Luôn có người nghèo cần đến tôi

450

 

Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi | 19-10-2016

‘Luôn luôn có người đói người khát, cần đến chúng ta, cần đến bản thân tôi. Tôi không thể ủy thác việc này cho ai khác. Người nghèo này cần đến tôi, cần sự giúp đỡ, cần lời nói, sự chăm sóc của tôi.

Biết bao nhiêu lần, chúng ta đọc kinh Lạy Cha mà không thực sự để ý đến ý nghĩa của câu: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.”

pope-francis-phillipine-2015-yellow-coatTrong buổi Tiếp kiến chung, thứ tư 19-10, Đức Giáo hoàng Phanxicô dành để nói về người nghèo, và thái độ của chúng ta trước người nghèo:

“Một trong những hệ quả của cái mà chúng ta gọi là “phúc lợi” là nó khiến mọi người rút lui vào bản thân mình, khiến mình mất đi sự nhạy cảm trước nhu cầu của người khác. Nó làm mọi sự có thể để khiến người ta hiểu nhầm, nó đưa ra những lối sống phù du sẽ biến mất sau vài năm, như thể cuộc sống chúng ta là một thú vui nhất thời và thay đổi theo mùa.

 Nhưng không phải thế. Phải đón nhận và đối diện với hiện thực, theo đúng bản chất của nó, và sự thật là chúng ta thường xuyên đối diện với những tình trạng khó khăn. Vì thế, trong những việc làm của lòng thương xót, có tiếng gọi hãy giúp đỡ những ai đói khát: cho người đói ăn, cho người khát uống, và thời nay có rất nhiều người như thế.

Truyền thông quá thường xuyên nhắc cho chúng ta biết rằng có những người đang thiếu thức ăn thiếu nước uống, và chuyện này tác hại nhất đối với các trẻ em. Khi thấy những tin tức như thế, thấy những hình ảnh cụ thể, mọi người cảm thấy xúc động, và từ đó mở ra những chiến dịch tương thân tương ái. Sự quyên góp hảo tâm giúp xoa dịu đau khổ của rất nhiều người. Kiểu từ thiện này có tầm quan trọng, nhưng có lẽ nó không khiến chúng ta làm việc nhân đạo một cách trực tiếp.

Nhưng khi chúng ta đi ngang một người túng thiếu trên đường, hay khi một người nghèo gõ cửa nhà chúng ta, nó khác hẳn, bởi chúng ta không còn đứng trước một hình ảnh, nhưng là trước một con người, và chúng ta liên hệ trực tiếp với họ. Đói nghèo trong những hình ảnh trừu tượng không khiến chúng ta thấy mình bị thách thức, nhưng khi anh chị em thấy đói nghèo trong con người đang đứng trước mình, thì điều đó sẽ thách thức anh chị em, nhất là trước một thói quen này càng lan tràn, thói quen chạy trốn khỏi những người túng quẫn, thói quen không muốn tiếp xúc họ hay thói quen cố gắng làm mơ đi thực tế của những người đang thiếu thốn.

Trong những trường hợp như thế, chúng ta phản ứng thế nào? “Tôi quay mặt và bước đi? Hay tôi dừng lại nói chuyện với người đó, quan tâm đến họ?”  Và nếu anh chị em làm như thế, luôn có người dèm pha, “anh điên mới nói chuyện với người nghèo.” Thế đấy, anh chị em hãy tự hỏi, “Tôi cố gắng liên hệ với họ hay chỉ cố rũ bỏ họ càng sớm càng tốt?” Nhưng có thể, họ chỉ đang xin gì đó để ăn hay uống.

Hãy suy nghĩ một lát. Biết bao nhiêu lần, chúng ta đọc kinh Lạy Cha mà không thực sự để ý đến ý nghĩa của câu: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.”

Cảm nghiệm của người đói thật dữ dội. Bất kỳ ai từng trải qua chiến tranh hay nạn đói đều biết rõ chuyện này. Nhưng cảm nghiệm này cũng đang xuất hiện trong thời này, một thời cũng đang dư dật và lãng phí. Lời thánh tông đồ Giacôbê vẫn còn giá trị, “Anh chị em tuyên xưng đức tin mà không có việc làm, thì có ích gì?”

Luôn luôn có người đói người khát, và tôi cần phải giúp họ. Tôi không thể giao cho ai khác làm thay. Người nghèo này cần đến tôi, cần sự giúp đỡ, cần lời nói, sự chăm sóc của tôi. Tất ca chúng ta đều có phần trong công việc này.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch