Trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 30-5 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, Đức Giáo hoàng Phanxicô Tập trung vào ba chủ đề của hiệp nhất trong đời sống Kitô, là những dấu chỉ của ký ức, tinh thần ngôn sứ và tầm nhìn vững vàng của trông cậy.
Đức Thánh Cha lấy trọng tâm bài giảng từ đoạn tin mừng theo thánh Máccô, kể lại chuyện Chúa Giêsu nói với các tư tế, kinh sư và Pharisiêu bằng dụ ngôn những tá điền sát nhân.
“Việc họ giết những nô bộc của chủ, và cả con trai độc nhất của ông, một hình ảnh kinh thánh nói về các ngôn sứ và về chính Chúa Kitô, cho thấy những người này tự tung tự tác, không mở ra với lời hứa của Thiên Chúa, một dân không chờ đợi sự thành toàn lời hứa của Thiên Chúa, một dân không biết ghi nhớ, không biết ngôn sứ, và không trông cậy. Lãnh dao của dân này ham mê dựng lên những bức tường vị luật, một hệ thống pháp chế khép kín, và ngoài ra chẳng muốn gì nữa.
Họ không bận tâm đến ký ức, không cần ngôn sứ, và cũng chẳng có niềm trông cậy. Nhưng rồi mọi người sẽ thấy ra hết. Đây là một hệ thống với các luật gia, thần học gia luôn luôn ngụy biện và không để tự do của Thần Khí đi vào, họ không nhận ra ơn Chúa, ơn của Thần Khí, và họ nhốt chặt Thần Khí, bởi họ không chấp nhận tính ngôn sứ trong đức cậy.
Chúa Giêsu đã nói về hệ thống tôn giáo này. Và trong bài đọc một, thánh Phêrô cũng nói về một hệ thống thối nát, trần tục và ham lạc thú.
Lúc ở trong hoang địa, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bỏ đi ký ức về sứ mạng, bỏ đi vai trò ngôn sứ và ham muốn sự an toàn hơn là đức cậy. Do đó, Chúa Giêsu nói với dân này rằng: ‘Các người đi khắp nửa vòng trái đất để chiêu mộ một người, rồi khi tìm được người đó, các ngươi biến họ thành nô lệ.’
Dân này đã làm thế, biến họ thành nô lệ, và như thế chúng ta có thể hiểu được phản ứng của thánh Phaolô khi ngài nói về sự nô lệ lề luật và tự do mà ân sủng đem lại, một dân tộc được giải thoát, một giáo hội được giải thoát, khi nó gìn giữ ký ức, thực thi tính ngôn sứ, và không mất lòng trông cậy.
Vườn nho chính là hình ảnh của Dân Chúa, hình ảnh của Giáo hội và cũng là hình ảnh cả linh hồn chúng ta, mà Chúa Cha luôn chăm lo với yêu thương và ân cần. Nổi loạn chống Chúa, là quên đi gốc rễ những gì chúng ta nhận được từ Ngài., như thế để luôn luôn hướng về cội nguồn chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ.
Liệu tôi có nhớ những sự phi thường mà Chúa đã làm trong đời tôi không? Tôi có thể nhớ được những ơn Chúa ban không? Tôi có thể mở lòng ra với lời ngôn sứ, chẳng hạn nói với tôi rằng, ‘như thế không được, phải tiến tới, phải liều lĩnh’ hay không? Ngôn sứ chính là thế, tôi mở ra hay e ngại, tôi có thích khép kín bản thân trong lề luật hay mở ra trong trông cậy? Cuối cùng, tôi có trông cậy vào lời hứa của Thiên Chúa, như Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham khi xưa, bỏ quê nhà đi mà không biết mình đi đâu, đi chỉ bởi trông cậy vào Chúa. Thật tốt nếu chúng ta biết đặt cho mình ba chất vấn này mỗi ngày.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng