Những hạt ngọc của Nhà nguyện Thánh Mácta

755

Những hạt ngọc của Nhà nguyện Thánh Mácta

Chương 15 sách Đức Phanxicô, Cuộc đời và Cách mạng

(Pope Francis, Life and Revolution, Elisabetta Piqué, Loyola Press)

Lời khuyên của Đức Phanxicô để có một bài giảng thành công

Trẻ con chưa bao giờ đàng hoàng như thế trong thánh lễ. Chúng cũng chưa từng thức dậy vào lúc 6 giờ kém 15 phút sáng mà không kèo nhèo phản đối. Hôm đó là ngày thứ bảy 11 tháng 5-2013, và các con tôi, Juan Pablo 8 tuổi và Carolina 5 tuổi rưỡi, chúng biết chúng sắp được gặp Đức Phanxicô lần đầu tiên kể từ khi ngài trở thành Giáo hoàng, chúng đã chỉnh tề trong bộ đồ màu trắng.

Nhờ sáng kiến của một đồng nghiệp và nhờ đại sứ Argentina Juan Pablo Cafiero ở Tòa Thánh, một nhóm phóng viên Argentina đang sống ở Rôma, cùng gia đình con cái họ được vinh dự tham dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành lúc 7 giờ sáng tại Nhà nguyện Thánh Mácta.

Các bài giảng trong thánh lễ hàng ngày, cảm hứng từ bài Phúc âm mỗi ngày và được phát đi trên Đài Phát Thanh Vatican, đó là những chỉ dẫn quan trọng để chúng ta hiểu các giá trị trong đường hướng giáo triều của ngài. Các bài giảng này có khi ngài giảng không cần soạn trước, ngài giảng từ quả tim mình đã cho thấy một loạt chương trình hành động mà ngài muốn đề nghị. Các nhân viên làm việc ở giáo triều, ở các tòa đại sứ tại Vatican, các nhà báo và chuyên gia ở các ban sự vụ của Tòa Thánh đã nghiên cứu tỉ mỉ các bài giảng này – những viên ngọc trí tuệ quý báu đích thực.

Bầu trời hôm nay xám xịt, chúng tôi đã tề tựu trước cổng Thánh Phêrô từ 6 giờ 40 sáng. Thường thì người ta sẽ đi qua cổng này để đến Đại Thính Đường Phaolô VI nằm phía bên trái của Đền thờ Thánh Phêrô. Đại sứ Cafiero và phu nhân tay cầm danh sách khách mời, hai Cận vệ Thụy sĩ tháp tùng một nhóm khoảng 25 người Argentina; trong đó có sáu trẻ em, đang đi về hướng Nhà nguyện Thánh Mácta.

Khi đến nơi, Đức ông Alfred Xuereb, thư ký của Đức Phanxicô chào và dẫn chúng tôi vào nhà nguyện. Nhà nguyện có kiến trúc hiện đại nhưng đơn giản. Ở hàng ghế đặc biệt phía bên trái, một nhóm cảnh sát Vatican đã đứng sẵn trong đồng phục xanh da trời. Từ khi nhậm chức, mỗi sáng Đức Phanxicô dâng thánh lễ cho các nhân viên Tòa Thánh, từ người quét rác, người làm vườn, hay nhân viên của báo Quan sát viên Rôma (Osservatore Romano) và những người ngoài như chúng tôi, những người được phép tham dự thánh lễ. Có tất cả khoảng 80 người.

“Ngài muốn những người bình thường cũng được dự lễ chứ không phải chỉ các linh mục nay các nữ tu, vì nếu không thì thánh lễ chỉ quy tụ hàng giáo sĩ,” một giám mục làm ở giáo triều nhiều năm cho biết.

Đúng bảy giờ, Đức Phanxicô xuất hiện, ngài mặc chiếc áo lễ giản dị và mang đôi giày đen thường ngày, đi bên cạnh ngài là hai linh mục đồng tế. Ngài rất tập trung. Sự tĩnh lặng bao trùm không gian, và với các nhà báo Argentina có mặt lúc này, khoảnh khắc này thật xúc động. Juan Bablo và Carolina ngồi ở hàng ghế đầu, đó là chủ ý của chúng tôi để các cháu ngồi cho đàng hoàng. Chúng đã biết Đức Phanxicô từ khi chúng còn bé tí, ngài rửa tội cho chúng. Chúng ngồi im như tượng trong suốt bài giảng. Gerry và tôi ngồi sau lưng chúng, nhưng chúng tôi không hề nhắc nhở chúng chút nào.

Như thường lệ, Đức Phanxicô giảng với một phong cách giản dị, trực tiếp nhưng sâu sắc. Ngài có khả năng truyền tải sinh lực và nhiệt huyết. Ngài nói về các vết thương của Chúa, những vết thương đã giúp chúng ta vượt khỏi chính bản thân mình để hướng về Chúa, với lời cầu nguyện không nhàm chán nhưng có thể chạm đến tâm hồn những người đang đau đớn, khổ sở, và những người nghèo khó.

Cuối thánh lễ, một linh mục đến khen Juan Pablo và Carolina là các cháu “Rất giỏi!”. Trong lúc đó, Đức Phanxicô vào phòng thánh để thay áo lễ. Sau đó, ngài đi ra với chiếc áo trắng thường lệ, ngài ngồi ở ghế cuối nhà thờ và thinh lặng cầu nguyện cùng với mọi người. Đây cũng là một trong các thói quen của ngài.

Một ít phút sau, ngài đứng ở sảnh bên cạnh nhà nguyện để chào chúng tôi, những người may mắn dự thánh lễ. Như chủ nhà, ngài chào từng người một, ngài đúng là một mục tử tận tụy, một tu sĩ mang một lời nói, một lời khen, một cái ôm, hay một cái hôn đến mỗi chúng tôi.

Người bạn Cristina Taquini và cũng là đồng nghiệp của tôi hào hứng tặng Đức Phanxicô chiếc pon-chô xinh đẹp màu trắng và xanh được làm từ lông lạc đà thảo nguyên vùng Catamarca và được Phó Thống đốc tỉnh Catamarca, ông Dalmacio Mera miền Tây-Bắc Argentina gởi đến. Juan Pablo và Carolina tặng ngài các bức vẽ của chúng. “Mấy bức vẽ này dễ thương làm sao!” Ngài nói và cúi xuống hôn hai đứa, âu yếm chúng với tấm lòng dịu dàng đặc biệt. Carolina có cả một cuốn an-bum gồm toàn bưu thiếp hình Đức Phanxicô, em đã vẽ tấm chân dung ngài mặc đồ trắng, mắt đeo kính và tay cầm thánh giá bạc thật đẹp. Juan Pablo cũng vẽ một bức tương tự, nhưng còn thêm vào cả sân bóng đá, cầu thủ, và dòng chữ “San Lorenzo 6, River 0.”

Một trong các ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô là thanh lọc và cải cách Giáo hội, giáo triều của thể chế Giáo hội Công giáo. Nhưng nhiệm vụ còn quan trọng hơn là cải cách tinh thần và đạo đức của chính giáo triều, cải cách hệ thống Giáo hội, một cuộc cải cách về thái độ, cách nghĩ, cách làm.

Trong các thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô lên án các âm mưu hại người, phản bội, thói ngồi lê đôi mách, thói vu khống, phỉ báng, đam mê hư danh, tham lam, và thói tham nhũng. Và theo ngài, tham nhũng còn tồi tệ hơn là tội lỗi.

“Tôi không biết tại sao, nhưng nhiều người lại có một niềm sung sướng tội lỗi khi đi nói xấu và hại người khác,” ngài nói về tội phỉ báng người khác. “Mỗi khi chúng ta nói xấu về ai, là chúng ta đang làm như Giuđa. Khi Giuđa phản bội Chúa, trái tim của ông đã đóng, ông không còn tình yêu, tình bạn… Chúng ta xin Chúa tha thứ cho những gì chúng ta làm với bạn mình vì Chúa ở nơi họ. Và chúng ta xin ơn không bao giờ nói xấu về ai nữa. Và nếu chúng ta thấy khuyết điểm của ai thì đừng phán xét bằng miệng lưỡi mình, thay vào đó thì cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ họ.”

Trong một thánh lễ khác, khi phân tích một cách tự phát, ngài định nghĩa Công đồng Vatican II là “công trình đẹp đẽ của Thần Khí.” Nhưng ngài cũng nhắc, sau 50 năm nhiều người muốn “đi lùi” hoặc muốn biến Công đồng thành một “tượng đài”. Vì lý do này, ngài cho rằng đây là cơ hội để chúng ta tự hỏi “liệu chúng ta đã làm mọi thứ mà Thiên Chúa khuyên chúng ta trong Công đồng chưa, cho sự phát triển của Giáo hội chưa.” Các lời phân tích này rất quan trọng để chúng ta hiểu nhãn quan của Đức Phanxicô về một vấn đề trọng tâm nhưng cũng gây tranh cãi. Các nhà sử học và những người bảo thủ đôi khi đã lên tiếng rất gay gắt về việc ủng hộ sự tiếp nối hay cải cách. Nhưng trong bài giảng của mình, Đức Phanxicô đã hỏi tín hữu, liệu họ đã làm tất cả mọi việc mà Công đồng Vatican II yêu cầu hay chưa. “Không. Chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm này như thể chúng ta đang dựng tượng đài cho Công đồng, chúng ta chỉ lo việc nó đừng tạo ảnh hưởng trên mình. Chúng ta không muốn thay đổi. Và tôi cho rằng mọi chuyện không chỉ dừng ở đó: có những lời đồn đãi rằng một số người còn muốn quay lại như cũ. Như thế gọi là cố chấp, như thế gọi là muốn chế ngự Thiên Chúa, như thế gọi là ngớ ngẩn, là những tâm hồn chậm tiến,” ngài tuyên bố.

Trong một thánh lễ khác, Đức Phanxicô đã làm cho các tu sĩ ở Viện Nghiên cứu các Công trình Tôn giáo (IOR, thường được biết dưới tên Ngân hàng Vatican) có mặt hôm đó một phen sững sờ. Ngài nói rằng ngài muốn thấy Ngân hàng Vatican, vốn là tâm bão trong nhiều năm qua, sẽ trở nên minh bạch. Ngài nói về một nguy cơ Giáo hội trở nên một hệ thống “quan liêu” và thành một tổ chức phi chính phủ (NGO). Ngài nhắc nhở “Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội là câu chuyện của một tình yêu.” Giáo hoàng dừng lại, nhìn vào những người đang lắng nghe chăm chú, và ngài thốt lên: “Nhưng ở đây có một số người làm việc cho ngân hàng Vatican! Thứ lỗi cho tôi, có phải các bạn sẽ trở thành như thế không?” Ngài tiếp: “Tất cả mọi thứ đều cần thiết, các văn phòng công sở là cần thiết, nhưng chỉ cần thiết đến một mức độ nào đó thôi – đủ để trợ giúp cho câu chuyện tình yêu này. Nhưng khi tổ chức trở nên quan trọng nhất, tình thương giảm dần thì Giáo hội, tội nghiệp cho Giáo hội chúng ta, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Đó không phải là con đường đúng đắn.” Khi được phát lại trên Đài Phát thanh Vatican trong chương trình Quan sát viên Rôma vào buổi chiều, thì thật đáng tò mò, những lời này không hề đả động gì đến các nhân viên của Ngân hàng Vatican. Một sự tự kiểm duyệt chăng?

Trong thánh lễ vào ngày lễ Thánh Sử Máccô, Đức Phanxicô nhấn mạnh, trước khi lên trời, Chúa đã kêu gọi các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng “cho đến ngày tận thế,” không phải chỉ ở Giêrusalem hay Galilê. “Chân trời rộng mở và, như anh chị em thấy, đây là sứ mệnh của Giáo hội. Giáo hội mang Lời Chúa đến với tất cả mọi người, ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng Giáo hội không đi một mình, mà đi cùng với Chúa,” Đức Phanxicô tuyên bố.

Sáng thứ bảy, 27 tháng 4, ngài phê phán một Giáo hội, một cộng đồng “tự đóng kín, tự đắc” sống trên sự phỉ báng, “tìm an toàn trong tiền bạc, hay thỏa hiệp với bạo quyền và nói ra những lời gây đau đớn, những lời nhục mạ và kết tội… Có lẽ họ đã quên đi tình âu yếm của mẹ khi họ còn bé thơ.”

Trong một thánh lễ khác, buổi sáng 3 tháng 5, một lần nữa, ngài phê phán những cuộc chiến nội bộ của một Giáo hội “thiếu lòng dũng cảm.” “Khi Giáo hội đánh mất lòng dũng cảm, một không khí lãnh đạm sẽ bao trùm. Sự lãnh đạm, những con chiên lãnh đạm, đánh mất lòng quả cảm. Vậy nhưng ta vẫn còn đủ dũng cảm mà dính líu đến những vụn vặt tầm thường, những ganh ghét, đố kỵ, những hãnh tiến, những ích kỷ của chúng ta. Giáo hội phải dũng cảm! Chúng ta, tất cả chúng ta phải dũng cảm trong lời cầu nguyện và hãy hiên ngang trước mặt Chúa.”

Ngày 16 tháng 5, ngài lại lên tiếng phê phán các giám mục và linh mục đã khuất phục trước cám dỗ của tiền bạc và hư danh, họ đã trở thành những “con sói tham lam” thay vì người dẫn dắt các con chiên. Giáo hoàng thừa nhận rằng cả linh mục và giám mục đều có thể trở thành con mồi của cám dỗ và vì vậy chúng ta cần cầu nguyện cho họ. “Những gì cám dỗ các linh mục và giám mục?” Ngài hỏi. Dẫn lời thánh Âgutinô, ngài đưa ra hai loại cám dỗ chính: “Của cải vật chất, thứ sẽ dẫn đến tính hám lợi, và danh vọng.”… Khi các giám mục, linh mục nhân danh Chúa mà bóc lột con chiên, khi một linh mục, một giám mục chỉ đi theo đồng tiền, người đó sẽ không được giáo dân yêu thương, đó là một dấu hiệu. Và linh mục đó sẽ có một kết cục xấu,” Ngài nói.

Những lời nói của Đức Phanxicô làm chúng ta liên tưởng đến các vụ bê bối Vatileaks và những lời buộc tội về sự tha hóa của chính quyền Rôma. Chúng cũng làm chúng ta liên tưởng đến những chiếc xe Mercedes đen sang trọng với tài xế riêng mà nhiều vị hồng y ở Vatican đang sử dụng. Một số vị đang sống một mình trong những căn hộ rộng hàng ngàn mét vuông có tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra Thành phố Vĩnh cửu, họ được đối xử như những ông hoàng, và có lẽ tất cả đều có những chiếc xe bốn bánh trong nhà xe.

“Thánh Phêrô không có tài khoản ngân hàng; ngài chỉ làm việc. Và khi một giám mục, một linh mục chạy theo các phù phiếm xa hoa, họ sẽ có tham vọng, họ sẽ gây tổn hại cho Giáo hội. Cuối cùng, họ trở thành lố bịch, vì họ khoe khoang; họ muốn được mọi người nhìn thấy, họ muốn có quyền lực. Và giáo dân không thích những chuyện này!” Đức Phanxicô nói.

Ngài 7 tháng 7-2013, Đức Phanxicô còn nói thêm về lòng tham danh vọng và lối sống xa hoa hưởng thụ. Ngài nói mà không có bài viết sẵn trước 6000 chủng sinh và tập sinh từ trên 60 quốc gia về họp ở Đại Thính Đường Phaolô VI. “Tôi đau lòng khi thấy các linh mục, các nữ tu đi những chiếc xe đời mới nhất – Các vị không được làm như vậy! Các vị nên đi xe đạp, hoặc đi những chiếc xe giản dị hơn – hãy nghĩ đến những đứa trẻ đang chết dần vì đói!”

Giáo hoàng nói với cảm xúc mãnh liệt. Và ngài kêu gọi các tông đồ trẻ thế hệ tương lai hãy sống đúng như những gì mình giảng. “Các con không thấy ghê sợ khi gặp những linh mục hay những ma-xơ sống giả dối sao?” Ngài kêu lên, lên án thói đạo đức giả và lừa dối đây đó trong giới tu hành. “Chúng ta phải trước sau như một, chân thật, chúng ta giảng Tin Mừng bằng minh chứng sống, chứ không bằng lời nói suông,” Mọi người vỗ tay khi nghe ngài nói. Ngài cũng đề nghị các linh mục, các nữ tu hãy sống vui, hãy truyền niềm vui đến cho mọi người: “Không có thiêng liêng thần thánh nào trong buồn bã cả! Thánh Têrêxa từng nói, một vị thánh buồn là một vị thánh buồn! Không linh mục hay ma-xơ nào nên có khuôn mặt chảy dài cả!” Ngài nói. “Đừng có biến mình thành những bà cô không chồng, ông chú không vợ sầu đời; hãy tận hưởng niềm vui của đời tu hành!” Ngài động viên, giải thích rằng, bậc sống độc thân, lời khấn khiết tịnh nên là con đường để các linh mục, các nữ tu trở thành người cha người mẹ của giáo dân.

Trong các thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô thường  lên án việc ngồi lê đôi mách, thói ghen tị, đố kỵ mà chúng ta vẫn thường thấy ở các giáo xứ, nơi mà nhiều người vẫn còn nói xấu nhau. “Tôi cũng từng làm việc đó, ôi…” Đức Phanxicô thành thật công nhận. Rồi Đức Phanxicô n1i lời từ giã và xin: “Anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng là người có tội.”

Trong các thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô phê phán “các tín hữu kitô ngồi trong phòng vẽ.” “Những người học cao, thuộc tầng lớp trên” thiếu nhiệt huyết của những con chiên chân chính, những người không có lòng dũng cảm để kích động “những thứ vốn quá ù lỳ trong Giáo hội.” Và, như ngài vẫn hay làm khi còn là Tổng Giám mục Buenos, ngài kịch liệt lên án những kẻ tham nhũng và phân biệt những người này với những người có tội, ngài gõi giữa người tham nhũng là “những người phản Chúa.”

“Người mắc tội, có thể; kẻ tham ô, thì không!” Ngài tuyên bố trong bài giảng ngày 3 tháng 6-2013; cho rằng chúng ta không phải quan tâm quá lâu với người có tội vì “tất cả chúng ta đều là kẻ có tội.” “Chúng ta đã quen thuộc với chính bản thân mình và đều biết thế nào là người có tội. Và nếu có ai trong chúng ta không cảm thấy mình có tội thì họ nên đi bác sĩ tâm thần để khám bệnh, vì rõ là người đó có vấn đề,” ngài nói. Trước khi làm giám mục, trong thời ngài còn ở tỉnh Cordoba, Argentina, Đức Bergoglio đã viết một bài về chủ đề này, được xuất bản thành sách năm 2005: Tham ô và Tội lỗi: Suy ngẫm về Các dạng Tham nhũng. Trong quyển sách này, ngài nhấn mạnh, chúng ta không nên nhầm lẫn tội lỗi với tham ô: tội lỗi thì có thể tha thứ; còn tham ô thì không.

Bàn về đoạn Phúc Âm nói về những người thợ trồng nho độc ác, ngài  phê phán một hình ảnh khác đại diện cho những người muốn “chiếm lấy vườn nho và đánh mất mối quan hệ với chủ vườn nho – một người chủ đến với chúng ta bằng tình yêu, bảo vệ và tặng cho chúng ta tự do.”

Và Ngài đã rọi quang tuyến vào thói tham ô: “Họ cũng là những kẻ có tội như chúng ta, nhưng họ đã đi một bước xa hơn, họ chìm sâu vào tội lỗi: họ không cần Chúa! Nhưng đây chỉ là một ảo tưởng, vì Chúa luôn tồn tại trong mã di truyền của họ. Và vì họ không thể chối bỏ điều này, họ tạo ra một vị chúa đặc biệt: chính họ là chúa, họ là sự tham ô,” ngài giải thích. Ngài cảnh cáo thói tham ô là “mối nguy hại với cả chúng ta” – có nghĩa là với cả Giáo hội Công giáo.

Có lẽ không có gì là trùng hợp khi có một số “hiệp sĩ của Đức Giáo hoàng” trong số những người tham dự thánh lễ hôm đó. Đây là tước hiệu cao quý do Đức Phaolô VI lập nên năm 1968, ban tặng cho các giáo dân chủ yếu là người Ý (nhưng cũng có một người Argentina, đó là Đại sứ Esteban Caselli) để tưởng thưởng cho những cống hiến của họ với Giáo hội. Có khoảng hơn 140 hiệp sĩ thuộc Tông Tòa và họ có thể có tài khoản ở Ngân hàng Vatican. Họ làm gì? Ho mặc đồng phục áo đuôi tôm, đeo huy hiệu vàng, thánh giá, và mang khăn chéo vai, họ được vinh dự phục vụ Đức Giáo hoàng.

Bằng cách nào? Khi Giáo hoàng tiếp đón các nhân vật cấp cao hoặc các vị lãnh đạo quốc gia, các “hiệp sĩ” sẽ được tháp tùng các vị khách hoành tráng này đi qua các hành lang và sảnh điện lộng lẫy của Tòa thánh Vatican để cùng họ đến gặp Đức Giáo hoàng.

Đức Bênêđictô XVI đã quyết định ngưng hình thức tiến cử này sau vụ việc điển hình của hiệp sĩ Angelo Balducci, cựu Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Công tác Xã hội Ý, người đã dính líu vào vụ xcăn-đan tham ô tệ hại và cả một vụ mua dâm đồng giới phóng đãng có liên quan đến Tòa Thánh Vatican bị vỡ lở sau khi các nhân viên điều tra nghe lén điện thoại.

Đồng tình với người tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô cũng cho ngừng các hình thức tiến cử này. “Ngài coi các chức vụ hình thức này là cũ kỹ, vô bổ, và đôi khi còn nguy hại,” theo lời của tờ báo Ý Corriere della Sera.

Hai ngày sau đó, ngài nêu rõ nguyên tắc, “đạo đức giả là ngôn ngữ của tham ô.” Trong một bài giảng khác, ngài lên án những kẻ đạo đức giả, những kẻ xu nịnh – những con người luôn mong muốn tiến thân bằng “lời nói đường mật.” Ngài yêu cầu người Công giáo hãy gạt qua một bên “ngôn ngữ được xã hội dạy cho” và hãy nói thật trong sáng, như những đứa trẻ – những người không bị ảnh hưởng bởi thói tham ô xu nịnh.

Cũng với phong cách thân mật như ở Nhà nguyện Thánh Mácta, ngày 7 tháng 6, giữa tám ngàn linh mục và các chủng sinh ở Đại Thính Đường Phaolô VI, sau lời chào hỏi như thường lệ, Đức Phanxicô chuẩn bị đọc một bài diễn văn đã soạn sẵn. Nhưng bất chợt, ngài dừng lại và nói, “Cha đã viết sẵn bài này nhưng nó dài đến năm trang! Cũng hơi chán… Vậy chúng ta sẽ làm như thế này: Cha đọc bản tóm tắt và sau đó cha đưa bản viết này cho các con. Các con có thể đặt câu hỏi và chúng ta sẽ trò chuyện với nhau. Các con có muốn như vậy không? Không muốn? Có muốn? Tốt. Chúng ta sẽ làm như vậy.”

Sau đó, em Têrêxa 6 tuổi, thay vì nói một cách trịnh trọng, em đã xưng hô thân mật với Giáo hoàng Argentina rất gần gũi này, em hỏi: “Cha có muốn làm Giáo hoàng không ạ?” Ngài nhanh chóng trả lời với những lời rất trí tuệ vàng ngọc: “Con có biết sẽ như thế nào khi một người không biết yêu bản thân mình cho lắm không? Một người mà mong muốn, khát khao trở thành Giáo hoàng, người đó không yêu bản thân họ. Chúa không ban phước cho người đó. Không, cha không muốn trở thành Giáo hoàng.”

Liên Diệu chuyển dịch