Lòng quảng đại không biên giới (2/4).
lacroix.com, Yuta Yagishita, 2016-07-12
Bà Akiko Mochizuki là nữ luật sư đấu tranh chống tình trạng cô lập của các nạn nhân bị hãm hiếp và chống sự dửng dưng của xã hội đối với họ.
Từ năm 2012, bà Akiko Mochizuki đã theo dõi 1 500 nạn nhân. / Yuta Yagishita
Khi bà bắt đầu nói chuyện về các hồ sơ đang xử lý, nụ cười tiếp đón và dáng dấp người phụ nữ tươi cười nơi bà biến mất. Bà hạ giọng xuống và cái nhìn đanh lại. Bà Akiko Mochizuki là luật sư ngoài năm mươi tuổi, bà là nhà sáng lập hiệp hội Tsubomi, một trong các hình ảnh đứng đầu của các trung tâm lo cho các nạn nhân bị hãm hiếp ở Nhật.
Từ khi tổ chức Tsubomi được thành lập năm 2012, bà TAkiko Mochizuki đã giúp 1 500 nạn nhân. Bà trở thành luật sư sau khi từ giã một công ty thương mại nổi tiếng: “Tôi muốn làm việc cho những người gặp khó khăn.” Nhưng bà không hình dung mình điều khiển một tổ chức như vậy. Tất cả gần như một chuyện tình cờ.
Tình trạng cô đơn của các nạn nhân
Bà bắt đầu sự nghiệp luật sư của mình trong một hội đồng chuyên nâng đỡ các nạn nhân của các trọng tội. Bà kể: “Một cách có hệ thống, các đồng nghiệp của tôi gần như đẩy các hồ sơ lợi dụng tình dục về phía tôi, vì đơn giản tôi là đàn bà!”
Lúc đó, bà khám phá tình trạng sống cô lập của các nạn nhân bị hãm hiếp. “Sự phối hợp giữa các thể chế liên hệ – cảnh sát, bệnh viện, luật sư – là ở điểm chết ở xứ này. Các nạn nhân phải gõ từng cửa, một mình, trong khi một vài người trong số các cô này cảm thấy khó để đi ra khỏi nhà mình”, bà Akiko Mochizuki giải thích, đôi mắt bà đầy phẫn nộ.
Thường thường, “các nạn nhân không biết họ đi đâu, làm gì và nói chuyện với ai” lý do là họ không được dạy ở trường học và có rất ít trung tâm săn sóc. Được báo động về tình trạng này, sau nhiều năm chuẩn bị, bà thành lập tổ chức Tsubomi, một trung tâm săn sóc “lắng nghe nạn nhân” và liên hệ với các cơ quan khác.
“Nếu bạn bị hiếp, là vì bạn đi tìm chuyện đó”
Nhưng, sau nhiều năm làm việc, tình trạng cô lập của các nạn nhân không được cải tiến. Có khoảng 96% các nạn nhân im lặng, ngay cả không đi trình báo cảnh sát. “Các cô bị mặc cảm tội lỗi và hy vọng: ‘nếu tôi không nói gì thì không có gì xảy ra’. Vậy thì các cô, các cô không có gì để trách cứ.”
Các cô nào dám phản ứng thì họ chịu thành kiến của các cảnh sát, gia đình của họ và các bác sĩ. “Có một lần, tôi thấy một cảnh sát nói với một nạn nhân: ‘Tại sao cô tố cáo người bạn-tấn công cô?’ Cả một giáo dục cần phải làm”, bà Akiko Mochizuki tức giận.
Xã hội Nhật ít trắc ẩn với các nạn nhân bị lợi dụng tình dục. Lôgic của họ là “Nếu bạn bị hiếp, là vì bạn đi tìm chuyện đó” vẫn còn rất phổ thông. Đôi khi bà luật sư phải làm việc trên những hồ sơ có từ hơn mười năm. “Các nạn nhân đau khổ một mình. Phải có ai đó để nghe các cô nói”, bà cho biết.
Một luật xưa cổ
Một trong các trở ngại lớn nhất của các nạn nhân là luật hình sự, một luật có từ năm 1907. Để được luật pháp công nhận là một vụ hiếp dâm, thì nạn nhân phải chứng mình mình bị tấn công một cách hung bạo và mình không thể nào chống cự lại được.
Không có vấn đề đồng thuận, không có trường hợp nạn nhân tê liệt vì sợ được coi trọng. “Đó là luật của thời khủng long, có vào thời phụ nữ không được đi bầu. Họ bị xem như phải chiến đấu để bảo vệ trinh tiết của mình”, bà Akiko Mochizuki giải thích.
Đường lối chính trị của nhà cầm quyền Shinzo Abe muốn “loại trừ mọi hung bạo đối với phụ nữ” đã không cải tiến được tình trạng này. “Tôi nghĩ đó là một trò bịp bợm”, bà Mochizuki dứt khoát.
Quà tặng và tài chánh đóng góp
Bà kể, chẳng hạn, sự nhập chung Văn phòng các nạn nhân của tội ác với cảnh sát. “Không phải cảnh sát, một cơ quan điều tra lại giữ nhiệm vụ săn sóc nạn nhân. Các nạn nhân cần sự nâng đỡ lâu dài, và vì thế phải thành lập một cơ quan độc lập và chuyên ngành.”
Con đường của tổ chức Tsubomi thì khó khăn và lâu dài. Quốc gia không tài trợ một khoản nào và tổ chức sống nhờ quà tặng và tài chánh đóng góp. Sự dửng dưng hiển hiện trong xã hội và giáo dục giới tính chỉ là bài học sinh lý, trong khi mọi người có thể mua các loại phim khiêu dâm hung bạo nhất trên Internet.
Nhóm Tsubomi không thể chiến đấu trên tất cả mọi mặt, nhưng không có chuyện họ buông tay. “Phải thành lập một xã hội tương trợ hơn với các nạn nhân”, bà Akiko Mochizuki tóm lại. “Quá nhiều tên đi hãm hiếp ung dung đi ngoài đường vì các cô im lặng. Chúng tôi ở trong cái vòng luẩn quẩn, bởi vì họ có thể tái phạm.”
Tsubomi là “nụ” sẽ cho hoa
Tên của hiệp hội trong tiếng Nhật có nghĩa là “nụ”, một hình ảnh liên tưởng đến hoa nở sau một thời gian khép kín. Được thành lập năm 2012, hiệp hội Tsubomi là một trong các tổ chức đi tiên phong trong lãnh vực, hội gồm khoảng mười lăm người tháp tùng các nạn nhân của các tội ác tình dục. Các thành viên của hội là các nhà nghiên cứu, tâm lý gia và các nạn nhân. Hội phối hợp với cảnh sát, bệnh viện và các luật sư, hội làm việc để mỗi nạn nhân được hưởng sự nâng đỡ cần thiết vừa về quản trị và vừa về tâm lý. Tsubomi tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các nạn nhân để giúp họ tái phục hồi qua sự trao đổi và nói chuyện.
Marta An Nguyễn chuyển dịch