Phù phiếm là lo lắng của một lương tâm vẩn dục

849

Đức Giáo hoàng Phanxicô so sánh sự tương phản giữ băn khoăn phát xuất từ Thần Khí và lo lắng do một lương tâm vẩn đục. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ năm 22-9, Đức Thánh Cha cũng nói về sự phù phiếm, thứ đeo mặt nạ cho cuộc đời.

 OSSROM63351_Articolo

Bài Phúc âm trong ngày kể chuyện vua Herode Antipas bối rối lo lắng, bởi sau khi giết Gioan Tẩy giả, giờ ông lại thấy bị đe dọa từ Chúa Giêsu. Ông lo lắng mình sẽ gặp phiền phức như vua cha Herode sau khi các Đạo sỹ viếng thăm. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng,

“Có hai dạng lo lắng trong linh hồn, một lo lắng tốt do Thần Khí ban làm cho linh hồn khắc khoải làm việc tốt, và một dạng lo lắng xấu nảy sinh từ một lương tâm vẩn đục. Hai vua Herode đã cố giải quyết lo lắng của mình bằng việc giết chóc, bằng cách bước trên những xác người.

Những người đã gây một tội ác như thế, những người làm sự dữ và mang một lương tâm vẩn đục thì không thể sống bình an, bởi họ sống ngứa ngáy khó chịu không ngừng… Những người này làm chuyện xấu, nhưng sự dữ luôn có chung một gốc rễ, là tham lam, phù phiếm và kiêu ngạo. Ba tính xấu này không để cho lương tâm được bình an, chúng không chấp nhận sự khắc khoải lành mạnh của Thần Khí đi vào, và khiến cuộc đời chúng ta chìm trong lo lắng sợ hãi. Tham lam, phù phiếm và kiêu ngạo là gốc rễ mọi sự dữ.

Bài đọc một từ sách Giảng viên đã nói về sự phù phiếm. Phù phiếm khiến chúng ta diêm dúa. Phù phiếm không tồn lại được lâu dài, nó như bong bóng xà phòng. Phù phiếm không cho chúng ta được gì. Thử hỏi xem một người được gì khi chỉ biết lo lắng? Lo về vẻ ngoài, lo tìm cách giả vờ ra vẻ. Đấy là phù phiếm. Nói đơn giản, phù phiếm che đậy cuộc sống thật của chúng ta. Và nó khiến linh hồn mắc bệnh. Bởi đến cuối cùng, nếu chúng ta che đậy cuộc sống thật của mình để ra vẻ mình là kiểu thế nào đó, thì tất cả những gì chúng ta làm chỉ là giả vờ… Mà thế thì được gì cơ chứ? Phù phiếm như chứng loãng xương của linh hồn, bên ngoài có vẻ tốt, nhưng bên trong thì mục ruỗng hết rồi.

Phù phiếm khiến chúng ta thành kẻ dối trá. Hệt như những kẻ gian dối để chiến thắng. Nhưng chiến thắng này không thật. Phù phiếm là sống chỉ để giả vờ, để ra vẻ. Và nó khiến linh hồn lo âu bồn chồn. Thánh Bernard đã có những lời rất nặng cho những người phù phiếm: “Hãy nghĩ mình sẽ là gì: là thức ăn cho dòi bọ.” Tất cả những thứ bôi son đắp phấn trên đời chỉ là thứ dối trá, bởi dòi bọ sẽ ăn hết và bạn sẽ chẳng còn gì. Phù phiếm tác hại như thế nào? Từ sự kiêu ngạo đến ác độc, nó không cho anh chị em nhìn ra sai lầm của mình, nó che đậy mọi sự.

Chúng ta đã thấy biết bao người khiến ta phải thốt lên: “Thật là người tốt! Ông đi lễ mỗi Chúa nhật. Ông dâng cúng rất nhiều cho Giáo hội.” Đấy là vẻ ngoài của họ, nhưng bên trong lại là mục ruỗng. Đấy là phù phiếm. Cố gắng trưng ra một khuôn mặt đẹp đẽ, nhưng sự thật bên trong thì ngược lại.

Trước sự lo lắng của phù phiếm, chúng ta có thể tìm đâu ra nơi nương tựa và sức mạnh cho mình đây? Trong bài thánh vịnh giữa hai bài đọc có nói: “Lạy Chúa, ngài là nơi nương ẩn cho chúng con từ thế hệ này qua thế hệ khác.” Và trước bài Phúc âm, chúng ta đã tung hô lời Chúa. “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống.” Đây chính là sự thật, chứ không phải thứ mặt nạ của phù phiếm.

Nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi ba cội rễ của mọi sự dữ là tham lam, phù phiếm và kiêu ngạo. Nhất là xin giải thoát khỏi phù phiếm, thứ khiến cuộc đời chúng ta vô ích và tồi tệ.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio