Vatican – Sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI, sự bầu chọn của Đức Phanxicô, hơn hai mươi chuyến đi, các thượng hội đồng gia đình… Khi rời Rôma, tôi nhớ nhung khi nghĩ đến những giây phút hứng khởi trong năm năm vừa qua, quan sát Giáo hội và Quốc gia nhỏ nhất và kỳ lạ nhất thế giới. Nhưng một ngày của «nhà vatican học» không phải chỉ để viết những chuyện đặc biệt và những khám phá, dù với Đức Giáo hoàng Argentina, các chuyện ngạc nhiên không phải là chuyện lạ.
Ngày thứ hai này, lúc mười giờ, khi rời con đường rộng via della Conciliazione chói chang mặt trời dẫn đến Đền thờ thánh Phêrô, tôi hơi buồn khi vào trong bóng tối khổ hạnh và xam xám của căn phòng báo chí. Mười mấy ký giả, đa số là ký giả Ý đã ở đó. Ngồi trước bàn chính và trước màn hình của họ, họ cười đùa với nhau, bàn tán về những tin đồn mới nghe tối hôm qua. Tại sao Đức ông X, giám mục địa phận lombard lại bình phẩm có vẻ như gián tiếp nhắm đến hồng y Y ở giáo triều? Tại sao Đức ông kia lại bị thuyên chuyển? Trong văn phòng báo chí, các công việc của Giáo hội vẫn còn được xem như lãnh vực dành riêng cho người Ý. Cuộc nói chuyện vẫn còn, và thường thường, tôi cảm thấy mình là người lạ.
Văn phòng báo chí Vatican tháng 4 năm 2011 (AFP / Andreas Solaro)
Một thông báo chính thức được loan báo và được phân phát. Đó là một trong rất nhiều loan báo này cho một phái đoàn giám mục Châu Mỹ La Tinh. Qua đường đi bên trong, một lát sau, giọng nói trầm của Đức Giáo hoàng vang lên. Ngài đọc bản thông báo, thêm đây đó vài chữ … Tôi không thấy gì mà ngài chưa nói.
Không thiếu những nơi mà Giáo hội sống một cách nguy hiểm
Cảm giác đã thấy xâm chiếm tôi. Trên vi tính, trong hộp thư của tôi, tôi chìm ngập trong thời sự quốc tế của Giáo hội. Tôi thích chuyển bằng e-mail «để dùng hữu ích» (ATFU) cho các văn phòng của hãng tin AFP các tin tức của Radio Vatican, của các hãng tin Vatican, của các trang khác nhau theo các sinh hoạt của Giáo hội trên khắp năm châu. Từ Pakistan và Ấn Độ đến Kivu và Trung Phi, từ Syria đến Venezuela và Trung quốc, không thiếu những nơi mà Giáo hội sống một cách nguy hiểm. Nữ tu trong trại cùi, giám mục bên cạnh các người tị nạn ở Irak, sự dấn thân ở những tuyến đầu, đối với tôi là thời sự hấp dẫn nhất của Giáo hội, mà không bao giờ có ở Vatican.
Đức Phanxicô đọc diễn văn ở Philadelphia ngày 26 tháng 9-2015 (AFP / Vincenzo Pinto)
Càng về trưa thì văn phòng càng quốc tế hơn. Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ba Lan… Hai thông báo mới vừa được công bố. Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh đến giải thích các bí quyết cho chúng tôi. Các ký giả vây chung quanh cha, máy ghi âm giương ra. Một vài người thân tình quen thuộc ở bên cạnh phát ngôn viên cẩn thận này, xưng hô thân mật với cha.
Văn phòng thanh tra và Maria Mađalêna
Đôi khi các đề tài va chạm nhau. Ngày hôm đó, một trong các thông báo nói về một hợp đồng của Vatican với một công ty thanh tra Mỹ Price water house Coopers (PwC) và về Maria Mađalêna, người phụ nữ đã theo Đức Giêsu và Vatican thông báo nâng lên hàng thánh kính trong lịch các thánh. Giữa hai tin này, tâm hồn tôi lập tức nghiên về Maria Mađalêna. Nhưng thời sự cụ thể muốn tôi phải chọn tin PwC, tin hấp dẫn cho tình trạng kinh tế. Tôi đành phải để rơi tin về Maria Mađalêna. Dù chỉ là một hành vi nhỏ của Vatican để nâng vai trò của phụ nữ lên một chút. Vấn đề «quá đạo» cho đại đa số quần chúng và khó để «bối cảnh hóa» mà không bị biếm họa.
Linh mục phát ngôn viên Tòa Thánh Federico Lombardi trả lời các ký giả ngày 29 thánh 9-2012 (AFP / Tiziana Fabi)
Một bữa ăn sáng chờ tôi ở các tiệm ăn thường ăn Passettodel Borgo hay Arlu với một đồng nghiệp hay một linh mục của một trong nhiều ban bộ. Tôi thường nhận ra các đồng bạn của tôi cũng hay hỏi tin tức như tôi. «Người ta phản ứng như thế nào với hành vi gần đây của Đức Giáo hoàng? Người khác nói gì?» Đôi khi họ cũng lộ ra vài phản ứng cay đắng.
Liên Hiệp Quốc của Trastevere
Bây giờ tôi đang đi đến trụ sở Cộng đoàn Sant’Egidio, «Liên Hiệp Quốc của Trastevere», hôm qua họ gọi AFP một lần, sáng nay thêm một lần nữa, họ cho biết tân tổng thống Trung Phi Faustin-Archange Touadéra sẽ có buổi họp báo ở trụ sở của họ. Cộng đoàn Sant’Egidio có một trong các quyển sổ địa chỉ đầy đủ nhất thế giới. Chức năng nổi bật của họ: các người tị nạn, trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột, những người không giấy tờ Roms, nạn nghèo đói, giáo dục ở các vùng ngoại vi.
Canh thức Phục Sinh ở Đền thờ thánh Phêrô ngày 26 tháng 3 – 2015 (AFP / Alberto Pizzoli)
Rồi, cũng cùng khu phố, ở Dinh Saint-Calixte, một tài sản của Vatican, tôi đến chào vị hồng y Pháp về hưu Roger Etchegaray, khuôn mặt lớn của triều Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người của hy vọng và của những sứ vụ khó, ngài thân tình nghe tôi và luyến tiếc nhắc lại vùng đất quê hương Espelette của mình, với giọng nói như hát của vùng xứ Basque.
Sau đó tôi đến trạm số 8 «oltre Tevere» (phía bên kia sông Tibre) «văn phòng thứ hai của tôi», đó là trụ sở chính của AFP ở Rôma, nơi các đồng nghiệp của tôi lo vấn đề thời sự nước Ý.
Thánh lễ phong thánh ở Quảng trường Thánh Phêrô tháng 10-2015 (AFP / Filippo Monteforte)
Đã 5 giờ chiều và mỗi buổi chiều tôi đều xem trang tin thời sự của báo L’Osservatore romano. Tờ báo chính thức của Tòa Thánh này đăng một chú giải không phải là không hấp dẫn về việc nghị viện Ý thảo luận về hôn nhân của người đồng tính. Trên trang hàng tuần của báo Ý L’Espresso, ký giả có tầm ảnh hưởng Sandro Magister tấn công một cách chua cay cách mạng của Bergoglio, với lòng tiếc nuối thời trật tự của Đức Bênêđictô XVI. Trên trang Mỹ Crux, nhà vatican học John Allen chẻ một phân tích đầy nét khôi hài và kịch liệt về những mâu thuẫn của Giáo hội Mỹ đối với Đức Phanxicô.
Đức Giáo hoàng đến tiệm kính
Trên Twitter, khi biết tin một nghệ sĩ Đường Phố vẽ hình Giáo hoàng như một siêu nhân “superman” trên bức tường của khu phố Borgo, hay bất ngờ ngài đến tiệm kính ở trung tâm thành phố để thay mắt kính… Tôi kiểm chứng tin và chạy nhanh đến nơi. Một người chụp hình sẽ đến tại chỗ. Loại tin này nhanh như sấm sét.
Đức Giáo hoàng Superman, tác phẩm của nghệ sĩ đường phố người Ý Maupal đã làm du khách ở trung tâm thành phố Rôma vui vẻ, tháng 1 năm 2014 (AFP / Tiziana Fabi)
Tôi đến Villa Bonaparte trễ, đây là trụ sở của Tòa đại sứ Pháp, đường via Piave phía Bắc Rôma, nơi có buổi tiếp tân quy tụ các chức sắc cao cấp và các nhà ngoại giao, nhân dịp trao một giải có sự hiện diện của một bộ trưởng Pháp vừa đến hôm qua để dự một lễ phong thánh. Đó là dịp của những gặp gỡ nhanh chóng nhưng rất lý thú, không có máy ghi âm và thoải mái uống một ly sâm banh.
Trong đời sống của một ký giả làm việc ở Vatican, có những nơi quan trọng hơn những nơi khác. Nơi quan trọng đầu tiên là máy bay, một nơi khác là thư viện giáo hoàng, nơi thứ ba là quán càphê Borgo, Il Papalino, cuối cùng là nơi lịch sự Casina Pio IV trong Vườn Vatican.
Một vài nơi quan trọng: máy bay
Họp báo trên chuyến bay từ Châu Mỹ La Tinh về ngày 14 tháng 7 năm 2015 (AFP / Osservatore Romano)
Tiết mục thích nhất là gặp trực tiếp Đức Giáo hoàng trong các chuyến du lịch. Trao đổi chính yếu, phong phú nhất là ở trên máy bay của Đức Giáo hoàng. Có thể đưa tận tay ngài một quyển sách, một bức thư, trao đổi vài chữ với ngài, một cách cá nhân, khi ngài đến tận nơi chào từng người. Một cái gì rất cá nhân, một diễn tả của niềm vui, của sự quan tâm, lúc đó có thể trao đổi một cách ngắn gọn. Nhưng nhất là các buổi họp báo nổi tiếng, là cả một mỏ tin. Ngay cả trong những cái không nói, thì cũng có thể nhận định từ đó những điểm tế nhị, những ngần ngại, những ván bài, những trục trặc có thể có. Nếu đôi khi ngài trả lời khô khan, nhưng không có câu hỏi nào bị cấm kỵ, mọi câu trả lời đều tự phát. Trong một Giáo hội nửa tối nửa sáng, thì có một nhân vật rõ ràng, có một nhân cách dứt khoát lạc lõng và lạc hướng, làm khổ cho một vài cố vấn của ngài.
Thư viện giáo hoàng
Đức Phanxicô tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở thư viện Vatican, ngày 30 tháng 1 năm 2016 (AFP / Andrew Medichini – pool)
Cảnh được diễn ra ở tầng hai của Dinh Tông tòa, Dinh được trang hoàng lộng lẫy của Sixte Quint, ở thềm thư viện riêng của giáo hoàng, thủ tục không thay đổi. Chúng tôi «đồng minh» – hai hoặc ba ký giả được Văn phòng báo chí chọn – và, sau thời gian chờ ở một phòng chờ long trọng, trong sự thinh lặng gần như tuyệt đối, mình có thể nghe tiếng bước chân nhẹ, ở đầu hành lang trang hoàng bằng những bức khảm. Họ đi theo nhịp. Trước hết là những người cận vệ của Đức Giáo hoàng, họ mặc áo có nhiều huy chương. Rồi, đàng sau họ là một nam tổng thống (rất hiếm khi là nữ tổng thống) nhỏ con hay dong dỏng cao, người Phi châu, Latinô hay Âu châu, có vẻ rụt rè với những trang hoàng vàng bạc, cẩm thạch, bên cạnh là Giám mục Georg Gänswein, giám chức người Đức lo Phủ giáo hoàng và giới thiệu căn nhà quý phái. Rồi đến phái đoàn chính thức, với bước chân nặng và lúng túng. Đức Giáo hoàng đến tiếp khách của mình.
Chúng tôi, nhiếp ảnh gia và ký giả, được đưa nhanh đến bằng một hành lang hẹp để đến thư viện, thu những lời đầu tiên của hai người ngồi diện đối diện, nở nụ cười theo thủ tục từ đầu này đầu kia của cái bạn bằng gỗ dày. Và chúng tôi phải rút nhanh. Chúng tôi sẽ trở lại sau lúc trao quà. Chúng tôi phải đoán những chữ, những lời trong tiếng nháy lách cách của các máy chụp hình. Ngài có nói đến hòa bình, đến hòa hợp, đến hy vọng, đến cố gắng? Người thông tin sẽ nói với ký giả ở phòng báo chí.
Il Papalino
Một tuần trước , chúng tôi nhận một thư của Opus Dei. Hẹn ăn sáng lúc 9 giờ tại quán càphê Borgo, Il Papalino. Đa số các ký giả làm việc ở Vatican đã ở đó, họ đặt câu hỏi cho một giám mục Mêhicô, một cha xứ ở Trung Phi, hay một giám chức đến nói cho chúng tôi biết về một chuyến đi sắp tới của Đức Giáo hoàng, hay một sự kiện nào đó ở giáo triều. Luật là off, trừ ra người nói chấp nhận nói vài câu nào đó bằng on. Nhưng đôi khi, sau một giờ, giám chức đồng ý cho trích, như thế để góp thêm phần làm sáng tỏ sự việc. Và đôi khi họ cho các chỉ dẫn thật. Opus Dei, thường bị cho là quá bảo thủ và quá bảo mật, đã phục vụ chúng tôi thật chu đáo. Họ là những người duy nhất tổ chức những buổi gặp mặt như thế này. Một cách thông tin hiện đại ở một thế giới mờ mờ ảo ảo!
Casina Pio IV
La Villa Pia hay Casina Pio IV, tháng 2-2013 (AFP / Andreas Solaro)
Trước hết, chuyến đi rất đáng bỏ công, vì trụ sở của Giáo hoàng Học viện của ngành khoa học xã hội và khoa học ở ngay trong Vườn Vatican, một Villa thời Phục Hưng rất xinh đẹp với các các đá giả và tượng ở lưng chừng đồi xanh bát ngát. Ở đây chúng ta có thể nghe các chuyên gia, các cảnh sát, các ông tòa, các nữ tu nói về nạn buôn người, về người tị nạn, về các thảm kịch lớn trên thế giới. Ở đây cũng có thể gặp các cầu thủ, các tài tử phim ảnh. Đức Giáo hoàng thường đến phát biểu vào cuối buổi hội thảo. Dưới triều Đức Phanxicô, nơi này trở nên một nơi quan trọng nhất. Đường lối «chính trị lớn» được xử lý ở đây.
Xem như phần kết luận…
Trong năm năm ở Vatican, điều làm tôi thích thú và khó chịu nhất, đó là tất cả ảo ảnh mà người ta gắn vào đó, ảo ảnh mà chúng ta thấy chúng được chuyển đổi, được phóng đại trên các trang mạng xã hội. Ảo ảnh mà đôi khi trong đó, dù là người làm việc ở Vatican mình cũng thấy mình ở trong đó.
Đức Giáo hoàng bắt tay một hồng y ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 4-2016 (AFP / Tiziana Fabi)
Đó là, hoặc là lý tưởng hóa và bảo vệ bằng mọi giá thể chế (nó không thể lầm), hoặc, thường thường, cái tôi gọi là «tầm nhìn kiểu borgia», tên của triều đại tham nhũng của dòng họ Borgia, đề tài của hàng loạt phim tập truyền hình được tôn thờ.
Cứ mỗi lần tôi đi Paris, khi tôi tham dự hội chợ sách để bán hai quyển sách của tôi viết về các giáo hoàng, tôi thường nghe bình phẩm như sau: «Vậy với giáo hoàng này, ông hẳn bằng lòng, tất cả đều thay đổi. Dù có tất cả các mánh khóe chung quang ngài, cái Giáo triều này (khi nói đến chữ này, họ thở dài thật sâu như thử đứng trước những chuyện khủng khiếp, không tả được). Ông hẳn khổ với Đức Bênêđictô XVI? Một giáo hoàng đi lui và sợ sệt». «Xin nói cho tôi biết, ông nghĩ Đức Phanxicô bị đe dọa, có âm mưu chống ngài, ngài sẽ bị ám sát không?»
Một em bé chơi trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 1 tháng 6-2016 (AFP / Andreas Solaro)
Không, tôi không đau khổ dưới triều Đức Bênêđictô XVI mà tôi đi theo ngài từ năm 2011 đến ngày ngài từ nhiệm, 28 tháng 2 – 2013. Tôi còn nhớ nhân cách cao cả của ngài, cái nhìn rất chăm chú và trân trọng lúc tôi chào ngài.
Nhưng tôi khổ vì bầu khí ủ ê vào cuối giáo triều của ngài. Các tố cáo rơi xuống như mưa: Vatican bị ung hoại vì mafia; một ổ của những linh mục ấu dâm hay những người bảo vệ cho những người này; tin tức bị bịt lại; Giáo hội, quyền lực giàu vô biên, một thế giới bất lương. Vũ trụ một phần lớn bị ảo ảnh. Nhưng Vatican, một đất nước chăm chỉ làm việc và kín đáo, thật sự có thay đổi khi Đức Phanxicô đến hay không?
Tổng thống Barack Obama tiếp Đức Phanxicô ở Tòa Bạch Ốc ngày 23 tháng 9-2015 (AFP / Mandel Ngan)
Điều này sẽ có thể làm ngạc nhiên: phòng báo chí không thay đổi nhiều. Một vài dấu hiệu lành mạnh và thư giãn hơn, (linh mục Lombardi bình luận các bản tin của mình: «Bạn bè và các động nghiệp thân mến, đây là một yếu tố có thể giúp các bạn trong công việc của mình») nhưng cũng trong các buổi họp báo tưởng như không bao giờ chấm dứt, khi các hồng y đọc bài tham luận của mình như các thành viên có thế lực trong Đảng cộng sản thời Xô viết đọc. Chắc chắn, trao đổi tin tức nhanh hơn. Không còn điện thư báo tin một tai ương đến trễ 36 giờ sau. Và Đức Giáo hoàng có tài khoản Twitter. Nhất là các ký giả thảo luận sôi nổi và ồn ào, ủng hộ hay chống giáo hoàng. Với một số người, hình như họ hiểu Giáo triều còn hơn chính Giáo triều, họ không còn tôn trọng các luật lệ thiêng liêng và rất bất bình. Điều gì đã thay đổi? Đó là ngọn gió mùa xuân. Tất cả đều bất ngờ hơn, đôi khi kỳ cục buồn cười. Thể chế bị lay động tứ phía, những người ưa chống thì nhiều, nhưng giáo hoàng đã mang lại nụ cười cho Giáo hội.
Đức Giáo hoàng chào đám đông ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 30 tháng 4-2016 (AFP / Tiziana Fabi)
Jean-Louis de La Vaissière
Tùy viên của hãng AFP ở Vatican. Tác giả của ba khảo luận: Những người Đức là ai? (Max Milo, 2010), Từ Đức Bênêđictô XVI đến Đức Phanxicô, một cuộc cách mạng thầm lặng (Ed. Le Passeur, 2013), Đức Phanxicô, cuộc chiến đấu cho niềm vui (Ed. Le Passeur, 2015) và một tiểu thuyết: Ba anh em cho vĩnh cữu (Ed. Le Passeur, 2014).
Marta An Nguyễn chuyển dịch