Thiên Chúa ở đâu, khi những người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh?

470

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 29/07/2016

Từ Krakow

‘Thiên Chúa ở đâu?’ Thiên Chúa ở đâu, nếu như sự dữ hiện diện trong thế giới chúng ta, nếu như có những con người đang đói và khát, không có mái nhà, bị trục xuất và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi những người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu, khi những căn bệnh tàn ác phá vỡ mối dây sự sống và tình cảm mến? Hay khi các trẻ em bị bóc lột và làm nhục, hay bị đau đớn vì bệnh tật?

Suy niệm của Đức Giáo hoàng Phanxicô cuối Đàng Thánh giá tại Công viên Blonia, mở đầu với một loạt ‘câu hỏi mà nhân loại không có câu trả lời.’

 Chặng đàng thánh giá Krakow 20160729

Đức Phanxicô cùng tham gia với những người trẻ, lắng nghe những lời chứng, các bài hát, cầu nguyện và xem nhiều video khác nhau. Ở mỗi chặng đàng, các nhóm giới trẻ khác nhau từ nhiều quốc gia, thay phiên vác thánh giá.

Sau một ngày thinh lặng để tưởng niệm quá khứ đau đớn và cảm nghiệm đau khổ của người trẻ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có bài nói chuyện giải thích rằng không có câu trả lời cho đau đớn của người trẻ.

‘Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là: ‘Chúa ở trong họ.’ Thiên Chúa ở trong những người trẻ, Ngài chịu đau khổ trong từng người trẻ và hiệp nhất nên một với họ.

Chính Chúa Giêsu chọn đồng nhất với những anh chị em của chúng ta đang chịu đau đớn hay thống khổ bằng cách đồng ý đi ‘con đường thảm thương’ lên đồi Golgotha.

Bằng cách ôm lấy thập giá, Chúa Giêsu ôm lấy sự trần truồng, đói khát, cô đơn, đau đớn và cái chết của con người trong mọi thời. Đêm nay, Chúa Giêsu ở đây, và chúng ta ở cùng Ngài, ôm lấy anh chị em của chúng ta từ Syria, những người đã phải chạy trốn chiến tranh. Chúng ta chào đón họ thăm hỏi họ bằng tình cảm anh em và tình bạn.

Thương người có mười bốn mối: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần truồng ăn mặc, cho người vô gia cư đậu nhà, thăm người bệnh và người ở tù, chôn xác người chết, khuyên bảo người hoài nghi, dạy dỗ người ngu muội, răn dạy người có tội, an ủi người u sầu, tha cho người xúc phạm mình, nhẫn nại chịu những sự sai trái, cầu nguyện cho người sống và người chết.

Chúng ta được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong tất cả những người ngoài rìa xã hội, chạm đến thân thể linh thánh của Ngài trong những người khuyết tật, trong những người đói khát, người trần truồng và ở tù, người bệnh và người thất nghiệp, những người bị bách hại, người tị nạn và di dân. Nơi đó, chúng ta tìm thấy Chúa, nơi đó, chúng ta chạm đến Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bảo thế khi Ngài giải thích tiêu chuẩn để phán xét chúng ta: bất kỳ lúc nào con làm những việc này cho người bé mọn nhất trong anh chị em mình, là con làm cho Ta. Khi chào đón những người bị loại ra ngoài, những người đau đớn phần xác, và chào đón người có tội đang đau đớn phần hồn, là chúng ta đang thực hành tín nhiệm Kitô hữu, bằng việc làm chứ không phải bằng tư tưởng.

Nhân loại ngày nay, cần những con người, đặc biệt là người trẻ như các con, những người không muốn sống nửa vời, những người trẻ sẵn sàng dành cuộc sống của mình để tự do phục vụ những anh chị em nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã trao ban trọn thân mình để cứu chuộc chúng ta. Theo đường thập giá, không phải là ái khổ, mà là con đường của nỗ lực và hi sinh. Đường thập giá là con đường hi vọng và cha những muốn các on trở thành những người gieo hi vọng.

Các người trẻ thân mến, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều môn đệ đã buồn bã bỏ về nhà. Những người khác chọn đi về miền quê để quên đi thập giá. Cha hỏi các con một câu, và muốn các con thinh lặng trả lời bằng trái tim: Tối nay các con muốn về nhà, về nơi mình ở như thế nào? Tối nay các con muốn về nhà, ngồi một mình suy nghĩ như thế nào? Mỗi người các con phải trả lời thách thức mà câu hỏi này đặt ra cho các con.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch