lemonde.fr, Cécile Ducourtieux (Bruxelles, văn phòng Âu Châu) 2016-05-06
Một biểu tượng mạnh: Chia rẽ, bệnh tật, lâm vào tình thế tuyệt vọng, một Âu Châu hy vọng tìm nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô chút nâng đỡ tinh thần. Các nhà lãnh đạo của ba thể chế chính của Liên hiệp Âu Châu, ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng, ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện Âu Châu đến Rôma sang thứ sáu 6 tháng 5 để trao Giải Charlemagne cho Đức Giáo hoàng.
Giải này được thành lập năm 1948 ở Đức để vinh danh các nhân vật “đã hoạt động để thống nhất Âu Châu”. Các ông Schulz, Juncker và Tusk, cả ba đều đã nhận được Giải này. Bình thường Giải này được trao ở thành phố Aix-la-Chapelle, nhưng Đức Giáo hoàng xin được nhận ở Vatican. Buổi lễ diễn ra vào buổi trưa thứ sáu 6 tháng 5 ở Phòng Sala Regia của Vatican, ba vị chủ tịch sẽ đọc diễn văn và buổi lễ kết thúc bằng bài diễn văn của Đức Giáo hoàng.
Trong số các khách mời có Bà Angela Merkel, thủ tướng nước Đức, ông Matteo Renzi, thủ tướng nước Ý, Đức vua Felipe của Tây Ban Nha, ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu. Đại diện nước Pháp là bà Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem. Ông Schulz là người giới thiệu chính để Đức Giáo hoàng nhận được Giải này, ông phát biểu về các “giá trị” của Âu Châu, ông Juncker nói về “Âu Châu” và ông Tusk, cựu thủ tướng Ba Lan nói về “kitô giáo”.
Trong khi Âu Châu đang đi qua cơn khủng hoảng hiện sinh, các nhà lãnh đạo Âu Châu hy vọng tìm nơi Đức Giáo hoàng một ít hỗ trợ tinh thần trong cố gắng duy trì lại các nước thành viên ngày càng chia rẽ. Cơn khủng hoảng di dân là lý do chia rẽ sâu đậm và đã tạo một hố sâu chia cách giữa các Quốc gia thành viên; một vài Quốc gia Đông Âu và Trung Âu (Hung, Áo, Ba Lan, Slovaquia…) từ chối “đảm nhận phần mình”. Trùm lên đó là sự đe dọa khủng bố đã làm cho phản ứng của người dân đanh lại với người di dân. Và phong trào dân túy bài-liên hiệp Âu Châu càng ngày càng lên cao trên toàn Âu Châu.
Trong cuộc họp mặt bàn tròn chiều thứ năm ở Viện bảo tàng Capitole với các ông Juncker và Schuzl, ông Donald Tusk đã có những lời lẽ rất mạnh. “Ngày nay, chúng ta phải thừa nhận giấc mơ một Quốc gia Âu Châu với một lợi ích chung, một tầm nhìn chung, một đất nước Âu Châu là ảo tưởng”, ông tuyên bố. Ông cho rằng, phải khẩn cấp “thuyết phục cho các công dân của chúng ta, rằng chúng ta có thể mang đến an toàn và ổn định đến cho họ qua việc kiểm soát một cách có hiệu quả các biên giới của chúng ta. (…) Đây là chiến lược duy nhất để chận đứng quyền lực của những người chủ trương dân túy”.
Đức Giáo hoàng sẽ tố cáo sự ích kỷ của một số nước thành viên hay không? Âu Châu có nhận mình không có khả năng hay không? Còn thỏa ước gây tranh cãi “nhượng lại” người tị nạn cho Thổ Nhĩ Kỳ thì sao? Các bức tường được dựng lên để chận làn sóng người di dân thì sao? Một điều chắc chắn: các vấn đề di dân là các vấn đề mà Đức Giáo hoàng quan tâm
Tháng 11 năm 2014, trước Nghị viện Âu Châu, Đức Giáo hoàng đã không nhân nhượng, ngài cho rằng Liên hiệp Âu Châu cho một “cảm tưởng chung là mình đang mệt mỏi và già nua”, hình ảnh của một “bà cụ Âu Châu không còn sống động và sinh sôi,” và nhiều lần Đức Giáo hoàng nhắc lại các “giá trị nhân bản” của Âu Châu.
Tháng 4 vừa qua, trong lần đến đảo Lesbos, Đức Phanxicô đã muốn cho các ống kính hướng về “cơn khủng hoảng nhân loại” ở trên đảo này, các trại chuyển tiếp ở đây trong những tuần vừa qua trở thành trại giam giữ người tị nạn và người di dân. Ngài đã mang theo ba gia đình gồm 12 người về Vatican theo mình. Một biểu tượng nhưng cũng là một cách để mang lại hy vọng cho hàng ngàn người chạy trốn chiến tranh, chạy trốn cảnh khốn cùng, mà bây giờ Âu Châu lại đuổi họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch