ban Nha, dù anh đã đi một năm ở vùng đất nói tiếng Tây Ban Nha. «Tôi chỉ trả lời “cám ơn, cám ơn, gracias, gracias” với giọng sai và không biết nói gì khác hơn…» Câu chuyện sau đó hướng về cá nhân hơn, Đức Giáo hoàng hỏi vài câu hỏi khác để giúp cho anh Guillaume Holsteyn tỉnh trí.Chính tờ báo địa phương cho biết giai thoại không thông thường này, tờ báo vừa phỏng vấn ông Louis-Xavier Leca, người đảo Corse và là người sáng lập Hội Tiếng Chuông; mới đầu Hội muốn kín đáo về chuyện này.

«Cho chúng tôi tin tưởng!»

Hội Tiếng Chuông rất quan tâm đến việc «không để cho người vô gia cư bị cho là người thấp kém». «không gia cư hay có gia cư», tất cả đều có thể hưởng và trao đổi các dịch vụ một cách «không điều kiện». Ông Leca cho rằng, đó là điều chắc chắn đã làm cho Đức Giáo hoàng xúc động.

Từ con số 70 từ khi thành lập, bây giờ hội có 250 thương gia tham dự vào chương trình. Toàn thành phố Paris sẽ được phục vụ, và sắp tới là các tỉnh Marseille, Lyon, Lille, Nantes, kế đó là các thành phố khác trên thế giới như San Paolo, Milan, Munich và Seattle. Hội cung cấp các ý tưởng: các địa bàn để hội nhập người vô gia cư, các «bữa ăn ngược lại» (khái niệm bữa ăn bình dân ngược lại: người không gia cư dọn ăn cho người có gia cư)… Nguyên tắc của hội Tiếng Chuông thì đơn giản: một tấm bảng để trước mặt tiền các tiệm tham dự vào chương trình, nơi đây tiếp đón người vô gia cư với các dịch vụ đơn giản như đi nhà vệ sinh, sạc điện cho máy điện thoại.

Anh Guillaume Holsteyn cho biết: «Hội Tiếng Chuông hoàn toàn là của giáo dân. Cá nhân tôi là người công giáo, thuộc tu hội Biển Đức, một tu hội của các giáo dân muốn sống theo luật Thánh Bênêđictô ngoài đời. Tôi muốn được rèn luyện trong luật Thánh Bênêđictô. Chẳng hạn, hỏi ý kiến mọi người trước khi lấy quyết định. Phúc Âm thúc đẩy chúng tôi xem người khác là anh em mình, dù họ có tôn giáo, có văn hóa, có tài năng nào. Vì không phải mình vô gia cư mà mình không có tài năng».

Sau cuộc gọi của Đức Giáo hoàng thì có gì làm thay đổi? Anh Guillaume Holsteyn cho biết: «Cho chúng tôi tin tưởng! Vì không những ngài là nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài còn là một nguyên thủ Quốc gia, người mở cửa để đón nhận người vô gia cư. Chúng tôi muốn các nguyên thũ Quốc gia khác cũng làm như ngài. Trong khi bây giờ tại Pháp, người ta nói đến việc ‘phạm tội đoàn kết’ (với người di dân chui), thì đây đúng là một sự tương phản.»

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Tác phẩm của điêu khắc gia người Canada Timothy P. Schmalz