Sư huynh Maria, từ vô thần đến đan viện Lerins

489
Sư huynh Maria, từ vô thần đến đan viện Lerins

aleteia.org, Marie Lorne, 2016-03-09

Sư huynh MariaSau cuộc trở lại chớp nhoáng, sư huynh quyết định tận hiến đời mình cho Chúa.

Khi Sư huynh Maria sinh ra, cha mẹ đặt tên cho sư huynh là Alain, gia đình sư huynh theo đạo tin lành nhưng không giữ đạo. Alain được rửa tội nhưng không học giáo lý. Ngoại trừ bà ngoại thì cả gia đình sống trong tinh thần hoài nghi, sư huynh lý giải: “Tôn giáo chỉ làm ngu dân”. Đối với thanh niên trẻ Alain, hình ảnh Giáo hội bên trong cũng như bên ngoài là cái thắng chận đứng sự phát triển đức tin của mình. 

“Cuộc đi tìm lý tưởng của tôi đã cho tôi thấy các giới hạn của thế giới vật chất”

Càng lớn lên, Alain càng đặt các câu hỏi hiện sinh và triết lý: “Cuộc đi tìm lý tưởng của tôi cho tôi thấy các giới hạn của thế giới vật chất. Tôi khao khát một thế giới thiêng liêng, một thế giới thật.” Vì thế sư huynh chú ý đến những gì đang xảy ra, những gì giúp sư huynh hình thành suy tư có tính cách thiêng liêng hơn. Thời gian đầu, sư huynh quan tâm đến các cộng đồng như “môi sinh”. Sư huynh nhớ lại: “Đến một lúc, tôi tưởng tôi tìm được thớ vải của tinh thần cộng đoàn và huynh đệ”. Nhưng nhanh chóng sư huynh bị vỡ mộng: “Khía cạnh thiêng liêng gần như vắng bóng, dưới lớp sơn son là một chủ nghĩa ích kỷ, ai cũng chỉ nghĩ đến cho riêng mình. Hiệp thông giữa các thành viên là chuyện không thể có.” Chính vì ý thức như vậy nên sư huynh đi trở lại con đường thiêng liêng. 

Vào nhà thờ là người vô thần, ra nhà thờ là tín hữu

Vì thế Alain làm quen với một nhóm người cũng đi tìm đức tin. Họ có cảm tình với nhau và quyết định đến miền Thượng-Sa mạc Sahara ở Phi Châu để sống trong một làng kitô với một thiểu số là người hồi giáo, sư huynh kể: “Chính ở đó mà tôi gặp Chúa”. Ở làng này, sư huynh gặp những người “cởi mở” và những gia đình “rất có lòng tin”. Xúc động trước những chuyện này, sư huynh tiến bộ dần dần. Đến lễ Giáng sinh, Alain đi lễ lần đầu, sư huynh thổ lộ: “Tôi có thói quen vào thăm nhà thờ, nhưng chưa bao giờ dự phép Thánh Thể”. Trong ngôi làng nhỏ xa xuôi hẻo lánh nhưng lại có nếp văn hóa Pháp này, sư huynh cảm thấy mình tự do để sống đức tin. Thánh lễ do một linh mục thừa sai cử hành, trong thánh lễ có cả lễ rửa tội. “Chính lúc đó là lúc Chúa Kitô rơi xuống”. Khi vào nhà thờ thì vô thần nhưng sau khi ra khỏi nhà thờ thì Alain thành tín hữu. 

“Đời tôi chỉ có ý nghĩa nếu tôi giao đời mình cho Chúa Giêsu Kitô”

Khi Alain về lại Pháp, anh thay đổi rất nhiều. Một xác tín ăn sâu trong lòng anh: “Đời tôi chỉ có ý nghĩa nếu tôi giao nó cho Chúa Giêsu Kitô”; thêm vào đó là một ước muốn: Ước muốn tháp tùng những người như mình, những người đi tìm Chúa Giêsu. Lúc đó, sư huynh cũng chưa biết Chúa gọi mình đi theo con đường nào, sống thánh hiến hay ở ngoài đời. Để nhìn rõ hơn, sư huynh quyết định tìm người đồng hành về mặt thiêng liêng với mình, sư huynh ghi tên học thần học và nhận phép Thêm sức. Cùng thời gian này, sư huynh liên lạc với các anh em dòng Xitô ở đảo Lerins. Khi tiếp xúc với các sư huynh khác, Alain biết được đời sống gia đình cộng đoàn, biết được giờ cầu nguyện: “Đời sống chia sẻ trong tình huynh đệ, làm việc và cầu nguyện là một lối sống vững chắc cho Chúa Kitô”. Ngoài bức tường chắn của tu viện thì sư huynh khó biết ai là anh em mình. Mỗi người ở trong thinh lặng của mình. Dù trong bóng tối mờ ảo này, trong tận tâm hồn mình, sư huynh biết cuộc sống này phù với mình. Rất nhanh chóng, “đời sống này làm cho tôi muốn dấn thân vào”.

“Trong đời sống tu viện, người tu sĩ đi qua hết trọn chiều dày của nhân loại”

Năm 31 tuổi, Alain trở thành Sư huynh Maria. Anh vào dòng Xitô sau khi ở Phi châu về một năm. Bây giờ anh có “cảm tưởng như mình mới vào dòng hôm qua.” Làm bề trên các tập sinh trong vòng 13 năm, hiện nay anh là sư huynh tiếp khách. Nhìn lại thiện hướng của mình khi còn trẻ, anh không khỏi không vui: thành lập một nhà đón những người đi tìm một con đường thiêng liêng. Trước khi làm được như vậy, sư huynh đã đi qua tất cả giai đoạn trưởng thành của đời sống tu viện:” Tôi đã đi qua các vùng tối cũng như vùng sáng, những chỗ đẹp cũng như những nơi xấu. Sư huynh khiêm tốn khẳng định: “Trong đời sống tu viện, người tu sĩ đi qua hết trọn chiều dày của nhân loại.”  Mỗi năm, sư huynh tiếp từ 3 000 đến 4 000 người đến thăm tu viện. Rất nhiều khuôn mặt sư huynh tiếp đón, mỗi người có một câu chuyện khác nhau. Thường thường, sư huynh thấy nơi các người này các câu hỏi mà khi chưa trở lại sư huynh cũng đã đặt, sư huynh kể: “Rất nhiều người sau khi đi qua phòng khách đã tìm lại được đức tin”. Đó là điều đã làm cho bây giờ sư huynh sống với “nhiều tình thương hơn và lòng thương xót hơn”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch