Các nhà khoa học đã tìm được sự tương đồng tuyệt đối về các điểm máu chảy trên hai tấm khăn này.
Aleteia | Paraula | 11-04-2016
Tấm khăn liệm Turin và Khăn mặt Oviedo ‘gần như chắc chắn là được đậy trên xác của cùng một người.’ Đây là kết luận của cuộc nghiên cứu so sánh hai thánh tích này, với phương thức pháp y và hình học.
Nghiên cứu này của tiến sỹ Juan Manuel Miñarro, giáo sư điêu khắc ở Đại học Seville, một phần trong dự án được Trung tâm Nghiên cứu Tấm khăn liệm Turin ở Tây Ban Nha tài trợ.
Kết quả này củng cố cho truyền thống hơn hai thiên niên kỷ nay rằng, hai tấm vải này đều phủ xác Chúa Giêsu thành Nazareth.
Tương truyền, Tấm khăn liệm Turin là tấm vải lớn bọc xác Chúa Giêsu trong mồ, còn Khăn mặt Ovideo là tấm vải che mặt Chúa Giêsu trên thánh giá sau khi Ngài chết. Theo Tin mừng, thì thánh Phêrô và Gioan đã thấy hai tấm khăn này trong mồ Chúa.
Tiến sỹ Miñarro giải thích, ‘Nghiên cứu không chứng minh người được hai tấm khăn này phủ là Chúa Giêsu Kitô, nhưng đây là một bước tiến để khẳng định không thể chối cãi rằng Tấm khăn liệm Turin và Khăn mặt Oviedo được phủ quanh đầu của cùng một người.’
Các vết máu
Thật vậy, cuộc nghiên cứu đã tìm thấy các điểm tương đồng giữa hai tấm khăn ‘vượt quá con số tối thiểu về chứng cứ hay điểm quan trọng cần có, chiếu theo hầu hết hệ thống pháp y trên thế giới, bởi tiêu chuẩn là 8 đến 12 điểm, còn chúng tôi tìm được hơn 20 điểm tương đồng.
Đặc biệt, nghiên cứu còn khám phá ra những ‘chứng cứ rất quan trọng’ trong đặc nét hình thái học nguyên tắc (dạng, độ lớn, và khoảng cách giữa các điểm máu) con số và mức độ của vết máu, các vết không lẫn vào đâu được của những vết thương in lên khăn.
Có ‘những điểm thể hiện sự tương hợp giữa hai tấm khăn’ ở vùng trán, nơi vẫn còn các dấu tích máu, cũng như ở vùng mũi, nơi xương gò má và cằm ‘cho thấy các vết thương khác nhau.’
Về các vết máu, tiến sỹ Miñarro giải thích rằng các vết tìm thấy trên hai tấm vải có các khác biệt về hình thái học, nhưng ‘điều không thể nghi ngờ đó là các điểm mà máu chảy ra, đều tương đồng hoàn toàn.’
Có thể giải thích các khác biệt rằng ‘sự tiếp xúc của hai tấm khăn với khuôn mặt là khác nhau, về thời gian, vị trí, và mức độ tiếp xúc, cũng như về độ co giãn của mỗi tấm vải.’
Chắc chắn, các chứng cứ này cho thấy, ‘hai tấm vải là chứng cứ cho thấy thật khó để cho rằng chúng từ hai người khác nhau.’
Với kết quả cuộc nghiên cứu này, ‘thật ngớ ngẩn khi cho rằng tất cả những vết thương trên hai tấm khăn, trùng hợp một cách tình cờ. … Lý luận lôgic đòi buộc chúng ta phải tuyên bố hai tấm khăn này cùng phủ một người.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch