acrossintheworld.com, Paul Bablot, 2016-12-19
Từ Dali
Rời gia đình dễ thương đã cho tôi ngủ nhờ một đêm, tôi lên Sapa nơi có một giáo xứ đã có mặt ở đây từ 90 năm nay. Nhà thờ này được Sứ vụ Truyền giáo Nước ngoài Paris thành lập, kỷ niệm này vẫn còn sống động ở đây.
Hai ngọn đèo chờ tôi hôm nay. Một ngọn cao 1300 mét thì tôi nghĩ mình sẽ vượt dễ dàng, còn ngọn thứ nhì thì sau khi xuống dốc 600 mét, tôi sẽ phải đạp lên 2000 mét. Một ngày đẹp trời cho cặp giò làm việc!
Tôi đạp qua ngọn đầu tiên một cách dễ dàng, tôi ngừng lại để uống càphê ăn bánh mì, bánh mì tôi mua ở Lai Châu, tôi còn một ít mứt của Đan tu ở Frôlois. Thích thú nhưng tôi cũng khá ương ngạnh còn giữ để ăn đến giờ này!
Sau đó là để cho cặp giò làm việc, 35 cây số trên một đoạn đường được cho là đoạn đường đẹp nhất Việt Nam. Đúng thật, một khi đi ra khỏi thung lũng thì phong cảnh thật tuyệt vời. Vẫn còn các ruộng lúa ở cuối thung lũng làm thành từng mảng chắp nối với màu sắc tuyệt đẹp, rồi con đường từ từ lên cao dần. Tinh thần sảng khoái, đôi chân mạnh khỏe nên tôi không ngạc nhiên khi mình đạp xong ngọn đèo 1400 mét trong vòng không đầy 3 giờ, tương đương với vòng Tourmalet nhưng có thêm vài kí lô hành lý so với các tay đua Vòng nước Pháp. Một phong cảnh ngoạn mục ở đỉnh đèo, gió lồng lộng giục tôi không nên ở lại đây lâu. Thêm nữa, đã đến giờ ăn trưa, tôi đã đói bụng.
Tôi đến Sapa, nơi đúng thật, nhà thờ ở ngay giữa thành phố. Thành phố này cực kỳ xấu xí với khách sạn mọc khắp nơi. Phải nói Sapa là trung tâm du lịch của những người có tiền ở Việt Nam, họ đến đỉnh núi này để tránh cái nóng khủng khiếp của mùa hè Hà Nội. Thành phố cũng đầy cả người Trung Hoa làm tôi muốn trốn nó! Nhưng nhà thờ đây rồi, nhà thờ ở vị trí trung tâm, đồ sộ và nhìn xuống một sân chơi, nơi người địa phương và du khách đến chơi đá banh, bóng cầu, bóng rổ, vũ cầu.
Tôi đạp đến nhà thờ và gặp Xơ Sạ – một xơ Dòng Đa Minh nói tiếng Pháp – nên tôi có thể nói chuyện một chút. Tôi không thể ngủ lại ở giáo xứ vì sẽ tạo vấn đề cho giáo xứ, tôi phải đến một khách sạn do người công giáo phụ trách gần nhà thờ. Tôi được cha Phêrô Bình mời ăn tối, cha hiểu tiếng Pháp nhưng nói lại thì ít.
Bữa ăn tối vui vẻ với những người làm việc cho giáo xứ, có ba bà người Pháp làm việc cho hiệp hội «Trẻ em Việt Nam». Hội giúp các em được đến trường, cung cấp dụng cụ học đường cho các em và hội cũng xây bệnh xá. Hội do người Pháp điều hành và có các cha mẹ đỡ đầu cho các em Việt Nam.
Giáo xứ ở đây bị đóng cửa trong nhiều năm, văn phòng địa phương bị cưỡng chế, nhưng Giáo hội luôn có mặt và tiếp tục làm việc chung quanh Sapa. Dù gặp khó khăn, các linh mục không bao giờ buông tay, họ có lòng kiên nhẫn vô bờ. Họ dũng cảm đương đầu hàng ngày với nhà cầm quyền, nhưng đức tin của họ không bao giờ chao đảo.
Giáo xứ của nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi là quan trọng nhất và cực kỳ sinh động. Có gần ba mươi người lớn rửa tội mỗi năm.
Giáo xứ Sapa có 4 nhà thờ chính và 3 nhà nguyện nhỏ, là giáo xứ ở cực bắc nhất của Việt Nam và thuộc giáo phận Hưng Hóa. Năm 2006, cha Phêrô Bình là cha xứ đầu tiên đến đây kể từ năm 1948. 58 năm không có linh mục, dù vậy các tín hữu vẫn trung thành với đức tin của mình. Chứng từ phi thường cho đức tin mà chúng tôi thấy ở đây.
Từ năm 1948 đến năm 1955, nhà thờ đóng cửa hoàn toàn, dần dần chính quyền cho phép mở nhà xứ, rồi mở nhà thờ. Trong thời gian này, các linh mục đến thăm các cộng đoàn, nhưng dĩ nhiên là không thường xuyên nếu có cha xứ thường trực ở đây.
Giáo xứ sinh động nhờ các làng của đồng bào dân tộc thiểu số. 40 người đang học giáo lý để chuẩn bị rửa tội trong dịp lễ Phục Sinh sắp tới. Năm nữ tu phục vụ giáo xứ, các xơ giúp cha xứ dạy giáo lý, thăm giáo dân, đảm trách hai lưu xá bên cạnh nhà thờ. Hai nữ tu Dòng Thánh Phaolô, hai nữ tu Dòng Mến Thánh Giá một nữ tu Dòng Đa Minh. Dòng Mến Thánh Giá là Dòng được thành lập tại Việt Nam và họ hoạt động rất tích cực. Hơn 7000 ơn gọi mới kể từ năm 2010 đến nay!
Hơn ba mươi giáo lý viên được đào tạo qua năm tháng, ngoài công ăn việc làm của mình, họ đi dạy giáo lý nhất là trong thời gian các linh mục vắng mặt nhiều tuần ở đây.
Sau bữa ăn tối và sau buổi nói chuyện giải thích cho tôi hiểu tình trạng sinh hoạt giáo xứ ở đây, là phần thánh lễ, với sự chuẩn bị phụng vụ chu đáo làm tôi rất cảm kích. Đàn phong cầøm đệm theo bài hát làm cho tôi có cảm tưởng mình đang ở Pháp! Đối với tôi, lúc nào cũng là một niềm vui vô biên được dự thánh lễ với các tín hữu kitô địa phương, thêm nữa lại ở trong ngôi nhà thờ hoành tráng này, lối kiến trúc giống như một vài nhà thờ ở vùng Bourguignonnes nước Pháp.
Sau đó là phần tập hoạt cảnh Giáng Sinh của khoảng mười mấy em trẻ. Trước máng cỏ to lớn với một ngôi sao dựng cao trên ngọn cây cao cả hơn chục mét, các em múa nhảy thật nhuần nhuyển theo điệu nhạc du dương! Lễ Giáng Sinh báo trước sẽ vui!
Đêm xuống ở Sapa, nhà thờ Mân Côi và máng cỏ đèn chiếu muôn màu. Ở đây, giáo dân chưng giấy hoa rất nhiều, họ trang hoàng chung quanh nhà thờ thật vui mắt, tôi nhận ra lễ Giáng Sinh đã gần kề! Thời tiết lạnh giúp tôi nhớ lại bầu khí Noel sau một năm mặc t-shirt và quần ngắn. Tôi rong ruỗi trên các đường phố, nhưng đường phố ở đây mang vẻ giả tạo. Khách du lịch đông đảo chỉ đến đây chụp vài tấm hình rồi họ ra đi. Nhà thờ chỉ được xem như một tòa nhà bình thường, hơi ngạc nhiên một chút nhưng không ai buồn tìm hiểu vì sao nó có mặt ở đây.
Mệt mỏi, tôi về ngủ. Ngày mai tôi có hẹn ăn sáng với cha Bình lúc 6h30 sáng.
Sau khi ăn sáng và sau khi cầu nguyện chung, đã đến lúc chia tay. Cha sẽ đi thăm một ngôi làng, còn tôi đi Lào Cai. Trước khi đi tôi gặp anh Nicolas, cũng là một người đạp xe đạp, anh đi từ Lorient cách đây hai năm rưỡi, anh ngừng một năm ở Thành Đô, Trung quốc. Nằm rạp đạp xe, anh rỉ tai cho tôi vài chiêu để vượt ngọn đèo 4000 mét đang chờ tôi, bảo đảm với tôi là tôi sẽ vượt được đoạn đường này!
Đường dốc xuống Lào Cai tôi đi trong sương mù dày đặc, tiếc thật vì phong cảnh hẳn sẽ rất đẹp. Không sao, tôi sẽ trở lại. Thêm một lần nữa, tôi thấy nhà thờ ở ngay trung tâm thành phố, không phải là tệ, vì nhà thờ nằm hơi khuất sau một tòa nhà xấu xí của nhà nước…
Ở đây không có cha xứ, có một bà chỉ nói tiếng Việt… Tôi tìm một chỗ để ngủ và đi dạo một chút. Tình cờ tôi vào một tiệm bánh của người công giáo! Cô bán bánh rất vui, đúng là tôi không lầm, tượng thánh giá được treo ở đây. Vào khoảng 6 giờ rưỡi chiều, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ reo vang. Tôi vội đến nhà thờ và một linh mục giải thích cho tôi, thánh lễ bắt đầu lúc 7 giờ! Tôi còn thì giờ để ăn một chút và quay lại nhà thờ. Lần hạt mân côi, rồi thánh lễ.
Sau thánh lễ, cha Giuse Nguyễn đến mời tôi về nhà cha uống trà, cha nói tiếng Pháp kha khá. Tôi vui vẻ nhận lời. Chúng tôi trò chuyện thân mật bằng tiếng Pháp và cha kể cho tôi sinh hoạt giáo xứ.
Có 6 cha phó, 5 nữ tu, 4 chủng sinh lo cho 7 quận của Tỉnh, với một khoảng cách 100 cây số từ nhà thờ chính đến các làng xa nhất. Cha cho biết, tuy có nhiều việc để làm, nhưng cha hạnh phúc vì được đi tìm giáo dân để đưa họ đến nhà thờ. Đó là nhiệm vụ của cha, đem giáo dân đến với Giáo hội. Một mục tử phi thường!
Chúng tôi đọc các trang của Michard, Musset, Bossuet, mở những quyển sách trong thư viện phong phú của cha… Cha chưa bao giờ đi Pháp, cha học tiếng Pháp ở đại học Hà Nội. Thật can đảm và kiên trì!
Cha nói với tôi, tất cả chỉ vì cha yêu tiếng Pháp.
Tôi từ giã cha, cha mời tôi ngày mai đến ăn sáng. Chắc chắn tôi sẽ đến, nó trở thành thói quen của tôi rồi!
Cha Giuse đề nghị với tôi một đề nghị thật dễ thương, trở lại Lào Cai dạy tiếng Anh, tiếng Pháp… Tôi sẽ xem lại vì trước hết tôi phải về nhà và tôi không chắc mình lại sẽ lên đường ngay lập tức đến nơi tận cùng trái đất Đông dương này!
Marta An Nguyễn chuyển dịch