4500 người không gia cư và các thiện nguyện viên tham dự buổi họp của hội Huynh đệ Fratello từ ngày 11 đến 13 tháng 11-2016 ở Rôma. Ngày đầu tiên trong chuyến hành hương, họ đã được được Đức Phanxicô tiếp ở Hội trường Phaolô VI.

“Bài hát này là của bạn, bạn người Auvergnat, chẳng có lý do gì nhưng bạn đã cho tôi bốn khúc cũi, khi đời tôi đang lạnh…” Bài hát Auvergnat của cố ca sĩ Georges Brassens, chắc ông không nghĩ bài hát này của mình có ngày được hàng ngàn người hành hương cất lên ở Vatican? Vậy mà ngày thứ sáu 11 tháng 11, trong buổi gặp của Đức Giáo hoàng với người vô gia cư, bài hát này đã được cất lên. Từ khắp hai mươi nước ở Âu châu, các người hè phố và những người tháp tùng họ đã được chọn để nói lên với người, mà vài ngày sau khi được bầu chọn làm Giám mục địa phận Rôma, đã tuyên bố với các ký giả mình muốn “một Giáo hội nghèo của người nghèo”. Ngày Năm Thánh Lòng thương xót của họ sẽ kết thúc với thánh lễ ngày chúa nhật 13 tháng 11 do Đức Giáo hoàng chủ sự.
Sáng kiến này là của nhiều tổ chức Pháp đưa ra, hội Ladarô, Làng Giuse, Từ Cầm tù đến giải thoát, Hội Bằng hữu, tất cả cùng bắt tay nhau để tổ chức chuyến đi này, một sự kiện chưa từng có ở Âu châu, nằm trong đường hướng tụ họp Diaconia, dù tổ chức này không có một liên hệ cơ cấu hay thân thuộc gì với nhau. Năm 2013, Diacona đã tụ họp được ở Lộ Đức hàng ngàn người có cuộc sống bấp bênh, trong mục đích tái hội nhập họ vào đời sống xã hội và giáo hội. Vào thời đó, một người hành hương đã nói với đam đông lời mà đến bây giờ vẫn còn ghi khắc trong tâm tưởng của nhiều người: “Hãy mở các cánh cửa nhà thờ, Chúa là cho tất cả mọi người!” Ba năm sau, ông Étienne Villemain, người có sáng kiến chuyến hành hương Rôma này, có tên là Huynh đệ, Fratello, khẳng định: “Người nghèo không được ở ngoài cửa nữa, họ phải ở trong lòng Giáo hội”.
Trong buổi gặp Đức Giáo hoàng sáng nay, số người Pháp đi nhiều nhất, 1200 người, nhưng cả người Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Áo, Slovakia, Bỉ hay Tây Ban Nha cũng hiện diện. Bên cạnh các hiệp hội kể trên còn có các nhóm do các giáo xứ tổ chức. Để mọi người có thể đi hành hương theo sức mình, mỗi nhóm lớn được chia thành từng nhóm nhỏ 8 đến 12 người. Ông François Le Forestier, một người trong ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn có sự gần gũi để tạo các quan hệ tin tưởng và để những người vô gia cư được sống trong tình bằng hữu.” Tình bạn đã được thắt chặt trong thánh lễ, đa số các nhóm đã có trước khi đi hành hương.
Chúng tôi đã rộng rãi mời, chúng tôi không giấu mục đích của chuyến đi, như vậy chúng tôi có thì giờ và chuyến đi thật đáng bỏ công.
(Một thiện nguyện viên)
Ông Jran-Luc Auria nói: “Chuyến đi này không phải tùy tiện nhưng là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình tìm cách để sống chung với nhau”, ông Auria là người lo về chỗ ở và lo cho người di dân ở tổ chức Cứu trợ công giáo ở Paris. Ông đứng đầu một phái đoàn 50 người, ông có được nhiều thiện nguyện viên giúp đỡ. Ông Auria cho biết: “Vì Đức Giáo hoàng hiện nay là người nói được với rất nhiều người, đặc biệt ngài chạm đến những người thấp bé, tổ chức Fratello có thể giúp chúng tôi tái tạo lại mối liên hệ giữa chúng tôi và để chiến đấu chống lại nạn bị loại trừ.” Những người ở giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở Paris cũng dấn thân giúp những người vô gia cư và “các bằng hữu” hè phố mà hô biết từ lâu. Anh Antoine, một trong các thiện nguyện viên của nhóm phát biểu: “Thậm chí chúng tôi đi tìm từng người một, phải khuyến khích người này, giải thích cho người kia. Chúng tôi mời rộng rãi, chúng tôi không giấu mục đích của chuyến đi, như vậy chúng tôi có thì giờ và chuyến đi thật đáng bỏ công.”
Nhóm gồm ba mươi người, đón nhận các tín hữu cũng như những người ở xa xa, ngay cả gần với các tôn giáo khác. Trong số họ có Kamel, một người hồi giáo ngoài ba mươi tuổi, anh không ngần ngại tham dự chuyến đi “vì tình bằng hữu” với các thiện nguyện viên, và cũng để đi theo các bạn có cùng hoàn cảnh. Anh ở trong một căn hộ, còn Gilbert thì ở ngoài hè phố, ở quận 11, Paris. Ông Gilbert 64 tuổi, người vui tính, ông tự cho mình như thế, ông muốn gặp Đức Giáo hoàng ít nhất là một lần trong đời. Ông nói: “Tôi thật sự không phải là người có lòng tin, nhưng vào nhà thờ có mất gì đâu. Như thế là đã 5 tháng tôi ở ngoài đường, cũng không đến nỗi tệ. Tôi thích đi ăn xin, những người chung quanh tôi có thiện cảm, tôi được ăn và tôi giữ sạch sẽ. Tôi còn than gì nữa?”.
“Ánh trăng đường” là ca đoàn của những người hè phố của thành phố Nantes nước Pháp. Họ hát trong buổi gặp Đức Giáo hoàng, một giây phút vui vẻ và như lễ hội. Bà Suzanne sống trong một nhà xã hội ở Paris cho biết: “Tôi chưa bao giờ gặp giáo hoàng trong đời, dù tôi không có đạo nhưng Đức Giáo hoàng này rất quan trọng đối với tôi”. Với chiếc máy hình nhỏ, bà mong chụp được hình người mà người ta gọi là “giáo hoàng nhỏ bé Phanxicô”. Bà không thất vọng. Sau khi vào Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã bỏ thì giờ để chào từng người một, có khi ngài còn ngừng lại để bắt tay và nở một nụ cười rạng rỡ.
“Anh chị em hãy mơ thế giới có thể thay đổi nhưng không chủ trương thất bại, như thế cuộc đời sẽ đẹp. Nghèo nhưng không vỡ mộng! Nghèo nhưng không bị lệ thuộc!”
(Đức Phanxicô)
Ông Étienne Villemain nhấn mạnh: “Sống với người nghèo, họ phúc âm hóa chúng ta thật sâu đậm, điều này dạy cho chúng ta biết yêu, biết tha thứ, biết nói cám ơn”. Trong lời mở đầu của mình, ông Villemain chia sẻ “ước mơ lớn lao” của mình: hàng năm tổ chức Ngày thế giới người nghèo. Ông Robert Swiderski người Ba Lan được chọn để nói lời chứng của mình, ông lên tiếng: “Chúa, không phải là chuyện lừa, mà chuyện thật!”.
Trong bài diễn văn của mình, như thường lệ, Đức Phanxicô có những lời đơn sơ nhưng làm chấn động lòng người: “Tôi biết, thường thường anh chị em đối diện với những người muốn khai thác mình, họ không tôn trọng anh chị em. Nhưng nếu anh chị em tiếp tục thấy cuộc sống là đẹp, thì cảm nhận này sẽ cứu anh chị em và làm cho anh chị em có phẩm cách… Anh chị em hãy là những người của đam mê, đam mê làm chúng ta đau khổ nhưng cũng đẩy chúng ta đi tới đàng trước và dẫn chúng ta đến ước mơ. Anh chị em hãy mơ thế giới có thể thay đổi nhưng không chủ trương thất bại, như thế cuộc đời sẽ đẹp. Nghèo nhưng không vỡ mộng! Nghèo nhưng không bị lệ thuộc!”
Cho đến ngày chúa nhật, các người hành hương của tổ chức Fratello còn có những dịp để trao đổi, để chia sẻ các khát nguyện của họ, để thăm thành phố Rôma và Vatican. Chiều thứ bảy họ có buổi canh thức ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành do Đức Hồng y Barbarin hướng dẫn. Đức Giám mục Ansgar Puff, giám mục địa phận Cologne nước Đức lấy làm tiếc: “Đáng lý chúng tôi đông hơn”. Một dấu hiệu cho thấy nhiều việc phải làm với người nghèo, người sống bên lề để họ được ở trong lòng Giáo hội và là những người ở trọng tâm của các giáo xứ và các địa phận.
Ông Jean-Luc Auriau của tổ chức Cứu trợ Công giáo cho biết: “Fratello là lựa chọn tiêu biểu của người nghèo của những năm 2000”. Cũng là một cách để mỗi người nhìn lại câu chuyện của Thánh Laurent ngày xưa, thánh nhân là thầy phó tế, từ thế kỷ thứ 3, bị buộc phải giao “kho tàng của Giáo hội” cho những người bách hại mình, thầy phó tế đã đưa một đám đông những người mồ côi và vô gia cư đến trước giám chức Rôma: “Đây, kho tàng của Giáo hội đây! Giáo hội không có nguồn tài nguyên nào khác hơn là người nghèo!” Mười tám thế kỷ sau, cũng tại Rôma, kho tàng này vẫn còn sáng lên với ngàn ngọn lửa.
Marta An Nguyễn chuyển dịch