jesuites.com, tháng 3-2016
Linh mục Dòng Tên Xavier Nucci đưa ra một chương trình giáo dục nhằm khơi dậy đời sống nội tâm của trẻ con, đưa ra quan điểm của mình về “chánh niệm”, một lối suy nghĩ về đời sống nội tâm của mình.
Báo Thập giá: Cha nghĩ gì khi chánh niệm được hâm mộ nhiều như vậy?
Linh mục Xavier Nucci: Tôi không thể nào vui hơn khi thấy càng ngày càng có nhiều người muốn dành thì giờ ra để chú ý đến nó. Chúng tôi hiểu cuộc sống chúng ta theo một nhịp rất bận rộn. Đến lúc phải có phương cách ngừng lại để thở. Tôi thấy rất tiếc là nhiều người chỉ bằng lòng vài cách thư giãn sơ sài là được. Tầm mức này quá quan trọng để chỉ làm chừng đó. Tuy nhiên tôi rất đánh động khi thấy các nhà diễn thuyết như các ông Christophe André, Matthieu Ricard hay Fabrice Midal tham dự vào ngày báo Sự Sống (La Vie) tổ chức thảo luận về đề tài này.
Chữ “chánh niệm” có bao gồm hết các thực tế đối chọi theo các truyền thống xuất thân của nó không?
Có, và rất chính xác. Chữ này có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau khi nói đến chiêm niệm theo truyền thống zen, kitô, yoga hay hồi giáo. Thêm nữa, các tà phái lạm dụng nó trong “phạm vi” theo thời trang này. Điều để chúng ta phân biệt là, đàng sau các hình thức này là quan điểm của con người và tương quan của nó với chiều kích thiêng liêng (chẳng hạn nó không cùng một quan điểm trong phật giáo hay trong kitô giáo). Tôi biết có những tác giả nói về “linh đạo vô thần”, nhưng đây cũng là chữ nói đến các thực thể khác nhau. Đối với người kitô, linh đạo là con đường hướng về Chúa, nơi chúng ta được hướng dẫn qua Tinh thần yêu thương của Ngài.
Và với trẻ con, có phải đây là một phương tiện để giúp chúng tăng trưởng không?
Rất sớm trong cuộc đời, các em càng ngày càng bị các sinh hoạt bên ngoài lôi cuốn. Tất cả những gì giúp chúng ý thức với những gì chúng đang sống là rất quý. Cách đây 10 năm khi chúng tôi bắt đầu đưa ra chương trình thức tỉnh đời sống nội tâm, chúng tôi được cho là những người rất đặc biệt. Bây giờ, nó không còn là vấn đề. Tuy nhiên, thời gian ngừng lại để tịnh tâm không thể tóm tắt trong vài kỹ thuật, dù nó có tốt như thế nào.
Theo tôi ba điều kiện để tránh vấn đề này là: người lớn hướng dẫn các em thì chính họ cũng đã tự mình trải nghiệm; họ phải làm trong tinh thần tôn trọng tối đa và lắng nghe diễn biến đang xảy ra khi trẻ em đang thực hành các bài tập này và để được vậy, sau mỗi kinh nghiệm, họ phải khuyến khích các em diễn tả ra bằng lời; để, cuối cùng, các bài tập này có thể được trải nghiệm với các em khác nếu có thể, để giúp các em không co cụm vào mình. Bởi vì cùng đích của các chuyện này là giúp các em sống tốt hơn trong tương quan với chính mình nhưng cũng với người khác, và qua đó là với Chúa, nguồn của mọi Tình yêu và mọi Bình tâm.
Về Giáo dục hướng nội:
Giáo dục hướng nội ở các lớp tiểu học liên hệ trực tiếp với các mục đích của đường hướng dgu theo tinh thần I-Nhã. Được phát triển trong toàn bộ các trường Dòng Tên, phương cách giáo dục này đã mang lại hoa quả. Chẳng hạn ở Caousou, Toulouse, nơi thức tỉnh hướng nội đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Hướng đi này đã được một nhóm lãnh đạo các trường tiểu học đưa ra và hiện nay nhiều trường ở Pháp đã áp dụng.
Marta An Nguyễn chuyển dịch