Đức Phanxicô: “Tài sản của Giáo hội là nơi người nghèo, không phải nơi các thánh đường!”

3398

Mười điểm để xét mình trong những ngày cuối Năm Thánh

fr.aleteia.org, Jesús Colina, 2016-11-13

Đức Phanxicô với người vô gia cư 20161112

“Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi người nghèo”, Đức Phanxicô đã tuyên bố mạnh mẽ như trên trong thánh lễ kết thúc Năm Thánh cho người nghèo và những người bị loại trừ được hội Fratello tổ chức cuối tuần vừa qua ở Roma.

Bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, hơn 3500 người nghèo đến “ẩn náu” trong vòng tay của Đức Thánh Cha, người mà từ đầu triều giáo hoàng của mình đã không ngừng lên tiếng nhân danh họ, đã có rất nhiều sáng kiến để giúp họ.

Kể từ chúa nhật này, các Cửa Thánh sẽ đóng trên các đền thờ, các Nhà thờ Chính tòa trên thế giới, Đức Giáo hoàng hy vọng sẽ có một cuộc thức dậy lương tâm, đứng trước cái mà ngài gọi là “nghịch lý bi thảm nhất của thời buổi” này: “các khả năng và tiến bộ càng tăng thì càng có nhiều người không đến được với chúng”, ngài đã tố cáo như trên trong thánh lễ chúa nhật 13 tháng 11:

Cho các lương tâm bị “mê muội”

Đức Phanxicô tiếp tục giảng, “thay vì tìm cách để biết khi nào và cách nào ngày tận thế sẽ đến theo như Phúc Âm hôm nay (Lc 21, 5-19), thì tín hữu kitô nên để lương tâm mình tĩnh thức trước sự “bất công lớn lao này”. Vào thời gian cuối Năm Thánh này, Đức Phanxicô đưa ra mười suy tư để giúp chúng ta mở mắt, mở lòng cho phần “nhân loại đau khổ và khóc lóc” này, sau đây là tóm tắt mười điểm chính trong bài giảng của ngài:

  1. “Cái gì còn lại, cái gì có giá trị trong cuộc sống, đâu là các tài sản không tan biến? Chắc chắn có hai: Thiên Chúangười anh em. Hai tài sản này không tan biến. Và đó là các tài sản lớn nhất cần yêu thương.”
  2. “Con người, được Thiên Chúa đặt vào đỉnh cao của tạo dựng lại thường bị loại trừ vì người ta thích của cải phù du hơn. Đó là điều không chấp nhận được, vì con người là của cải quý giá nhất dưới mắt Chúa.”
  3. “Điều đáng lo là khi lương tâm mê muội, không còn quan tâm đến người anh em đang đau khổ bên cạnh, hay không còn quan tâm đến những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, những vấn đề chỉ còn là các điệp khúc được hệ thống truyền thông nhắc đi nhắc lại.”
  4. “Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày Năm Thánh của anh chị em, qua sự hiện diện của anh chị em, anh chị em đã giúp chúng tôi cùng hòa vào làn sóng của Chúa, cùng nhìn với cái nhìn của Ngài, không nhìn vào cái võ bên ngoài.”
  5. “Ước gì chúng ta biết đau khi không thấy hình ảnh của ông Ladarô nơi người bị loại trừ, người bị bỏ rơi. Đó là quay lưng với Chúa!”
  6. “Đó là triệu chứng tê liệt thiêng liêng khi tập trung mọi quan tâm vào sản xuất của cải thay vì vào những người mình phải yêu thương.”
  7. “Nghịch lý bi thảm nhất của thời buổi này là các khả năng và tiến bộ càng tăng thì càng có nhiều người không đến được với chúng.”
  8. “Chúng ta không thể ngồi bình thản trong nhà khi có Ladarô ở ngoài cửa; sẽ không có bình an trong nhà mình khi không có công chính trong nhà của tất cả mọi người.”
  9. Xin Chúa giải thoát các con cái của Giáo hội “khỏi các ưu tiên, đặc lợi, bám dính vào quyền lực và vinh quang, theo chiều hướng thế gian.”
  10. “Vì quyền và vì bổn phận đối với Phúc Âm, công việc của chúng ta là lo cho tài sản đích thực, đó là người nghèo.”

tai-san-cua-giao-hoi-noi-nguoi-ngheo-20161113

Ngày thế giới của người nghèo

Trong ngày Năm Thánh cho người nghèo và người loại trừ, đã có một buổi rước đuốc canh thức và chầu Thánh Thể vào ngày thứ bảy 12 tháng 11, quy tụ hàng ngàn người tham dự ở đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, do Đức Hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục địa phận Lyon hướng dẫn, trong buổi canh thức này, có các lời chứng và có nghi thức giải tội.

Trong thánh lễ sáng chúa nhật 13 tháng 11 cho các người nghèo và người bị loại trừ, Đức Phanxicô đã «nhân danh các tín hữu kitô» xin lỗi các người nghèo và ngài tuyên bố ngày 13 tháng 11 sẽ là Ngày thế giới người nghèo, như một câu trả lời cho lời đề nghị ngay từ ngày đầu của ông Étienne Villemain, để có thể tổ chức Ngày thế giới người nghèo theo cách thức của ngày thế giới trẻ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch