Xin Yên nghỉ, cha Daniel Berrigan
Ronald Rolheiser, 02 Tháng Năm 2016
Trước khi chú tâm về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình, khi nhìn vào bên trong, sẽ tốt đẹp được đến đâu!
Daniel Berrigan đã viết những lời này, và chúng bày tỏ rất nhiều về con người và đức tin của cha. Cha vừa qua đời hôm 01-5, thọ 94 tuổi.
Chỉ vài lời thì không thể nói hết về cha Berrigan. Cha coi thường những định nghĩa vội vã và mô tả dễ dãi. Cha vừa là một người suy nghĩ độc lập, một con người hoạt động đến ám ảnh, thậm chí là một nhân vật thiêng liêng phức tạp nhất thế hệ chúng ta. Nơi cha, chúng ta thấy cả sự mãnh liệt của thánh Gioan Tẩy giả và sự trìu mến của Chúa Giêsu. Cha nổi danh toàn cầu là một nhà đấu tranh vì công bằng xã hội, một linh mục chống chiến tranh, một nhà thơ, một ngòi bút thiêng liêng hàng đầu, một tu sỹ dòng Tên không theo khuôn phép, và cùng với người bạn thân Dorothy Day, cha là một trong những người chủ trương phi bạo lực hàng đầu của thế hệ chúng ta. Như Dorothy Day, cha tin rằng mọi bạo lực, dù chiếu theo hoàn cảnh có hợp lý đến thế nào đi nữa , cũng sẽ luôn luôn nảy sinh thêm bạo lực. Với cha, bạo lực không bao giờ có thể bào chữa cho nó bằng cách nhận về mình sự ưu việt đạo đức so với bạo lực mà nó đang cố ngăn chặn. Phi bạo lực là con đường duy nhất đến với hòa bình, đây là điều mà cha chủ trương bảo vệ không nhân nhượng. Như Dorothy Day, cha không thể hình dung Chúa Giêsu với một khẩu súng.
Cha Berrigan sống bằng nguyên tắc phi bạo lực và dành cả đời để thuyết phục người khác tin tưởng vào chân lý này. Điều này gây cho cha nhiều phiền toái, cả trong xã hội lẫn giáo hội. Thậm chí là đẩy cha vào tù. Năm 1968, cùng với em trai Phillip của mình, cha đi vào một tòa nhà liên bang ở Catonsville, Maryland, gỡ bỏ một vài bản trích lục và đốt chúng trong thùng rác. Vì việc này, cha bị kết án ba năm rưỡi tù giam. Nhưng điều này ghi khắc không phai hình ảnh của cha trong lương thức của cả thế hệ. Về sau cha mãi được biết đến là một thành viên của nhóm Catonsville Nine và từng xuất hiện trên tờ Time.
Tôi đang học chủng viện, trong những năm 1960 đầy biến động đó, khi phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ lôi cuốn nhiều đám đông, và Daniel Berrigan là một biểu tượng của họ. Hơn nữa, tôi ở trong một chủng viện mà hầu hết mọi sự đều buộc chúng tôi không tin tưởng vào cha Berrigan và phong trào phản chiến. Theo quan điểm của chúng tôi thời đó, đây không phải là việc một linh mục Công giáo nên làm. Về sau, tôi cũng không ngưỡng mộ gì cha. Tôi được biến đổi khá muộn.
Sự biến đổi này khởi sự khi tôi bắt đầu đọc các quyển sách của cha Berrigan. Tôi được đánh động vì ba điều: Thứ nhất, nhờ thách thức mang tính Phúc âm mà cha đã tuyên bố quá rõ ràng, thứ hai là nhờ chiều sâu thiêng liêng của cha, và cuối cùng là nhờ sự thông tuệ và thi điệu trong ngôn ngữ của cha. Cha thật là một ngòi bút có tài và là một Kitô hữu đầy thách thức. Tôi ghen tỵ với ngữ vựng của cha, cách cha chuyển ý, sự thông minh, hóm hỉnh, chiều sâu, và sự dấn thân triệt để của cha. Tôi bắt đầu đọc mọi bài cha viết và cha bắt đầu có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên cuộc đời và việc mục vụ của tôi. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy một thách thức của Chúa Giêsu lại không khoan nhượng đến thế, khi không chỉ hành động vì bác ái mà còn vì công lý.
Cha Larry Rosebaugh, một hiến sỹ cùng dòng với tôi, cũng đã vào tù trong các cuộc biểu tình phản chiến và về sau bị bắn chết ở Guatemala, đã chia sẻ trong tự thuật của mình rằng trước khi cha thực hiện việc đã khiến cha phải vào tù, cha đã dành cả đêm cầu nguyện với cha Daniel Berrigan. Lời khuyên của cha Berrigan cho cha là: Nếu cha không thể làm việc này mà không chua cay và giận dữ với những người bắt cha, thì đừng làm thế. Ngôn sứ là một lời thề với tình yêu, chứ không phải với ghẻ lạnh. Có một lằn ranh mỏng manh mà người ta thường băng qua khi cố gắng thực thi tính ngôn sứ.
Nghịch lý thay, với tất cả những lời khuyên nhủ của mình cho người khác, cha Berrigan cũng đã phải đấu tranh dữ dội để làm được điều này, để phản kháng từ một tâm điểm yêu thương chứ không phải tâm điểm giận dữ. Ở tuổi 62, cha viết một tự thuật, Chìm trong Bình an, thẳng thắn chia sẻ rằng cha chưa bao giờ có được mối quan hệ tốt đẹp với cha của mình, và ông cũng chưa bao giờ chúc lành cho cha và em trai Philip của cha. Đúng hơn, cha của cha Berrigan luôn luôn e ngại hơn là tự hào về tài năng và sinh lực của các con trai mình. Từ thú nhận này, cha Berrigan tiếp tục hỏi rằng liệu có gì lạ khi cha luôn luôn là cái gai trong mắt mọi nhân vật cầm quyền mà cha từng đối đầu: các tổng thống, các giáo hoàng, giám mục, bề trên dòng, các chính trị gia, cảnh sát. Cha phải mất 60 năm mới lấy lại được bình an khi không được cha mình chúc lành, nhưng Thiên Chúa vẽ đường thẳng với những đường cong, sự triệt để nổ bùng trong cha đã thách thức cả một thế hệ.
Trong những năm tuổi già, cha Berrigan bắt đầu làm việc trong một nhà tế bần, tìm kiếm nơi những người sắp chết một chiều sâu để đứng vững trước thứ mà cha e ngại trong tương lai, là sự thiển cận.
Thế hệ của cha sẽ giằng xé khi phán xét về cha, có người yêu kẻ ghét. Nhưng lịch sử sẽ nói về cha. Cha luôn luôn là người đứng về phía Thiên Chúa, hòa bình và người nghèo.
Xin Yên nghỉ, cha Daniel Berrigan.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch