Vì sao Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn thu hút được đám đông

2065

lacroix.com, Samuel Lieven, cùng với Alice Papin, 2016-09-13

Đức Tenzin Gyatso đến thăm nước Pháp một tuần, ngài không còn được đám đông chú ý như cách đây 20 năm. Trong lịch làm việc của ngài, không có tiếp tân rầm rộ ở điện Élysée, cũng không có các buổi gặp mặt với các siêu sao ngành trình diễn. Từ Paris đến Strasbourg, nơi ngài chuẩn bị cuộc gặp ở Zénith trong suốt cuối tuần, người mà từ năm 1959 bảo vệ cho người Tây Tạng sẽ chỉ nói về các vấn đề tôn giáo, văn hóa và môi trường. Một buổi diễn thuyết với các sinh viên Khoa học Chính trị cũng bị hủy bỏ giờ chót. Ngắn gọn, ngài không còn thu hút đám đông như những năm cuối thế kỷ vừa qua, dù chỉ đứng đầu một nhánh thiểu số phật giáo Tây Tạng (một phần nhỏ trong vũ trụ phật giáo lớn lao), Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng với Đức Gioan-Phaolô II là hình ảnh tượng trưng cho đời sống tinh thần của hoàn vũ.

Một trào lưu cải cách của thiểu số phật giáo Tây Tạng

Hình ảnh chiếc áo màu nghệ đã bị mờ nhạt đến mức gần như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành ngôi vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên sàn quốc tế. “Sau khi nhận giải Nobel hòa bình năm 1989, giải đã mang lại cho cuộc chiến đấu của ngài một tiếng vang quốc tế, với vô số chuyến đi và gặp gỡ của ngài đã làm cho sứ điệp của ngài trở thành quá quen thuộc”, ông Laurent Deshayes thừa nhận, ông là tác giả của nhiều tác phẩm nói về phật giáo.

Một chuyên gia khác, giáo sư Raphaël Liogier dạy ở Đại học Aix môn Khoa học Chính trị nói lên suy tư của mình vào năm 2008. “Năm đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trên đỉnh cao, mọi người đều biết đến trong thời Thế vận Bắc Kinh, các ống kính đều hướng về vấn đề Tây Tạng. Nhưng do mệt mỏi và sức khỏe kém, ngài buộc phải giảm các sinh hoạt.” Cũng cùng thời gian đó, Trung Quốc bành trướng cực mạnh, họ đã làm hết sức để các nhà cầm quyền trên hành tinh không đứng gần nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.

Một triệu phật tử ở Pháp

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xây dựng cho mình một diễn đàn hoàn vũ, ngài có hai chức vụ, vừa lãnh đạo chính trị vừa lãnh đạo tôn giáo, chưa ai từng làm trước ngài. Ông Raphặl Liogier nhấn mạnh, “Ngài vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần lớn, ngài chiêm niệm mỗi ngày, và ngài vừa là một nhà chiến lược lớn. Là người đứng đầu trường phái Gelugpa, một trường phái cải cách thiểu số của Phật giáo Tây Tạng, từ khi tại chức, Đức Tenzin Gyatso không ngừng canh tân chính quyền lưu vong ở Ấn Độ: đại diện nghị viên của những người lưu vong Tây Tạng, sự có mặt của phụ nữ trong các cơ chế, bầu thủ tướng và chính phủ lưu vong. Nhất là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biết tận dụng sự toàn cầu hóa để “giải lãnh thổ hóa” cho chính nghĩa của mình. “Đứng trước một Trung Quốc chống các lôgic cũ về đất đai, ngài đã biết tạo một Tây Tạng hoàn vũ hóa, tạo cảm tình của cả thế giới cho một tôn giáo được xem là tích cực qua hình ảnh của ngài”, ông Raphaël Liogier bổ túc thêm.

Từ những năm 1960, nước Pháp đã nhận các người tị nạn Tây Tạng đầu tiên, mang đến cho họ một cộng đồng quan trọng với một triệu phật tử, trong số này một phần ba không phải là người Á châu, chia đều qua nhiều trường phái. “Dù có các truyền thống khác nhau, chúng tôi có điểm chung là cổ động cho một nền luân lý phổ quát, xây dựng trên lòng trắc ẩn, tôn trọng tất cả sinh vật và môi trường, sư cô Chân Không giải thích, sư cô thuộc cộng đoàn thiền Việt Nam có nhiều trung tâm sinh hoạt ở Pháp. Thế giới cần những hình ảnh như Đức Đạt Lai Lạt Ma để giúp người dân suy nghĩ một cách tích cực.”

Từ năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chính thức rời bỏ địa hạt chính trị nhưng ở tuổi 81 ngài vẫn còn đi khắp nơi trên thế giới, xa nơi ở thường trú của ngài ở Dharamsala, Ấn Độ. Cư sĩ Matthieu Ricard cho biết, “hiện nay ngài lo ba chuyện. Cổ động các giá trị nhân bản, sự hài hòa giữa các tôn giáo, và tiếp tục đối thoại với khoa học.” Đối diện với các chia rẽ nội bộ đã ngăn Tây Tạng cho đến giờ này không đưa ra được người kế vị, vị thầy minh triết cũng không quên con đường chính trị. Ngài đã gặp chớp nhoáng cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, người có thể ra ứng cử tổng thống Pháp trong kỳ bầu cử sắp tới, đây cũng là một cách chuẩn bị cho tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch